Thông tin Việt Nam mua 24 tiêm kích tàng hình Su-57 Nga

Giới chức quốc phòng Nga đã bác bỏ thông tin Việt Nam muốn mua 12-24 chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 và khả năng xuất khẩu của nó.

Truyền thông đưa tin Việt Nam mua Su-57 Nga

Mới đây một số phương tiện truyền thông thế giới đã đưa tin rằng, Việt Nam đang thể hiện sự quan tâm đến máy bay chiến đấu tàng hình đa năng mới nhất của Nga thuộc thế hệ thứ 5 là Sukhoi Su-57.

Tuy nhiên, các quan chức của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết, vẫn còn quá sớm để nói về xuất khẩu Su-57 nên việc Việt Nam mua Su-57 là điều không thể trong tương lai gần.

Tuần này, ấn phẩm phân tích quân sự Military Watch Magazine có bài viết với tiêu đề "Tiêm kích tàng hình trên bầu trời Hà Nội: Su-57 có thể đem lại lợi ích gì cho Việt Nam" (Stealth Fighters Over Hanoi; What the Su-57 Can Do For Vietnam).

Bài báo cho biết, theo những nguồn tin giấu tên, Không quân Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đáng kể đến việc mua 1-2 tiểu đoàn máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 của Nga - loại máy bay tiêm kích ưu thế trên không thế hệ thứ 5, với số lượng 12-24 chiếc.

Việc triển khai chúng sẽ có nghĩa là đất nước Việt Nam sẽ có những khả năng mới về cơ bản để tiến hành cuộc chiến tranh trên không. Điều này phù hợp với các ưu tiên của Không quân là sở hữu một lực lượng tinh nhuệ nhỏ, bao gồm các máy bay chiến đấu cao cấp của Nga.

Tác giả bài báo đưa ra gợi ý: Rõ ràng là nếu Không quân Việt Nam mua các máy bay loại này thì Việt Nam không chỉ trở thành nước đẩu tiên ở Đông Nam Á sở hữu phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 mà còn sẽ giúp cào bằng ở một mức độ nhất định các cấp độ giữa lực lượng không quân Việt Nam và sự vượt trội hiện tại của Trung Quốc.

Bắc Kinh bắt đầu từ năm 2017 đã biên chế máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 Chengdu J-20. Bắc Kinh còn lên kế hoạch vào đầu những năm 2020 sẽ đưa vào vận hành phiên bản hiện đại hóa của loại máy bay này là J-20B, với khả năng chiến đấu thậm chí còn cao hơn.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga

Vì Việt Nam không có hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS, ví dụ như máy bay cảnh báo sớm A-50 Mainstay của Nga), nên thiết bị hiện đại nhằm phát hiện và nhắm mục tiêu trên Su-57 sẽ tạo khả năng trinh sát, phát hiện, theo dõi các mục tiêu từ tầm xa lớn chưa từng thấy.

Ngoài ra, khả năng của Su-57 bay ở độ cao lớn sẽ khiến nó trở nên phi cơ tuyệt vời để tuần tra Biển Đông, mà sự hiện diện quân sự của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể ở vùng biển này - Tạp chí Military Watch cho biết thêm.

Theo tác giả bài báo, ngoài Trung Quốc đã tự lực chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, Singapore cũng thể hiện sự quan tâm đến việc sở hữu những chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới và đang xem xét khả năng thay thế F-16 đã lỗi thời bằng F-35A Lightning II của Mỹ.

Nga: Su-57 chưa thể xuất khẩu trong thời gian ngắn tới

Sau khi Military Watch đăng tải bài báo, một số phương tiện truyền thông Nga đăng lại bài viết này của Tạp chí và cũng phân tích tình hình xung quanh các tiêm kích hiện đại nhất.

Theo bình luận, những lý do khiến Việt Nam quan tâm đến phi cơ chiến đấu hiện đại nhất của Nga là điều có thể giải thích được.

Các nguồn tin công khai đã nhiều lần đưa tin rằng, Su-57 không chỉ là máy bay chiến đấu, mà còn là một tổ hợp đa năng, siêu cơ động, hầu như tàng hình cả trong vùng hồng ngoại và trong phạm vi radar. Nó có thể bay với tốc độ siêu âm, mà không cần chuyển động cơ sang chế độ đốt trong.

Phi cơ này không chỉ có khả năng bảo đảm "ưu thế trên không", mà còn tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất bằng các loại vũ khí có độ chính xác cao và vũ khí thông thường, cũng như tiến hành các hoạt động trinh sát.

Hơn nữa, khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chiếc phi cơ chiến đấu tối tân của Nga không cần phải bay vào khu vực bị ảnh hưởng bởi các hệ thống phòng không của đối phương, ngay cả nếu đối phương phát hiện chiếc phi cơ thì cũng không thể bắn trúng nó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/thong-tin-viet-nam-mua-24-tiem-kich-tang-hinh-su-57-nga-3373042/