Thông tin mới nhất vụ 3 người tử vong trong hang đá ở Thái Nguyên

Ngày 9/10 vừa qua, đã có ba người tử vong do ngạt khí độc trong hang đá giữa rừng tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Ba nạn nhân là ông Lý Văn Sài (43 tuổi), ông Lý Văn Mình (51 tuổi) và ông Lý Văn Mồng (45 tuổi) đã tử vong ngay trong hang do ngạt thở. Anh Lý Văn Mài (con đẻ của ông Sài) nhanh chóng chạy khỏi hang đá khi thấy có hiện tượng ngạt thở nên sống sót.

Chiều 12/10, ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch xã Thần Sa, huyện Võ Nhai cho biết: “Ba nạn nhân là người ở nơi khác tới tạm trú trên địa bàn xã, sau khi xảy ra vụ việc, chúng tôi đã tiến hành đưa thi thể về cho gia đình an táng”.

Hiện trường nơi xảy ra sự việc.

Cùng ngày, trao đổi với PV Người đưa tin, ông Hà Văn Quyền - Trưởng phòng Y tế huyện Võ Nhai cho biết: “Ngày 10/10/2018, có 4 người dân (cư trú tại huyện Đồng Hỷ) vào hang ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai chơi. Có 3 người tử vong (tất cả đều là nam giới), 1 người còn sống. Khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an cứu hỏa và lực lượng cứu hộ của tỉnh lên giải cứu. Sau khi xong việc, các nạn nhân được người nhà đưa về chôn cất tại huyện Đồng Hỷ. Trong quá trình giải quyết không mời phòng Y tế huyện tham gia”.

Ông Dương Văn Bảy, Phó Giám đốc trung tâm Y tế huyện Võ Nhai cũng cho hay “Cơ quan Công an và lực lượng cứu hộ không mời TTYT tham gia, đồng thời các nạn nhân cũng không được đưa đến TTYT huyện để cấp cứu. Ngành Y tế không trực tiếp được tham gia hoạt động cứu hộ, do đó hiện tại ngành không có nhận định về nguyên nhân tử vong. Việc nhận định nguyên nhân tử vong của các nạn nhân trên các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và có kết luận cụ thể”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Trung, Trưởng phòng Khoa học đào tạo và hợp tác Quốc tế tại viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản cho biết, hầu hết các hang động ở Việt Nam phần nhiều là hang động còn hoang sơ, trong đó có lượng lớn khí mê tan (CH4) bị tích tụ do quá trình phân hủy xác thực và động vật, trở thành mối nguy hiểm với con người, gây ngạt thở và tử vong đột ngột, nếu nồng độ cao. Bên cạnh đó, có rất nhiều giếng cổ, hoặc để lâu ngày không sử dụng, những hầm mỏ khai thác cũng là nơi dễ tồn tại lượng khí mê tan ở nồng độ cao.

Có rất nhiều loại khí độc tồn tại trong tự nhiên, nhưng một số loại khí độc thường gặp như cacbonic (CO2), thủy ngân (Hg) và radon (Rn). Với cacbonic nồng độ đậm đặc, sẽ gây tức ngực khó thở ở người bình thường, còn với những người có nguy cơ bệnh tim mạch hay huyết áp thì cực kỳ nguy hiểm tính mạng.

Cacbonic thường sinh ra nhiều trong hang động đá vôi, loại hang động đặc biệt nhiều tại Việt Nam, nồng độ đặc biệt cao trong những hang kín, chỉ có một cửa hang. Còn thủy ngân và radon thường tồn tại trong nhiều hang động, tuy nhiên, không gây tử vong ngay, mà gây ra nhiễm xạ, radon có thể gây ung thư phổi, phá hủy sự sống của cơ thể một cách từ từ.

“Trước đây, đã xảy ra nhiều vụ tử vong đáng tiếc của những người tò mò tiến vào khám phá các hầm mỏ, hang động kín rậm rạp. Trường hợp hang ở Thần Sa, có một nửa đá vôi, nên về mặt lý thuyết, khí mê tan không tồn tại gây chết người. Để biết rõ nguyên nhân, cần có sự đo đạc chính xác nồng độ trong hang”, ông Trung nhận định.

Với kinh nghiệm của mình, ông Trung khuyến cáo người dân không nên tự ý “thám hiểm” ở những hang động lạ, kín và rậm rạp. Để đảm bảo an toàn, có thể dùng bật lửa, đuốc, đèn cầy, khi thấy sự cháy không còn được duy trì, phải nhanh chóng rời khỏi hang. Nếu tiếp tục rất có thể gặp khí mê tan gây ngạt dẫn đến tử vong. Đặc biệt, khí mê tan tích tụ ở nồng độ cao sẽ có thể gây nổ.

“Thủy ngân không dễ nhận biết như vậy, cần dùng thiết bị đo đạc, vì vậy, người dân hoàn toàn không nên thử khám phá”, ông Trung khuyến cáo.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thong-tin-moi-nhat-vu-3-nguoi-tu-vong-trong-hang-da-o-thai-nguyen-a407198.html