Thông tin chính thức về sức khỏe các ca nhiễm COVID-19

Hiện, Việt Nam đã ghi nhận 53 ca mắc COVID-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi, ra viện. Trong 37 ca mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 13 người nước ngoài, 24 người Việt Nam.

Cụ thể, ở phía Bắc, tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đang điều trị 15 ca (9 người Việt, 6 người nước ngoài); bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đang điều trị cho 1 người Việt; bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh điều trị 1 người Việt.

Tại miền Trung, bệnh viện Trung ương Huế đang điều trị 4 người nước ngoài; bệnh viện Đà Nẵng điều trị 2 người nước ngoài, 1 người Việt; bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đang điều trị 9 người Việt.

Tại miền Nam, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM điều trị 1 người Việt; bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP HCM) điều trị 2 người Việt, 1 người nước ngoài.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình sức khỏe của phần lớn các bệnh nhân đang ổn định, không sốt, không khó thở. Một số ca bệnh có triệu chứng ho nhẹ, ăn uống bình thường, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Trong số các ca mắc COVID-19, hiện có một bệnh nhân nam người Anh, 69 tuổi, với nhiều bệnh lý nền mãn tính: tăng huyết áp, đái tháo đường type2. Bệnh nhân được phát hiện dương tính virus gây COVID-19 hôm 8/3, được điều trị ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, sau đó một ngày được chuyển về khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội).

Đến tối 14/3, bệnh nhân tỉnh táo, còn sốt thất thường (sáng sốt, chiều và tối không sốt). Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt thở máy. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này.

TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân COVID-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức “chống đỡ” kém trước sự tấn công của virus.

TS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng phân tích, thống kê mới về dịch bệnh COVID-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính. Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh COVID-19, sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.

Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Ý…), tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.

Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ, ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác.

Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng sẽ làm phức tạp việc điều trị.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/thong-tin-chinh-thuc-ve-suc-khoe-cac-ca-nhiem-covid19/389951.vgp