Thông tin về tên lửa nhiên liệu rắn Hwasong-18 của Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên tuyên bố vừa thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới, đánh dấu bước đột phá lớn trong chương trình vũ khí của Chủ tịch Kim Jong-un.

Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn “Hwasong-18” của Triều Tiên. Ảnh: KCNA/TTXVN

Hình ảnh vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn “Hwasong-18” của Triều Tiên. Ảnh: KCNA/TTXVN

Vậy tên lửa nhiên liệu rắn chính xác là gì và tại sao việc Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa này lại quan trọng như vậy? Bài viết dưới đây sẽ trả lời cho các câu hỏi trên.

Tên lửa nhiên liệu rắn là gì?

Thuốc phóng - nhiên liệu cung cấp năng lượng cho tên lửa - được làm từ hỗn hợp hóa chất rắn và được đốt cháy rồi tạo ra khí thải.

Chuyên gia chính sách hạt nhân Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nói với AFP: “Nhiên liệu đẩy được đưa vào khung của tên lửa trong quá trình chế tạo. Hãy tưởng tượng nó như một quả pháo đốt luôn sẵn sàng hoạt động”.

Nhưng ngược lại, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng đòi hỏi nạp nhiên liệu và chất oxy hóa trước khi khai hỏa. Đây là một quy trình chậm hơn và cồng kềnh hơn.

Ông Panda cho biết tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cần được cất giữ, bảo dưỡng và xử lý cẩn thận, nếu không, chất lượng của tên lửa có thể xuống cấp theo thời gian.

Tuy nhiên, chúng thường được triển khai và phóng đi nhanh hơn trong chiến tranh so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Ông nói thêm: "Điều này làm cho tên lửa nhiên liệu rắn trở nên hấp dẫn trong một số ứng dụng quân sự".

Triều Tiên đã sở hữu tên lửa nhiên liệu rắn?

Chuyên gia Ankit Panda cho hay qua các hình ảnh được đăng trên truyền thông Triều Tiên, có thể thấy luồng khí thải của tên lửa phù hợp với nhiên liệu rắn. Ông nói thêm: “Mọi thứ có vẻ phù hợp với một cuộc thử nghiệm ICBM nhiên liệu rắn thành công.

Trong khi đó, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận xét rằng ngay cả khi Triều Tiên đã thử nghiệm thành công vũ khí mới thì khả năng đưa vũ khí đó vào triển khai trên thực tế vẫn chưa chắc chắn.

Các ICBM chạy bằng nhiên liệu lỏng của Triều Tiên đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, nhưng chỉ trên một quỹ đạo nghiêng. Đó vốn không phải là cách chúng sẽ được sử dụng trong tình huống thực tế. Và các câu hỏi được đặt ra là liệu chúng có hoạt động hiệu quả hay không.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tin rằng vụ phóng 13/4 chỉ đơn giản là một cuộc thử nghiệm ban đầu và để phát triển Hwasong-18 đúng cách sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa.

Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha nhận định Bình Nhưỡng vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và hạn chế về nguồn lực để thực sự triển khai lực lượng tên lửa như đã thấy trên các phương tiện truyền thông.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa “Hwasong-18” tại một địa điểm không xác định. Ảnh: KCNA/TTXVN

Quốc gia nào đã sở hữu tên lửa nhiên liệu rắn?

Tiến sĩ Cheong tại Viện Sejong cho hay hầu hết các quân đội đều bắt đầu trước với công nghệ tên lửa nhiên liệu lỏng, nhưng sẽ phấn đấu theo đuổi tên lửa nhiên liệu rắn, vốn đòi hỏi công nghệ tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quân đội tiên tiến đều triển khai được tên lửa nhiên liệu rắn.

“Mỹ triển khai tất cả các ICBM và SLBM nhiên liệu rắn, nhưng cả Nga và Trung Quốc vẫn vận hành các tên lửa nhiên liệu lỏng cỡ lớn”, ông Panda lưu ý.

Về phần mình, Hàn Quốc có năng lực kỹ thuật để sản xuất tên lửa nhiên liệu rắn, và thậm chí đã sở hữu một số trong kho vũ khí, song tầm bắn chỉ giới hạn ở bán đảo Triều Tiên.

Sức mạnh thay đổi cuộc chơi?

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18 sẽ tăng cường triệt để khả năng phản công hạt nhân của nước này. Và các chuyên gia cho rằng nó thực sự có thể thay đổi tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.

Kế hoạch phòng vệ của Hàn Quốc một phần dựa vào hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain, cho phép Seoul tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nếu có dấu hiệu Triều Tiên sắp tấn công.

ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18 khó bị máy móc phát hiện hơn rất nhiều. Điều này có thể làm đảo lộn công thức tấn công phủ đầu trên, mặc dù Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bác bỏ nỗi sợ hãi này là “lo lắng thái quá”.

Nhưng nếu Triều Tiên triển khai ICBM nhiên liệu rắn, nó có thể đem đến sức mạnh thay đổi cuộc chơi nếu chiến tranh xảy ra, theo lời ông Kim Jong-dae tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên Yonsei.

Chuyên gia này nói: “Kế hoạch hiện tại của Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh với Triều Tiên là tấn công phủ đầu và phá hủy hệ thống tên lửa của Triều Tiên sau khi xác nhận các dấu hiệu chuẩn bị phóng. Nhưng sẽ không có dấu hiệu như vậy nếu Triều Tiên ngắm tên lửa nhiên liệu rắn vào Hàn Quốc”.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/thong-tin-ve-ten-lua-nhien-lieu-ran-hwasong18-cua-trieu-tien-20230414164429984.htm