Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017

Ngày 14-11, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ hai Quốc hội (QH) khóa XIV, buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương (T.Ư) năm 2017 và thảo luận về dự án Luật Thủy lợi.

Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước

Sau khi nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017 và nghe dự thảo nghị quyết này, QH đã biểu quyết thông qua với 82,15% tổng số đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư năm 2017 là 729.730 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư là 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách T.Ư và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư năm 2017 được giữ ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trường hợp đặc biệt phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động trong thời kỳ ổn định ngân sách tác động tăng thu ngân sách địa phương lớn, Chính phủ trình QH xem xét, quyết định theo quy định tại điểm d khoản 7 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách T.Ư cho từng bộ, ngành, cơ quan khác ở T.Ư và từng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của QH và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu QH tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Đổi mới hoạt động thủy lợi trong thời kỳ mới

Thảo luận về dự án Luật Thủy lợi, một số đại biểu lưu ý, một số nội dung quan trọng, như: đầu tư xây dựng, khai thác công trình... quy định trong Luật này đã có một số luật khác quy định, như: Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng để đưa ra khỏi Luật những điều các luật chuyên ngành đã quy định để tránh chồng chéo, trùng lặp trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về yêu cầu đầu tư xây dựng công trình thủy lợi cho hợp lý, đặc biệt là những công trình thủy lợi có phạm vi ảnh hưởng lớn, như: hồ chứa, cống ngăn mặn, trữ nước ngọt, công trình phục vụ phá lũ và đê điều, điều tiết nước mặn, nước ngọt để phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Cần xác định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục phê duyệt dự án đầu tư đối với công trình thủy lợi lớn; tiêu chí phân loại các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình có khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng...

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu khác cho rằng, lĩnh vực thủy lợi đang thuộc sự điều chỉnh của nhiều luật, quản lý của nhiều ngành. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá thực trạng, điểm vướng mắc trong các quy định của Luật và văn bản dưới luật, từ đó triển khai điều chỉnh. Có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét, cụ thể hóa một số nội dung vào dự án Luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ và các bộ hướng dẫn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời, giải trình các ý kiến góp ý của đại biểu QH về dự án Luật Thủy lợi, đồng thời nêu rõ: Trong quá trình phát triển hiện nay của đất nước ta, công tác thủy lợi đang đặt ra những vấn đề rất quan trọng. Đã đến lúc chuyển hướng thủy lợi từ phục vụ sản xuất mang tính chất truyền thống sang giai đoạn mới để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế và hội nhập quốc tế. 22 ý kiến đóng góp của các đại biểu QH rất sát thực tế, tâm huyết, sâu sắc. Ban soạn thảo xin tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc với tinh thần tích cực, qua đó sẽ tiếp tục trình QH dự án luật bảo đảm chất lượng cao nhất.

Dự thảo Luật đề cập vai trò của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có quyền tham gia ý kiến trong quá trình lập quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, còn chung chung, chưa rõ vai trò của người dân trong việc đóng góp ý kiến cho việc quy hoạch, xây dựng và quản lý công trình thủy lợi. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chi tiết hơn về việc lấy ý kiến tham khảo của người dân khi thực hiện quy hoạch, xây dựng các công trình, nhất là các công trình có quy mô lớn, quan trọng, có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan
(Bắc Ninh)

Điều 67, Dự thảo Luật Thủy lợi quy định tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng dịch vụ thủy lợi phải đóng tiền, góp công, góp sức để phục vụ công trình thủy lợi. Tuy nhiên, ở Điều 65 không quy định trách nhiệm của người trực tiếp khai thác thủy lợi phải đền bù như thế nào cho các tổ chức và cá nhân khi không thực hiện đúng dịch vụ trong hợp đồng. Theo tôi, như vậy không công bằng giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ. Đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi trực tiếp khai thác phải có trách nhiệm đền bù nếu không thực hiện đúng hợp đồng.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân
(Phú Yên)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31269402-thong-qua-nghi-quyet-ve-phan-bo-ngan-sach-trung-uong-nam-2017.html