Thông tin báo chí Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THÔNG TIN BÁO CHÍ
Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng

Ngày 12 tháng 12 năm 2018, tại Sóc Trăng, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 4 phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không). Hoạt động vận tải hàng hóa vùng ĐBSCL được thống kê trong năm 2017 đạt 131,7 triệu tấn hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,2%/năm giai đoạn 2010-2017. Trong đó vận tải hàng hóa bằng đường thủy là chủ đạo chiếm 70% với cự ly vận chuyển bình quân 80km. Vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 30%, cự ly vận chuyển bình quân 68km. Đối với hoạt động vận tải hành khách Vùng ĐBSCL đạt 707,7 triệu lượt người năm 2017, tăng trưởng bình quân 3,4% /năm giai đoạn 2010-2017. Trong đó vận tải hành khách đường bộ là chủ yếu chiếm 83,4% với cự ly vận chuyển bình quân 34,5km. Vận tải hành khách đường thủy nội địa tương đối phát triển so với các vùng khác trên cả nước với thị phần chiếm 16,6% cự ly vận chuyển bình quân 20,7km. Đặc thù vận tải Vùng ĐBSCL là vận tải bằng đường thủy phát triển, đảm nhận khoảng 70% thị phần vận tải hàng hóa và 16,6% thị phần vận tải hành khách trên toàn vùng.

Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng được tổ chức nhằm mục tiêu chung nghiên cứu tăng cường kết nối hệ thống giao thông vận tải vùng ĐBSCL đảm bảo phù hợp các chiến lược, quy hoạch của Vùng, quốc gia và các địa phương có liên quan, đồng thời khai thác hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, đặc biệt là dự án có tính chất động lực, tác động lan tỏa, tháo gỡ điểm nghẽn của Vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng.

Mục tiêu cụ thể là rà soát, đánh giá hiệu quả khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng của Vùng, đưa ra được các bất cập, xác định các nguyên nhân, điểm nghẽn cần giải quyết để nâng cao hiệu quả khai thác. Đề xuất ra phương án, giải pháp kết nối hạ tầng giao thông vận tải các tỉnh trong Vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thủy nội địa, đường biển. Đề xuất ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.

Để đáp ứng yêu cầu thu hút, kêu gọi đầu tư một cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực, việc lập điều chỉnh quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng là cảng biển loại IA, cảng biển cửa ngõ cho khu vực ĐBSCL với bến cảng chính là bến cảng Trần Đề, đáp ứng cho tàu trên 100.000 DWT phục vụ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho Vùng ĐBSCL để bổ sung vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6 la hợp lý và cần thiết.

Việc hoạch địch quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng – bến cảng Trần Đề phù hợp với định hướng trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 423/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 “Nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề thành cảng đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại cửa sông Hậu”; Cập nhật vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6 làm cơ sở cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL; bố trí quỹ đất, quy hoạch hạ tầng kết nối và lập kế hoạch quản lý khai thác các vùng đất, mặt nước phát triển cảng có hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Vùng ĐBSCL.

Mục tiêu quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng – bến cảng Trần Đề là xem xét khả năng quy hoạch phát triển bến càng Trần Đề thành cảng có tính chất cửa ngõ Vùng ĐBSCL phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của Vùng kết hợp trung chuyển hàng hóa quốc tế (loại IA) nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng; Xem xét điều chỉnh phạm vi phục vụ của cảng bao gồm toàn bộ Vùng ĐBSCL và trung chuyển một phần hàng hóa Campuchia, từ đó điều chỉnh quy mô công suất cảng trong các giai đoạn đến năm 2025, 2030 và sau 2030 đủ đáp ứng dự báo nhu cầu hàng hóa thông qua; Điều chỉnh quy mô cỡ tàu đến cảng, xem xét khả năng quy hoạch phát triển bến cảng Trần Đề đảm bảo tiếp nhận tàu trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng; trung chuyển than khu vực ĐBSCL; Xác định các chỉ tiêu quy hoạch phát triển cảng, các yêu cầu cơ bản về hạ tầng kết nối và vốn thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn làm cơ sở để xem xét cập nhật vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 6; đủ điều kiện để thực hiện các quy hoạch chi tiết xây dựng, bố trí quỹ đất và xúc tiến kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án sau khi quy hoạch được phê duyệt; Căn cứ chỉ tiêu đánh giá, phân loại cảng biển, bến cảng tại Quyết định số 70/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, để kiến nghị điều chỉnh tính chất, chức năng cảng phù hợp theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải
Sóc Trăng, ngày 12/12/2018

Nguồn Bộ GTVT: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/57961/thong-tin-bao-chi-hoi-nghi-ket-noi-mang-giao-thong-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long-va-nghien-cuu-dau-tu-xay-dung-cang-tran-de--soc-trang.aspx