Thông qua sửa đổi hiến pháp, người Nga trao cho Tổng thống Putin sứ mệnh lịch sử

Việc thông qua sửa đổi hiến pháp lần này có nghĩa là người dân Nga ủng hộ Tổng thống Putin ở lại Điện Kremlin ít nhất đến năm 2036.

Cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp Liên bang Nga bắt đầu ngày 25/6/2020 và kết thúc ngày 1/7/2020. Cuộc trưng cầu ý dân kéo dài như vậy là để tất cả mọi người có điều kiện tham gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng tại Nga.

Trước đó, ngày 10/3/2020, dựa trên đề nghị của bà Valentina Tereshkova, cựu phi hành gia Liên Xô, đại biểu thuộc đảng "Nước Nga thống nhất", Duma Quốc gia với 382 phiếu thuận, 44 phiếu trắng và không có phiếu chống, Hội đồng Liên bang và Tòa án Hiến pháp đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp gồm 22 điều khoản. Các sửa đổi sẽ có hiệu lực ngay sau một cuộc trưng cầu ý dân. Người dân Nga có thể bỏ phiếu đồng ý hoặc chống lại toàn bộ gói sửa đổi.

Đến sáng ngày 2/7, Ủy ban bầu cử trung ương Nga cho biết đã kiểm xong toàn bộ số phiếu, kết quả là 67,97% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, trong đó 77,92% ủng hộ, 21,27% phản đối. Đây là thắng lợi lớn nhất của Tổng thống V. Putin từ trước tới nay thể hiện sự tin tưởng của công chúng vào vai trò lãnh đạo đất nước của ông.

Những sửa đổi chính của hiến pháp là gì?

Sửa đổi quan trọng nhất và được người Nga quan tâm nhiều nhất là điều khoản quy định số nhiệm kỳ của Tổng thống sẽ được tính lại từ đầu kể từ khi Hiến pháp mới có hiệu lực, không tính các nhiệm kỳ trước đây.

Theo hiến pháp cũ, ông V. Putin không có quyền ra ứng lần nữa sau kết thúc nhiệm kỳ năm 2024. Đây là nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư kể từ năm 1999 và nhiệm kỳ thứ hai kế tiếp nhau kể từ 2012.

Tuy nhiên, hiến pháp sửa đổi lần này không tính các nhiệm kỳ trước đây và cho phép ông V. Putin, 67 tuổi có thể ra ứng cử thêm hai nhiệm kỳ sau 2024, mỗi nhiệm kỳ sáu năm. Điếu đó có nghĩa là ông V. Putin có thể ở lại Điện Kremlin đến năm 2036. Đây là đợt sửa đổi đầu tiên kể từ khi hiến pháp Liên bang Nga được thông qua năm 1993 sau khi Liên Xô tan rã.

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, những sửa đổi này giúp ông Putin tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình và giữ vững chế độ mà ông xây dựng trong suốt 20 năm qua.

Theo Hiến pháp mới, quyền lực sẽ tập trung vào tay Tổng thống, vai trò của Thủ tướng và chính phủ sẽ ít hơn. Tổng thống không chỉ có quyền chủ trì các cuộc họp của chính phủ mà còn lãnh đạo chung các công việc của chính phủ. Thủ tướng sẽ không còn được đề ra các phương hướng hoạt động chính của nội các, mà chỉ tổ chức các công việc của mình trên cơ sở chỉ đạo của Tổng thống.

Nguyên thủ quốc gia có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm một số bộ trưởng, chủ yếu là các bộ trưởng trong khối quyền lực như Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp và Nội vụ. Người đứng đầu các bộ khác sẽ do Thủ tướng kiến nghị và Quốc hội phê chuẩn. Số lượng đại biểu Tổng thống được quyền chỉ định vào Hội đồng Liên bang sẽ tăng lên và có quyền quyết định thời gian nhiệm kỳ kéo dài suốt đời cho bảy người trong số họ.

Các sửa đổi đã tăng thêm một số quyền hạn của Tổng thống. Thí dụ, Tổng thống có thể từ chối thông qua một đạo luật được hai phần ba số đại biểu quốc hội tán thành, hoặc có quyền bổ nhiệm một số lượng lớn thẩm phán. Quốc hội có quyền lựa chọn người đứng đầu chính phủ, nhưng Tổng thống được quyền bãi nhiệm Thủ tướng hoặc bất kỳ thành viên nào của chính phủ nếu ông muốn.

Trước mức sống ngày càng giảm và những thay đổi trong chế độ lương hưu không được người dân ủng hộ, ông V. Putin cũng quyết định đưa một điều vào hiến pháp về mức lương tối thiểu và xem xét tăng mức phụ cấp hưu trí theo tỷ lệ lạm phát.

Các sửa đổi hiến pháp bao gồm việc phân định lại quyền hạn giữa Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội, mở rộng chức năng của Hội đồng Nhà nước, cấm các quan chức cao cấp của chính phủ gia nhập quốc tịch nước ngoài và mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, mở rộng danh mục các điều kiện ứng cử viên Tổng thống phải đáp ứng và cho phép các cựu Tổng thống quyễn miễn trừ khỏi bị truy tố.

Đặc biệt, ông V. Putin quyết định ghi trong Hiến pháp, Nga là người thừa kế Liên bang Xô Viết, nhà nước Nga "tôn vinh những người bảo vệ Tổ quốc" và "bảo vệ sự thật lịch sử", "việc hạ thấp ý nghĩa chiến công của nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là không được phép".

Với tư cách là người thừa kế, Nga cam kết thực hiện các thỏa thuận quốc tế Liên bang Xô Viết đã ký trước đây, nhưng sẽ không thực hiện những nghị quyết của quốc tế mâu thuẫn với các điều khoản quy định của Hiến pháp Nga.

Các sửa đổi cũng đề cập đến "Chúa" trong hiến pháp, chăm sóc, giáo dục trẻ em chủ nghĩa yêu nước, kính trọng người lớn... là ưu tiên chính trong chính sách của quốc gia, đảm bảo mức lương tối thiểu cho công dân Nga với giá trị không thấp hơn mức sinh hoạt trong nước.

Tổng thống V. Putin nói gì về sửa đổi hiến pháp?

Phát biểu sau khi công bố kết quả bỏ phiếu, ông V. Putin cám ơn nhân dân Nga đã ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp và nhấn mạnh rằng, nước Nga lúc này cần "một Tổng thống có quyền lực mạnh mẽ" và "sự ổn định phải là ưu tiên hàng đầu". Ông nói "những sửa đổi này là cần thiết trong một thời gian dài và tôi tin tưởng rằng chúng sẽ có ích cho xã hội".

Tổng thống Putin phủ nhận các cáo buộc tìm cách củng cố quyền lực của mình. Ông nói, nhiều nhà lãnh đạo sẵn sàng làm mọi thứ để duy trì quyền lực của mình đều có thể "phá hoại" đất nước và "đây là điều tôi không muốn làm".

Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với gói sửa đổi hiến pháp. Trong một bức thông điệp gứi tới người dân Nga, ông nói: "Chúng ta bỏ phiếu cho quốc gia mà chúng ta muốn sống, có hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tiên tiến, đời sống của các công dân được bảo đảm, các cơ quan quản lý hiệu quả chịu sự giám sát chính phủ. Chúng ta bỏ phiếu cho quốc gia mà chúng ta đang làm việc vì nó và muốn chuyển giao nó cho con cháu chúng ta mai sau."

Tổng thống Nga đã bày tỏ tin tưởng rằng, tất cả các công dân Nga tham gia bỏ phiếu trước tiên nghĩ về những người trong gia đình mình, về những giá trị đang gắn kết dân tộc Nga lại với nhau. Những giá trị này là quyền, công lý, tôn trọng người lao động, người cao tuổi, quan tâm chăm sóc, giáo dục đạo đức và tinh thần cho trẻ em...Ông nói tiếp: "Sửa đổi bộ luật cơ bản sẽ củng cố các giá trị và các nguyên tắc này được hiến pháp bảo đảm tuyệt đối."

Vì sao người Nga bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Putin?

Trong hai mươi năm qua, ông V. Putin đã đứng trên đỉnh kim tự tháp quyền lực ở Nga. Năm 1999, ông được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng, (2000-2008) được bầu làm Tổng thống, sau đó (2008 - 2012) trở lại giữ chức Thủ tướng , (2012-2018) và 2018 đến nay là Tổng thống. Nhiều người nói rằng, không có Putin thì không có nước Nga.

Giống như bất cứ chính trị gia nào, ông Putin không tránh được những lời chỉ trích trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung công lao của người đứng đầu nhà nước Nga được công nhận trên toàn thế giới. Ngay cả các chính trị gia phương Tây rất khiếm lời khen ngợi, nhưng cũng phải thừa nhận những thành công rõ ràng của Nga và cá nhân Tổng thống V. Putin.

Trong 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, kế thừa một đất nước bị mất phương hướng, thù trong, giặc ngoài, đứng bên bờ vực thẳm với muôn vàn khó khăn, nước Nga không những đã ngăn chặn được sự sụp đổ mà còn khôi phục lại được vị trí cường quốc và một phần sức mạnh địa chính trị của Liên Xô trước đây, đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài.

Cuộc diễu binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức tại Quảng trường Đỏ ở Moscow ngày 24/6 vừa qua chỉ diễn ra một ngày trước cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp thể hiện sức mạnh quân sự to lớn của nước Nga, không thua kém siêu cường số một Mỹ. Cuộc diễu binh hùng hậu này nhằm củng cố tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo ra một bầu không khí có lợi cho Tổng thống V. Putin.

Nga đã khôi phục và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, lấy lại vùng lãnh thổ Crimea, lần đầu tiên đưa quân ra nước ngoài giúp chính quyền Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, ủng hộ chính quyền của Tổng thống Nicolás Maduro của Venezuela, tham gia các thỏa thuận dầu khí với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Ả Rập Saudi, đại gia dầu mỏ số một thế giới.

Ngoài ra, Moscow đã trở lại mạnh mẽ ở Trung Đông và mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi. Điện Kremlin đã khôi phục quan hệ quân sự với Ai Cập, Syria, Libya, Iraq, Iran... các cựu đồng minh của Liên Xô trước đây.

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời là thành viên bình đẳng của hầu hết các tổ chức quốc tế lớn, Nga đã và đang hoạt động có hiệu quả trong các tổ chức quan trọng như Cộng đồng kinh tế Á Âu (EurAsEC), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm các nước kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO)...

Stratfor của Mỹ viết: "Đầu những năm 2000, Nga đã mất đi vị thế của một trong hai siêu cường hàng đầu thế giới, sự hỗn loạn ngự trị trong nền kinh tế. Sau đó, quyền lãnh đạo được chuyển cho Putin, tình hình kinh tế dần dần đi vào ổn định. Trong những năm tiếp theo, thu nhập thực tế của người Nga đã tăng gấp 7 lần. Dưới thời Putin, hàng triệu người Nga đã gia nhập tầng lớp trung lưu của thế giới. Điều chính yếu là sau sự hỗn loạn và nghèo đói của những năm 1990, sau khi mất đi vị thế của một siêu cường, cư dân Nga một lần nữa tự hào về đất nước của họ."

Việc thông qua sửa đổi hiến pháp lần này có nghĩa là người dân Nga ủng hộ Tổng thống V. Putin ở lại Điện Kremlin ít nhất đến năm 2036. Tương lai của nước Nga còn đang ở phía trước. Nước Nga đã tin tưởng và giao sứ mệnh lịch sử cho ông, con tàu nước Nga có vượt qua được các cơn bão táp để cập bến an toàn hay không là phần lớn nhờ vào người thuyền trưởng cầm lái - Tổng thống V. Putin.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thong-qua-sua-doi-hien-phap-nguoi-nga-trao-cho-tong-thong-putin-su-menh-lich-su-82020776623794.htm