Thông tin bất ngờ vụ việc 'bé trai mồ côi bị sư thầy đánh bầm tím'

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã Hội, Thượng tọa Thích Vân Phong, Phụ trách Truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết những hình ảnh bé trai bị đánh bầm tím là ảnh cũ, từ năm 2016, không phải hình ảnh mới.

Tuần qua dư luận cả nước xôn xao trước thông tin sư thầy Thích Đàm Trang, trụ trì chùa Long Yên (Thanh Hóa) được cho là đã dùng đòn roi để dạy bé trai 10 tuổi (học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Hà Hải, xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) khiến bé bị bầm tím khắp người, giữa đầu có một vết thương rất lớn, đã lành sẹo - khiến cộng đồng xót xa.

Ảnh Internet.

Theo Thượng tọa Thích Vân Phong, Phụ trách Truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), vụ việc "bé trai mồ côi bị sư thầy đánh bầm tím khắp cơ thể" mà báo giới đã nêu, mới đây trên Giác Ngộ Online (cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – TP Hồ Chí Minh) đã thông tin rõ: Thượng tọa Thích Tâm Đức, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Thanh Hóa cùng chư tôn đức BTS tỉnh đã đến chùa Long Yên xác minh sự việc và được biết, những bức ảnh báo chí đăng có từ năm 2016, không phải hình ảnh mới.

Trong tường trình của sư thầy Thích Đàm Trang với BTS Phật giáo tỉnh Thanh Hóa cho biết, cháu bé Nguyễn Chí Dĩnh, sinh năm 2008, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ cháu có biểu hiện không bình thường, không rõ bố là ai, ông bà ngoại cháu già yếu, không thể chăm sóc cháu nên người mẹ nuôi của Dĩnh đã gửi cháu vào chùa, nhờ sư thầy nuôi dạy từ tháng 10/2015.

Năm 2016, cháu Dĩnh đi học về, có đánh nhau với bạn ngoài đường, sư thầy đã thấy lưng cháu bị các vết thâm. Để răn cháu, sư thầy đã có phạt cháu mấy roi. Sự việc đã qua hơn 2 năm rồi.

Và đây là hình ảnh chụp mới nhất của bé trai vào chiều 12/12/2018 - chứng tỏ cháu vẫn khỏe mạnh và đi học bình thường. Hiện cháu bé vẫn được sư thầy Thích Đàm Trang nuôi dưỡng và đang học lớp 5, trường Tiểu học Hà Hải.

Thượng tọa Thích Tâm Đức và bé trai được cho là bị sư trụ trì đánh. Ảnh: Giacngoonline.

Nói về giáo lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Vân Phong cho biết thêm, chốn tu hành phải lấy cái gốc từ bi, lễ nghĩa dạy cho trẻ biết yêu thương, biết nghe lời. Chùa chiền là nơi thanh tịnh, nhà sư là người độ lượng, bao dung. Trong giới luật nhà Phật cũng có hình thức phạt, và phạt sao để người bị phạt tâm phục, khẩu phục.

Giới luật nhà Phật rất nghiêm khắc, nêu cao đạo đức thánh thiện, phẩm giá con người (không mang tính giáo điều, áp đặt) mà chỉ mang tính giáo dục cao hơn… vì vậy nghe giảng giáo ai cũng muốn thụ giới Phật.

Với các nhà sư (tỳ kheo và tỳ kheo ni) đều có những giới luật nghiêm ngặt. Giáo hội có ban Tăng sự, Pháp chế - để nếu trong giới xảy ra những việc tố tụng (nếu vụ việc thuộc về dân sự) sẽ làm việc cùng chính quyền, công an để giải quyết.

Mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín của công dân trái pháp luật đều có thể bị xem xét, xử lý trước pháp luật. Giáo hội vào cuộc để xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/thong-tin-bat-ngo-vu-viec-be-trai-mo-coi-bi-su-thay-danh-bam-tim-20181214162407938.htm