Thông tin về đề thi và đáp án tuyển sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Thái Bình

Sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn (dành cho tất cả thí sinh) trong kì thi tuyển sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Thái Bình năm 2019, Báo GD&TĐ đã nhận được thắc mắc của phụ huynh về việc đề thi có một số câu hỏi thiếu chính xác.

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình

Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình

Theo nội dung phản ánh, phần 1 của đề thi đưa ra một đoạn thơ trong tác phẩm Khi con tú hú của tác giả Tố Hữu trong sách Ngữ văn 8, sau đó yêu cầu thí sinh trả lời 5 câu hỏi về đoạn thơ đó. Tuy nhiên, theo phản ánh của phụ huynh câu hỏi số 2 và 4 trong phần này chưa được tường minh.

Cụ thể, câu hỏi số 2 yêu cầu thí sinh xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ, nhưng đối chiếu đáp án của Sở GD&ĐT Thái Bình công bố chính thức thì cả hai phương thức miêu tả và biểu cảm, điều này gây tranh cãi khi 1 câu hỏi mà có hai đáp án.

Câu hỏi số 4 yêu cầu thí sinh nêu và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa trong hai câu thơ sau: “Trời xanh càng rộng càng cao/ Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…”. Theo phụ huynh, 2 câu thơ này không hề có biện pháp tu từ nhân hóa mà đề lại yêu cầu nêu và phân tích, điều này là vô lý.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng thắc mắc về tính bảo mật của đề thi khi buổi sáng ngày 27/5 học sinh thi nhưng chiều cùng ngày nhiều phụ huynh đã có đáp án đề thi truyền tay nhau.

Đề th môn Ngữ văn dành cho tất cả thí sinh (đề thi chung)

Để làm rõ nội dung này, ngày 29/5, Báo GD&TĐ đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Đầm – Trưởng phòng Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình, ông Đầm khẳng định: “Đề thi không có câu hỏi nào sai, chỉ là một số phụ huynh hiểu chưa đúng về đề thi nên mới có những thắc mắc như vậy”.

Ông Đầm giải thích, ở câu hỏi số 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? Thí sinh có thể trả lời một trong hai phương thức miêu tả hoặc biểu cảm đều đáp ứng yêu cầu của đáp án, bởi đây là đoạn thơ trích trong bài thơ trữ tình có sử dụng nhiều yếu tố miêu tả để biểu cảm.

Về câu hỏi số 4, theo ông Đầm, biện pháp tu từ nhân hóa có ở trong câu thơ “Đôi con diều sáo lộn nhào từng không”, vì nó làm cho hình ảnh chiếc diều trở nên sinh động, gần gũi, đáng yêu, tăng sức gợi hình gợi cảm cho lời thơ. Đáp án cũng theo hướng mở ở chỗ: nếu thí sinh chỉ ra được vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của câu thơ hoặc có ý kiến riêng khác nếu hợp lý vẫn được điểm tối đa.

Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm đã được nhóm chấm môn Ngữ Văn của Hội đồng chấm thi thảo luận, trao đổi, thống nhất và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng tuyển sinh phê duyệt trước khi chấm. Quy trình làm đề thi, coi thi, chấm thi được Sở GDĐT và Trường THPT Chuyên triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Đáp án chính thức của đề thi môn Ngữ văn dành cho tất cả cả thí sinh do Sở GD&ĐT công bố

Trước thắc mắc của phụ huynh về việc đáp án được truyền tay nhau trong khi Sở GD&ĐT chưa công bố đáp án chính thức, lãnh đạo Sở GD&ĐT giải thích: “Khi rời khỏi phòng thi các thí sinh sẽ mang nội dung đề về, sau đó một vài phụ huynh hoặc học sinh sẽ nhờ chuyên gia hoặc giáo viên dạy văn phân tích và giải đề, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội, chứ không có chuyện lộ đáp án được.

Quy trình trước khi công bố đáp án đề thi đó là, hội đồng thi sẽ phải họp bàn thống nhất đáp án sau đó mới công bố công khai, lúc đó đáp án mới được coi là chính thức và có giá trị pháp lý”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thong-tin-ve-de-thi-va-dap-an-tuyen-sinh-lop-10-truong-thpt-chuyen-thai-binh-4006853-v.html