Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Ngày 10-11, buổi sáng, Quốc hội (QH) nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và thông qua Nghị quyết nêu trên; nghe Chính phủ trình hai dự án luật. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị HCKTĐB; thảo luận ở tổ về dự án luật nêu trên.

Ngày làm việc thứ 15, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ảnh: TRẦN HẢI

Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ảnh: TRẦN HẢI

Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô

Buổi sáng, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Phó Tổng Thư ký QH Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo nghị quyết này. QH tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ nội dung nghị quyết, với 417 đại biểu QH tán thành (84,93% tổng số đại biểu).

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ, các báo cáo của các cơ quan của QH về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Một số ý kiến của đại biểu QH phân tích, làm rõ những hạn chế trong công tác dự báo, kiểm soát, phòng, chống thiên tai; công tác phòng, chống dịch bệnh; tình trạng quá tải ở bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa cao; giáo dục đại học và dạy nghề hạn chế; vấn đề lao động và việc làm của người lao động cả ở thành thị và nông thôn bất cập; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn nhiều vấn đề cần giải quyết; công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững...

Nghị quyết đưa ra các mục tiêu tổng quát: Tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển hiệu quả thị trường khoa học công nghệ; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải thiện đời sống người dân; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; thúc đẩy bình đẳng giới; thực hiện dân chủ và công bằng xã hội...

Tiếp đó, QH đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về hai dự án luật: Luật Quốc phòng (sửa đổi) và Luật Đo đạc và bản đồ. Trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết: Luật Quốc phòng được QH khóa XI thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực từ ngày 1-1-2006. Sau hơn 10 năm thực hiện, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng 2005 chưa thống nhất, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan quốc phòng. Nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý không cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Dự thảo luật gồm bảy chương, 46 điều (giảm hai chương, năm điều so Luật Quốc phòng 2005).

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Theo đó, Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg ngày 28-2-2008 khẳng định: Đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản phải được đi trước một bước nhằm bảo đảm hạ tầng thông tin địa lý cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong nước, đáp ứng nhu cầu tham gia hợp tác để giải quyết các bài toán toàn cầu và khu vực về nghiên cứu khoa học trái đất, về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Cuối buổi sáng, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Đẩy nhanh tiến độ thông qua Luật Đơn vị HCKTĐB

Thảo luận ở tổ, phần lớn đại biểu thống nhất cao phương án chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính, không có HĐND và UBND. Nhiều đại biểu cho rằng, phương án này tạo sự đột phá về thể chế hành chính cũng như tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; giúp quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở các đơn vị HCKTĐB nhanh chóng, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, làm nổi bật cơ chế mới của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị, QH và Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn để Luật sớm được thông qua tại kỳ họp thứ năm của QH; cho rằng, phương án nêu trên của dự án Luật không ảnh hưởng đến các luật khác; bảo đảm công tác cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy chính quyền.

Một số ý kiến cho rằng, nhân lực tại các đơn vị HCKTĐB nên ưu tiên tuyển dụng từ nguồn lao động có trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc tại khu vực trong nước, thay vì mở rộng tuyển dụng ồ ạt lao động nước ngoài, kể cả lao động phổ thông. Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nêu rõ: Cần phân tích đánh giá, khảo sát nhu cầu số lượng, chất lượng lao động những ngành, lĩnh vực tại các đơn vị HCKTĐB; loại công việc nào có thể tận dụng triệt để nguồn lao động trong nước, loại nào cần “nhập khẩu” lao động nước ngoài và lao động nước ngoài là nước nào để đáp ứng tốt nhất yêu cầu.

Về chính sách phát triển đơn vị HCKTĐB Phú Quốc, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, cần có thêm tiêu chí xuất vốn trên tổng mức đầu tư tối thiểu; vừa giúp chính sách ưu đãi tập trung hơn, bảo đảm thu hút các dự án trọng điểm, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách. Trong khi đó, đại biểu Lữ Thanh Hải (Khánh Hòa) đề nghị không nên hạn chế vốn đầu tư như trong dự án Luật đã nêu; đồng thời, xem xét ưu tiên cấp vốn đầu tư theo cơ chế để lại toàn bộ số thu thuế xuất, nhập khẩu trên địa bàn đơn vị HCKTĐB Bắc Vân Phong đến năm 2030, nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34678502-thong-qua-nghi-quyet-ve-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2018.html