Thông tin sữa học đường 'vượt ngưỡng' là không khách quan

Đó là chia sẻ của TS-BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam-một đơn vị nghiên cứu độc lập, về vấn đề khiến phụ huynh tại Hà Nội lo lắng trong những ngày gần đây.

Theo TS Trương Hồng Sơn, thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) là tình trạng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Giải quyết tình trạng này có thể dựa trên việc bổ sung trực tiếp như bổ sung vitamin A liều cao, bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, hoặc thông qua các giải pháp bổ sung VCDD vào thực phẩm.

Việc bổ sung VCDD vào bữa ăn học đường, trong đó có sữa học đường là giải pháp cần được triển khai vì trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 28%, thiếu kẽm khoảng 69%... Vì thế, khi triển khai chương trình sữa học đường, việc bổ sung vi chất trong các sản phẩm đó là cần thiết.

Đề án Chương trình sữa học đường đưa ra khuyến cáo bổ sung 3 vi chất là canxi, vitamin D và sắt. Đây là 3 vi chất liên quan trực tiếp đến tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những vi chất quan trọng nhất và tối thiểu phải có. Căn cứ vào tình trạng VCDD và tăng trưởng ở trẻ, cần phải bổ sung nhiều VCDD hơn như vậy.

TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam mong phụ huynh tìm hiểu thêm về VCDD để yên tâm cho con sử dụng sữa học đường. Ảnh: V.Hà

TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam mong phụ huynh tìm hiểu thêm về VCDD để yên tâm cho con sử dụng sữa học đường. Ảnh: V.Hà

Theo khuyến nghị, ngoài chất đạm, chất béo và đường bột thì cần có các vitamin và chất khoáng khác gồm canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và vitamin K2…, ngoài ra còn nhiều vitamin và chất khoáng khác nữa. Ví dụ, khi trẻ em thiếu máu thì cần phải bổ sung sắt. Nhưng không chỉ cần bổ sung sắt là đủ. Sắt muốn tăng cường hấp thu tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt thì cần axit folic, vitamin B12... Ngoài ra, muốn thành mạch tốt, giảm mất máu thì cần vitamin E, vitamin C. Như vậy chỉ riêng thiếu máu không chỉ cần có sắt mà cần nhiều vitamin tham gia vào. Vì vậy, khi giải quyết tình trạng thiếu máu, sản phẩm bổ sung phải có vitamin khác đi kèm.

Hoặc về vấn đề tăng mật độ xương cho trẻ em, canxi đóng vai trò quan trọng nhất nhưng để hấp thu thì phải có vitamin D. Khi vào máu, để đưa canxi đến xương cũng cần vitamin K2…

TS Trương Hồng Sơn cho biết, thực tế sản phẩm sữa bò tươi nguyên chất cũng đã có sự có mặt của hàng chục VCDD trong thành phần chứ không phải chỉ có 3 VCDD. Trong khuyến nghị của sữa học đường không có một số VCDD quan trọng như vitamin A, kẽm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu kẽm tại Việt Nam chiếm 2/3 số trẻ em, thiếu vitamin A tiềm ẩn vẫn tồn tại.

Như vậy, bổ sung kẽm, vitamin A vào sữa học đường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Việc bổ sung đưa thêm VCDD này với trẻ em Việt Nam như hàm lượng đang đưa là hợp lý và theo đúng các quy định về bổ sung VCDD từ góc nhìn chuyên môn.

Về lo lắng của phụ huynh khi sản phẩm sữa học đường thừa VCDD so với quy định của Bộ Y tế sẽ “quá ngưỡng” và gây hại cho trẻ, TS Trương Hồng Sơn cho rằng, nếu lượng vitamin và khoáng chất ở ngưỡng cao có thể đem lại hiệu quả không mong muốn, gây bất lợi. Ví dụ bổ sung canxi và vitamin C quá liều trong thời gian dài có thể gây sỏi thận.

“Tuy nhiên chúng ta cần biết là trong các thực phẩm bổ sung, hàm lượng của các VCDD được bổ sung đều ở mức chỉ khoảng 5%-10% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10-20 hộp mới đạt được nhu cầu khuyến nghị/ngày. Và hơn nữa từ ngưỡng nhu cầu khuyến nghị này đến mức liều có thể gây hại thì lại càng rất xa”, TS Sơn nhấn mạnh.

TS Trương Hồng Sơn dẫn chứng, trong một hộp sữa học đường, vitamin C không nằm trong 3 vi chất được Bộ Y tế khuyến nghị nhưng nó có vai trò tăng cường hấp thu và sử dụng với sắt. Với liều lượng 6,5mg vitamin C trong một hộp sữa học đường, thì phải uống 12 hộp mới đạt khuyến nghị/ngày. Và phải hơn 75 hộp mới có lượng vitamin C tương đương với một viên vitamin C sủi 500mg. Với hàm lượng như vậy trong hộp sữa học đường, sẽ không bao giờ có chuyện gây hại cho sức khỏe các em, mà chỉ tham gia vào hỗ trợ hấp thu sắt.

Hiện nay, phần lớn các sữa đang được bán trên thị trường Việt Nam đều bổ sung đa dạng các loại VCDD theo các tiêu chuẩn bổ sung của Việt Nam quốc tế

Sữa học đường nếu được bổ sung VCDD đầy đủ thật sự đem lại hiệu quả tốt hơn sữa tươi thông thường không bổ sung VCDD. Hiện nay, phần lớn các sữa đang được bán trên thị trường Việt Nam đều bổ sung đa dạng các loại VCDD theo các tiêu chuẩn bổ sung của Việt Nam quốc tế. Các thông tin đưa lên vừa qua về việc sữa học đường bổ sung VCDD “vượt ngưỡng” là không khách quan và làm các bậc cha mẹ học sinh rất lo lắng.

Những thông tin chúng tôi muốn đưa đến các bậc cha mẹ ở đây là độc lập và khách quan. Chúng tôi muốn các bậc phụ huynh hiểu thêm về VCDD và sự an toàn của nó để yên tâm cho con sử dụng các sản phẩm của chương trình sữa học đường cũng như các sản phẩm khác đang bán trên thị trường có bổ sung VCDD. Các sản phẩm thực phẩm bổ sung khi đưa ra thị trường đều dựa trên nhu cầu khuyến nghị và các ngưỡng an toàn để bảo đảm các thực phẩm đem lại hiệu quả và an toàn cho người sử dụng, TS Trương Hồng Sơn nêu rõ.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thong-tin-sua-hoc-duong-vuot-nguong-la-khong-khach-quan-144654.html