Thông tin mới nhất về thiệt hại do mưa, lũ sau bão số 3

Vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn, kiểm tra tình hình bơm tiêu úng cho vùng ngập tại bể xả trạm bơm Gia Viễn, Ninh Bình. Ảnh: thanhnien.vn

34 người chết và mất tích

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 23-7, mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 đã làm 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương. Trong đó, tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Yên Bái (11 người chết, 6 người mất tích, 18 người bị thương).

Ngoài ra, mưa, lũ làm sập 231 nhà, gần 5.900 ngôi nhà khác bị ngập; hơn 4.200 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết; hơn 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập nước.

Xảy ra 39 sự cố đê điều

Tại Phú Thọ đã xảy ra 4 sự cố trên các tuyến đê sông Thao, sông Bứa. Trong đó, nặng nhất là sự cố tràn đê tả Thao tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa với chiều dài 200m. Với sự cố tràn đê tả, hữu sông Bứa (tổng chiều dài 9.600m, mức nước tràn cao 0,8m), chính quyền địa phương đã chủ động sơ tán nhân dân khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Tại địa bàn TP Hà Nội, một số vị trí đê bao hữu Bùi bị tràn, gây sạt lở chiều dài khoản 40m. TP Hà Nội đã tổ chức chống tràn và đang lập phương án xử lý sạt lở. Tỉnh Hà Nam cũng ghi nhận 6 sự cố tràn, rò rỉ qua đê tại một số tuyến đê bối trên sông Đáy do mực nước lũ dâng cao. Hiện tại, tỉnh Hà Nam đang huy động nhân lực, phương tiện tiến hành xử lý khắc phục.

Các tuyến đê biển và đê sông của tỉnh Nam Định đã bị hư hại khá nghiêm trọng trong đợt mưa bão vừa qua. Cụ thể, sạt lở đê biển Nghĩa Hưng và đê bối Đồng Tâm; sạt lở kè Cồn Tròn; nước thấm qua tường kè và tràn qua 2 cửa khẩu đê tả Ninh Cơ; nứt đê tả Đáy, tràn bờ bao Yên Bằng, huyện Ý Yên. Chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố.

Tỉnh Thái Bình cũng ghi nhận 11 sự cố tại các tuyến đê, bao gồm sạt lở mái đê phía đồng các tuyến đê biển 5, đê biển 7, Hồng Hà 2, cửa sông tả Hồng, cửa sông hữu Hóa. Để xử lý 6 sự cố trên các tuyến đê, tỉnh Ninh Bình đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và nhân dân cùng phương tiện, vật tư đất để chống tràn, hoành triệt cống, xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố.

Tại tỉnh Nghệ An xảy ra 3 sự cố sạt lở kè phía ngoài đê tả Lam. Các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An hiện đang theo dõi diễn biến khu vực sạt lở và tiếp tục tuần tra canh gác, cảnh báo người dân qua lại trên các tuyến đê.

Quốc lộ 6 tại Km31+200 ở ngã ba Tòng Đậu (huyện Mai Châu, Hòa Bình) bị ngập sâu.Ảnh: thanhnien.vn

Thông xe hầu hết các tuyến đường bị ngập

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập đã cơ bản thông xe. Hiện còn một số tuyến đường bị sạt lở, ngập sâu. Cụ thể, tỉnh Phú Thọ còn 5 điểm ngập nước và sạt lở bao gồm: Quốc lộ 32 còn 2 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 3 điểm sạt lở và ngập sâu.

Quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh Hòa Bình có 1 điểm ngập nước gây tắc đường. Tại tỉnh Sơn La, Quốc lộ 6 có 2 điểm ngập nước gây tắc đường; Quốc lộ 43 còn 6 điểm sạt lở; Quốc lội 32B còn 3 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 1 điểm ngập nước gây tắc đường.

Các địa phương đang cố gắng khắc phục để thông xe các tuyến đường trên trong thời gian sớm nhất.

N.B

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-thiet-hai-do-mua-lu-sau-bao-so-3/