Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 15 đến 21-10-2018)

Dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP, tăng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm nay.

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất giải pháp chống chuyển giá

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp cần thực hiện để có thể làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao về chống chuyển giá.

Trước đó, báo Tiền Phong ngày 21-9-2018 có bài phản ánh "Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Hòa, thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan chức năng trong chống chuyển giá tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Trình độ của kiểm toán viên nhà nước còn hạn chế về ngoại ngữ, tin học, các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, pháp lý liên quan kinh doanh và pháp luật quốc tế".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan liên quan được giao tại Điều 13 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đề xuất các giải pháp cần thực hiện để có thể làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao về chống chuyển giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngân sách Nhà nước năm 2019 có thể bội chi 222.000 tỷ đồng

Dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP, tăng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm nay. Con số này vừa được nhắc tới trong “Báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019” của Kiểm toán Nhà nước.

Phía Kiểm toán Nhà nước dẫn dự thảo báo cáo của Chính phủ cho thấy, dự toán thu cân đối ngân sách năm 2019 là trên 1.411 tỷ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm 2018.

Trong tổng thu trên, thu nội địa ước là 1.173 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,2% dự toán thu. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 10%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 13,3% so với ước thực hiện năm 2018.

Thu từ dầu thô năm 2019 theo dự thảo báo cáo Chính phủ là 44.600 tỷ đồng, giảm 10.400 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2018. Số thu này được tính trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước là 10,43 triệu tấn, giảm 1,33 triệu tấn.

Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa phân tích và đánh giá việc giảm sản lượng khai thác 1,33 triệu tấn cùng với mức giá dự kiến là 65USD/thùng. Đây là mức giá thấp hơn giá thực hiện năm 2018 (73,5 USD/thùng) và thấp hơn giá dầu dự báo của tổ chức quốc tế (giá dầu thô năm 2019 dự kiến bình quân 69 USD/thùng).

Về thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, dự toán của Chính phủ nêu lên con số 189.200 tỷ đồng, bằng số ước thực hiện năm 2018 (189.000 tỷ đồng). Dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2019 là 111.300 tỷ đồng, tăng 7% so với ước thực hiện 2018 . Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan kiểm toán, dự thảo chưa đánh giá tình hình thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng 9 tháng năm 2018.

Cơ quan này dẫn kết quả kiểm toán trong 9 tháng năm nay cho niên độ ngân sách năm 2017 cho thấy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi số hoàn thuế giá trị gia tăng không đúng quy định 174,6 tỷ đồng. Ngoài ra, phía kiểm toán đã đề nghị Tổng cục Thuế kiểm tra, rà soát gần 430 tỷ đồng và chỉ đạo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra rà soát xấp xỉ 457 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các dự án BT không hình thành tài sản cố định gần 307 tỷ đồng và hoàn thuê cho các dự án đầu tư mở rộng 64 tỷ đồng.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính bổ sung đánh giá để làm cơ sở xây dựng dự toán đồng thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, sai sót trong công tác hoàn thuế để thực hiện nghiêm túc dự toán.

Riêng về chi ngân sách, theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương khoảng trên 429.000 tỷ đồng, chiếm 26,3% tổng chi. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, nguồn vốn đầu tư từ nội lực tích lũy của nền kinh tế rất thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn huy động ngoài nước (60.000 tỷ đồng) và trái phiếu Chính phủ (40.000 tỷ đồng).

Mặt khác, theo đánh giá, trong chi đầu tư phát triển cũng chưa phân bổ mức chi cụ thể đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước.

Vấn đề được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tiếp là, nhiều bộ ngành, địa phương lập dự toán chi đầu tư phát triển cao hơn nhiều so với khả năng cân đối của ngân sách, chưa nêu danh mục và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Chi thường xuyên theo dự thảo báo cáo là khoảng trên 999.000 tỷ đồng, tăng 3,7% so với dự toán 2018. Nếu tính cả dự kiến chi cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế, chi thường xuyên là trên 1.042 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,8% tổng chi.

Điều này theo Kiểm toán Nhà nước phù hợp với định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%. Tuy nhiên, cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, tập trung đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển.

Theo dự thảo, chi trả nợ lãi năm 2019 là 124.800 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng chi ngân sách, tăng 12.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2018. Con số trên chưa kể dự kiến trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng. Điều này theo đánh giá gây áp lực lớn của ngân sách năm 2019, mặc dù nghĩa vụ nợ trực tiếp/tổng thu theo báo cáo vẫn trong giới hạn cho phép.

Qua đó, bội chi ngân sách dự kiến năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, tương ứng 3,6%GDP. Về số tuyệt đối, bội chi năm sau tăng khoảng 18.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2018.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh cắt giảm các loại phí không hợp lý

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả thực hiện cải cách hành chính 9 tháng qua, theo đó, trong giai đoạn từ 2016 - 2018 nhiều ngân hàng đã cắt giảm các loại phí không hợp lý.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm/miễn phí 9 loại phí, gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking, bỏ nhiều loại phí đăng ký dịch vụ/chấm dứt sử dụng dịch vụ...

Đối với việc loại bỏ phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay, BIDV đã cắt giảm các loại phí như phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí như: quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết... đồng thời, ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng/phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài.

Ngân hàng Quân đội (MB) đã cắt giảm 16 loại phí, gồm 3 loại phí xác nhận cam kết thanh toán, 5 loại phạt liên quan đến thực hiện cam kết, 6 loại phí liên quan đến tài sản đảm bảo, 2 loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng; điều chỉnh giảm 2 loại phí kiều hối; cắt giảm các loại phí liên quan đến thẻ; điều chỉnh giảm 50% thay cho 30% đối với phân khúc khách hàng Super VIP khi giao dịch chuyển khoản khác hệ thống đối với khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng doanh nghiệp lược bỏ phí chuyển khoản khác hệ thống qua thanh toán bù trừ điện tử.

Tại Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), chương trình Zero fee (miễn phí 100%) của Techcombank cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong chuyển tiền đã miễn phí chuyển tiền giá trị tương ứng hơn 100 tỷ đồng tiền phí chuyển tiền cho người dân, doanh nghiệp.

Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), định kỳ 3 tháng/lần rà soát biểu phí theo hướng phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.

Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả cải cách hành chính đã góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ bảo vệ chính sách tăng lãi suất

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết ban lãnh đạo ngân hàng trung ương của Mỹ không thấy có lý do gì để ngừng lộ trình tăng lãi suất từng bước hiện nay, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump.

Theo một biên bản cuộc họp của Fed công bố ngày 17-10, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, một số nhà hoạch định chính sách của FED vẫn tỏ ra thận trọng về những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền kinh tế thế giới, như đồng USD mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và tình trạng bất ổn kinh tế tại các nước mới nổi có thể dễ dàng tạo ra hiệu ứng domino trên phạm vi toàn cầu. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng Fed sẽ sớm cần "giảm tốc" nền kinh tế.

Tổng thống Trump chỉ trích lộ trình tăng lãi suất của Fed là "quá nóng vội" và đe dọa lịch trình kinh tế của chính phủ.

Tuy nhiên, tại cuộc họp trên, đa phần các nhà hoạch định chính sách của Fed nhất trí rằng tiếp tục tăng lãi suất "sẽ phù hợp" với giai đoạn lạm phát ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục hiện nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 9 là 3,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1969.

Mặt khác, một số thành viên Fed cho rằng dù các nguy cơ đang được kiểm soát, nhưng bất ổn tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó đa phần có nợ công cao và dễ bị tổn thương khi Mỹ tăng lãi suất, có thể "lây lan rộng hơn ra nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính."

Fed dự định tiếp tục tăng lãi suất chủ đạo vào tháng 11 tới và đây sẽ là lần tăng thứ 9 kể từ năm 2015, và có kế hoạch tăng 3 lần nữa trong năm sau.

Theo các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch này sẽ đưa lãi suất của Mỹ đến trên mức "trung tính," vốn là mức duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một ý kiến vẫn cho rằng Fed cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa.

WB: Vẫn còn gần 11% dân số thế giới sống trong cảnh đói nghèo

Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người ra đời cách đây 70 năm đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng đói nghèo cùng cực và quyền con người, chỉ rõ những người sống trong cảnh đói nghèo là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi vi phạm quyền con người.

Đói nghèo được xem vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của vi phạm quyền con người, bởi những người đói nghèo cùng cực hầu như bị hạn chế mọi cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ y tế, nước sạch, giáo dục tới việc làm, đồng thời cũng không được hưởng thụ các thành quả của tiến bộ xã hội.

Nạn đói nghèo cùng cực và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội được coi như tình trạng vi phạm nhân phẩm, do đó chống đói nghèo cũng được hiểu là để bảo đảm quyền con người, như chủ đề mà Liên hợp quốc hướng tới nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo (17-10) năm nay: “Hãy cùng những người ở tận cùng xã hội xây dựng một thế giới gắn kết tôn trọng quyền con người và nhân phẩm".

Liên hợp quốc coi sự tồn tại của nghèo đói, bao gồm nghèo đói cùng cực là mối quan tâm lớn và từ năm 1992 đã tuyên bố ngày 17-10 hằng năm là Ngày Quốc tế chống đói nghèo.

Mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn là ưu tiên trong hoạt động của Liên hợp quốc. Năm 2015, Liên hợp quốc đã đưa mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

Mặc dù có sự tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống đói nghèo, song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn còn 10,7% dân số thế giới (khoảng 767 triệu người) sống trong cảnh đói nghèo. Đây cũng được coi là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.

Trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhiều sự tiến bộ vượt bậc về y học, khoa học, giáo dục, văn hóa, giúp con người có cuộc sống tốt hơn, vẫn tồn tại tình trạng hàng triệu người sống cảnh nghèo khó, không được đảm bảo điều kiện sống cơ bản, thiếu lương thực, hạn chế về dịch vụ y tế.

Tình trạng nghèo khổ cùng cực được coi là rào cản đối với việc hưởng quyền con người một cách đầy đủ và hiệu quả. Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy tình trạng đói nghèo là nguyên nhân chính cản trở cơ hội được tới trường của trẻ em, hay nói một cách khác, nghèo đói cũng đi liền với thất học.

Hiện trên thế giới có 303 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 không được đến trường, phần lớn do nguyên nhân kinh tế.

Trẻ em trong các gia đình nghèo có nguy cơ phải bỏ học cao gấp 4 lần so với các em ở gia đình khá giả. Những quốc gia thuộc danh sách nghèo nhất thế giới, như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Niger, cũng có tỷ lệ trẻ em gái thất học cao nhất thế giới.

Tình trạng người nghèo trên thế giới không thể tiếp cận những dịch vụ xã hội thiết yếu cũng đồng nghĩa với sự vi phạm quyền con người của bộ phận này. Gần 50% số người nghèo tại 48 nước hiện vẫn nằm trong danh sách các nước kém phát triển nhất (LDC) không được tiếp cận nước sạch, trên 1,1 tỷ người không có điện sinh hoạt.

Dịch vụ chăm sóc y tế không đến được với gần 1 tỷ người trong diện đói nghèo và đây là nguyên nhân khiến "các bệnh dịch do nghèo đói", chỉ những bệnh dịch thường xuất hiện ở các nước nghèo và người nghèo, không được ngăn chặn.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính các bệnh dịch bắt nguồn từ sự nghèo đói đã cướp đi sinh mạng của 14 triệu người mỗi năm trên thế giới. Bởi vậy, cam kết xóa đói nghèo trên thế giới cũng được hiểu là cam kết bảo đảm quyền con người và tôn trọng nhân phẩm của những người đang phải chịu thiệt thòi. Bên cạnh những quyết sách của chính phủ, sự gắn kết xã hội được coi là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho sự tiếp cận với những người ở tận cùng xã hội, giúp họ thoát khỏi đói nghèo trong mọi hình thức./.

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/52831/thong-tin-kinh-te-dang-chu-y-trong-tuan-tu-ngay-15.aspx