Thông tin vỏ lạp xưởng làm bằng nilon gây độc hại hoang mang người dùng

Sự bất thường của lạp xưởng được nhiều khách hàng nghi vấn ở việc vỏ của món ăn này có độ dai một cách bất thường. Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu vỏ lạp xưởng có phải được làm từ nilon?

Vỏ lạp xưởng – hiếm có, khó tìm

Lạp xưởng vốn là một món ăn hạng sang, được rất nhiều người yêu thích bởi độ béo ngậy, thơm ngon của nó. Lạp xưởng được làm từ thịt nạc, mỡ lợn xay nhuyễn trộn với rượu, đường và nhồi vào ruột lợn khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng có 2 loại, lạp xưởng phơi khô được đựng trong những túi bóng hút chân không, còn loại nữa là lạp xưởng tươi, được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Thường lạp xưởng xuất hiện trong những món ăn ngày lễ tết, hoặc trong bánh trung thu và những món bánh khác.

Những nghi vấn về chất lượng của lạp xưởng được bắt đầu từ việc nhiều người yêu thích món ăn này nhận thấy vỏ lạp xưởng rất dai, nhai mãi không tan trong miệng. Điều này khiến không ít người lo lắng bởi những vấn đề về thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ảnh hưởng tới sức khỏe con người là những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi ( PV) đã tìm đến các chợ đầu mối lớn của thủ đô Hà Nội dò hỏi. Chợ Đồng Xuân, nơi có hàng trăm tiểu thương buôn bán đồ khô, hàng hóa cực kì đa dạng, phong phú, thế nhưng khi hỏi về vỏ lạp xưởng thì không phải là điều dễ dàng. Sau khi hỏi hàng chục cửa hàng, may mắn, chúng tôi tìm được một gian hàng nhỏ buôn bán lạp xưởng, tôm khô và mực khô các kiểu. Nói là cửa hàng nhưng thực chất chỉ là một cái bàn nhỏ, kê lên ngay sát bên lề đường, phía trên bức tường bằng tôn treo rất nhiều túi lạp xưởng khô trông rất bụi bặm, rất mất vệ sinh. Hỏi về vỏ lạp xưởng, người đàn ông trung niên trạc tuổi ngũ tuần dò hỏi: “Nhà tôi có bán, cháu mua nhiều hay ít. Ở đây chỉ có mỗi nhà tôi bán thôi, không có ai bán nữa đâu…”. Chúng tôi nói rằng chỉ muốn mua một ít để về làm lạp xưởng cho bánh trung thu. Ông chủ chạy vội vào phía trong, đưa ra một túi bóng có những mảnh dài.

Được biết, đây là loại ruột lợn khô được gấp thành từng xấp, mỗi xấp có trọng lượng khoảng 100gr, dài chừng hơn 10m. Nhìn vẻ bề ngoài, những “xấp ruột khô” này không hoàn toàn giống nhau, có màu trắng ngà. Khi sờ vào, có cảm giác giống như lớp vỏ bằng nilon, mỏng, nhẹ, đặc biệt là rất dai. Giá của mỗi lạng vỏ lạp xưởng khô này từ 130 – 200 nghìn đồng. Chúng tôi thắc mắc, tại sao giá của vỏ lạp xưởng này lại cao đến thế và không hề được bán một cách phổ biến tại chợ Đồng Xuân, giải thích cho điều này, người đàn ông bán hàng cho biết: “Giờ ngoài công ty thì chẳng ai làm lạp xưởng ở nhà bằng vỏ ruột heo khô cả. Giá của lạp xưởng chế biến sẵn được bán với giá 105 – 130 nghìn đồng/1kg, dùng lạp xưởng chế biến sẵn vừa nhanh, lại vừa tiết kiệm…”.

Theo một chia sẻ của những người bán hàng khô khác, thì mỗi lạng vỏ lạp xưởng này chỉ có giá gốc khoảng 30.000 đồng và có xuất xứ từ Trung Quốc. Được biết, theo cách thủ công, vỏ lạp xưởng làm bằng ruột heo tươi, cạo sạch, phơi khô. Ở các cơ sở sản xuất công nghiệp thì chủ yếu dùng ruột heo khô đặc biệt được sơ chế sẵn. Thậm chí có nơi còn sử dụng một loại vỏ được làm bằng collagen, tuy nhiên trên thực tế, vỏ bằng collagen này thực chất có thành phần thế nào còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Lạp xưởng được bày bán gần đường quốc lộ rất mất vệ sinh (Ảnh minh họa)

Cùng với việc tìm hiểu về thực hư vỏ lạp xưởng làm nilon, nhiều người đã làm những thí nghiệm để kiểm tra. Vỏ lạp xưởng làm bằng “ruột heo khô” này được ngâm trong nước nhiều giờ nhưng không hề có dấu hiệu bị bở, còn kho đốt trên lửa thì có mùi khét của nhựa. Chính vì điều này, nhiều người đã đặt ra nghi vấn liệu có phải vỏ lạp xưởng được làm bằng nilon ?.

Còn đối với loại vỏ lạp xưởng làm bằng collagen, trên các trang mạng, nhiều người quảng cáo mặt hàng này nhưng có giá không hề rẻ. Theo đó, loại vỏ này có giá hơn 400 nghìn đồng, có thể ăn được, đường kính 16mm, màu nâu đỏ, mỗi gói vỏ này có 5 cuộn được nén chặt, có tổng chiều dài 37,5m khi kéo ra và có xuất xứ từ Mỹ.

Ruột heo khô hay nilon biến hình ?

Từ những đặc điểm trong cuộc thử nghiệm về vỏ lạp xưởng khô, nghi vấn đặt ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ nếu là ruột heo khô thật thì chắc chắn khi ngâm vào nước phải bị bở và dùng tay xé thì vẫn bị rách. Nếu thực sự vỏ lạp xưởng làm bằng nilon thì hậu quả để lại cho sức khỏe người tiêu dùng là không lường được.

Về vấn đề này, đã có nhiều bác sĩ, chuyên gia đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng. BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, hội Khoa học kĩ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết, nilon hay nhựa nói chung là một loại hóa chất chỉ được dùng làm bao bì bên ngoài thực phẩm, chứ không thuộc nhóm phụ gia, phẩm màu. Nếu sử dụng nhựa hay nilon sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.

Khâu mất công nhất trong việc sản xuất lạp xưởng là khâu xử lý ruột heo để làm vỏ. Tuy nhiên chỉ có quy mô gia đình, làm “home made” thì mới sử dụng theo cách thủ công này. Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao vỏ lạp xưởng làm bằng ruột heo khô không được sử dụng phổ biến trong các cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp mà lại sử dụng loại vỏ làm bằng chất dẻo, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, ruột heo khô không hề dễ làm, lại không có nguồn hàng phong phú. Điều đặc biệt, ruột heo khô có nhược điểm là có đoạn to, đoạn nhỏ, không đồng đều. Vậy nên thay vì sử dụng ruột heo khô thì thay thế bằng chất dẻo sẽ đưa lại những sản phẩm có thẩm mỹ, đẹp mắt và đồng đều.

Lạp xưởng được bày bán ngay lề đường (Ảnh minh họa)

Với những tác động của lạp xưởng đến sức khỏe con người, PGS.TS Nguyễ Duy Thịnh cũng đưa ra lời khuyên, tốt nhất mọi người không nên ăn nhiều lạp xưởng, nhất là trẻ nhỏ. Để lý giải cho điều này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Lạp xưởng được làm từ thịt, mỡ các gia vị và hóa chất, phẩm màu. Để tránh thâm đen thịt lợn, người ta thường cho hàm lượng nitrat rất nhiều, gây ngộ độc cho con người, thậm chí có nguy cơ gây ung thư nếu tích tụ vào cơ thể trong một thời gian dài. Đặc biệt, thành phần dinh dưỡng của lạp xưởng hoàn toàn không bổ béo gì, ngoài ra nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiều khi còn không đảm bảo…”.

Hiện nay, ngoài lạp xưởng khô được bảo quản trong những túi hút chân không, thì lạp xưởng tươi (hàng đông lạnh) lại được nhiều người lựa chọn hơn rất nhiều bởi có giá rất rẻ. Ở trước cổng trường học, các chợ sinh viên, chợ cóc, mặt hàng này bán rất chạy phục vụ nhu cầu của học sinh, sinh viên và những người có thu nhập thấp. Giá bán trung bình cho mỗi thanh lạp xưởng này là 6.000 – 7.000 đồng. Tại những chợ sinh viên, rất dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc xe đạp thồ một chiếc bếp ga du lịch, trên bếp là chảo mỡ vàng đậm, lắng cặn vì sử dụng lâu ngày dùng để rán lạp xưởng, nem chua và hàng loạt các đồ ăn vặt khác. Những túi bóng đựng lạp xưởng được đóng gói thủ công, không có nhãn mác rõ ràng. PV đã trực tiếp thử những miếng lạp xưởng tươi này, khi ăn, mùi “thơm lạ” bốc lên nức mũi, nhưng nếu người nào có vị giác tốt thì dễ dàng phát hiện mùi ôi của thịt. Khi hỏi người bán hàng lạp xưởng được sản xuất ở đâu, như thế nào thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung : “Đây là hàng công ty sản xuất…”

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện sinh học – Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này: “Thông thường vỏ lạp xưởng được làm bằng ruột lợn khô, nhưng hiện nay, ruột lợn khô thường rất khó làm, thế nên nhiều công ty, cơ sở sản xuất, chế biến lạp xưởng sử dụng màng chất dẻo để thay thế. Đây là công nghệ được áp dụng rất phổ biến ở nước ngoài. Nếu sự thực vỏ lạp xưởng được làm bằng nilon thì sẽ rất nguy hiểm, khi nướng hoặc rán lên, lớp vỏ đó sẽ cháy khét, có mùi và không tốt cho sức khỏe”.

Nguyệt Thư

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/thong-tin-vo-lap-xuong-lam-bang-nilon-gay-doc-hai-hoang-mang-nguoi-dung-51584.htm