Thông tin 'xấu, độc' trên mạng sắp hết đất tồn tại?

Với sự ra đời của Luật An ninh mạng, 'bát cơm' của một bộ phận người sống bằng nghề tung 'tin vịt', thông tin 'xấu, độc' ít nhiều bị vơi đi, thậm chí không còn đất tồn tại.

Hôm 12/06, với 86,86% đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý, Luật An ninh mạng đã được thông qua sau một thời gian dài thai nghén. Đây là một bước tiến trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Đồng thời, nó cũng là nỗi “ác mộng” đối với những “anh hùng bàn phím” đang lợi dụng mạng xã hội để thực hiện những hành động xấu xa.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao nhiều dự luật khác được thông qua khá êm ả thì Luật An ninh mạng trước và sau khi được thông qua, nó vẫn khiến một bộ phận xã hội dậy sóng?

Hẳn ai cũng thấy được, khi Luật An ninh mạng được thông qua, trên các trang mạng xã hội (đặc biệt là Facebook) và không ít diễn đàn, nhiều người đã chỉ trích, cho rằng Nhà nước ta vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, xâm phạm đến đời sống riêng tư, khiến cho thông tin bị bưng bít không được công khai.

Những đối tượng chống đối đó không ít thường mang danh nghĩa anh hùng, kiếm cơm bằng nghề “gây bão” dư luận. Luật An ninh mạng được thông qua khiến quyền lợi, sinh kế, kế hoạch… của bộ phận này sẽ bị giới hạn, ảnh hưởng rất nhiều.

Những thông tin "xấu, độc" trên mạng sẽ hết đất tồn tại khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực.

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến quá nhiều “tin vịt” trên mạng xã hội, nhưng vẫn dễ dàng tin. Đơn giản vì người Việt mình vẫn còn nhiều người chưa định hình được thông tin có kiểm soát với thông tin tự do trên mạng xã hội. Rồi, nhiều người thích quan tâm tới những thông tin “giật gân”, hay cái “tít”, “status” nóng, nhưng sau đó thông tin đính chính thì lại chẳng mấy ai đọc.

Thế nhưng, sự ra đời của bộ luật này là rất cần thiết. Cần thiết ở đâu, quan trọng như thế nào thì nhiều chuyên gia, đại biểu, cử tri cũng đã chỉ ra và tán đồng.

Theo đó, trong một xã hội tồn tại giai cấp, rất khó để pháp luật có thể chiều lòng tất cả mọi người. Ví như Bộ luật Hình sự chẳng hạn, rõ ràng các quy định về tội phạm và hình phạt được số đông cộng đồng ủng hộ, nhưng nếu đứng trên lập trường của những người phạm tội thì họ lại ghét cay ghét đắng các quy định được đưa ra. Tức là, khi đứng ở những vị trí khác nhau, những lập trường khác nhau thì cách đánh giá, nhìn nhận về một quy định sẽ hoàn toàn khác nhau

Điều này cũng đồng nghĩa, một khung pháp lý mới đã được hình thành. Bên cạnh việc mang đến những cơ chế mở để xử lý vấn đề tội phạm công nghệ cao, bảo vệ an toàn riêng tư cho người Việt sử dụng công cụ mạng… thì nó còn đem đến cơ chế xử lý những cá nhân vi phạm pháp luật bằng cách sử dụng mạng xã hội.

Có thể nói, Luật An ninh mạng là một vấn đề hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Do đó, khi xây dựng các quy phạm điều chỉnh chắc chắn sẽ có những nội dung chưa thực sự toàn diện. Nhưng khách quan mà nói, Đảng và Nhà nước ta đã rất nỗ lực trong công tác lập pháp để xây dựng hành lang pháp lý điều chỉnh mọi mặt của xã hội.

Pháp luật luôn dành cho số đông, chứ không thể thỏa mãn tất cả mọi người. Và chắc chắn rằng, với sự ra đời của Luật An ninh mạng, “bát cơm” của một bộ phận người sống bằng nghề tung "tin vịt”, thông tin "xấu, độc" ít nhiều bị vơi đi, thậm chí không còn đất tồn tại.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thong-tin-xau-doc-tren-mang-sap-het-dat-ton-tai-130956.html