Thông qua Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ngày 10/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Kết quả cho thấy, có 456/460 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành thông qua Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 94,41%). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết.

Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến tại Hội trường về Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp với quy định của pháp luật và thể hiện rõ chính sách miễn, giảm thuế đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cũng trong ngày làm việc, Quốc hội đã tổ chức thảo luận tổ về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế và Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Góp ý cho Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung về nguyên tắc ký kết thỏa thuận quốc tế; về chủ thể, thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế. “Dự thảo Luật thỏa thuận quốc tế quy định thẩm quyền UBND cấp xã có quyền ký thỏa thuận quốc tế Điều 21, Khoản 2 là chưa hợp lý vì hiện nay điều kiện địa lý Việt Nam có đường biên giới dài với nhiều quốc gia khác nhau; phạm vi, quy mô, hình thức, nội dung thỏa thuận quốc tế là rất rộng và đa dạng cho nên việc mở rộng thẩm quyền chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp xã sẽ gây khó khăn cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia cả về an ninh chính trị lẫn kinh tế, văn hóa - xã hội. Đề nghị chỉ quy định thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế đối với UBND cấp tỉnh…”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất.

Góp ý cho Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Đình Cúc, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đề nghị chỉnh lý một số nội dung về đối tượng điều chỉnh của Luật; thủ tục bổ sung, hủy bỏ, ban hành quyết định xử phạt VPHC… Riêng về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng: Dự thảo Luật quy định: “Một hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt một lần”. Trong khi đó tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 của Luật quy định tình tiết tăng nặng là: “Vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm”. Quy định nguyên tắc xử phạt VPHC như trên là chưa rõ ràng, chưa thống nhất; gây ra lúng túng, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp: Một số ý kiến đề nghị rà soát đối tượng miễn thuế SDĐNN, theo đó đề nghị nghiên cứu các đối tượng còn lại thuộc diện nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sản xuất, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất được nhà nước giao cho đơn vị vũ trang quản lý, sử dụng giảm 100% thay vì chỉ 50% như hiện nay.

UBTVQH giải trình như sau: Theo quy định hiện hành (tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội) thì trường hợp đối tượng trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất giao cho đơn vị lực lượng vũ trang đều được miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất được giao.

Có ý kiến cho rằng, việc kéo dài chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ làm mất chức năng của thuế sử dụng đất nông nghiệp, gây ra tình trạng hoang hóa ruộng đất và chưa bám sát tinh thần của Kết luận 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI.

UBTVQH giải trình như sau: Đúng như ý kiến ĐBQH nêu, thực tế quá trình SDĐNN cho thấy, có tình trạng đất nông nghiệp được giao cho hộ nông dân nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí đất. Tuy nhiên, việc không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa có nhiều nguyên nhân chủ yếu khác, như thiên tai (hạn hán, thiếu nước), dịch bệnh, sản phẩm không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động và một phần cũng do chính sách về đất đai chưa thật hoàn thiện. Cùng với việc thực hiện chính sách miễn hoặc giảm thuế SDĐNN trong thời gian qua có thể cũng là một nguyên nhân nhưng xét về tổng thể không phải là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc hoang hóa ruộng đất.

Việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của chính sách miễn thuế SDĐNN, đảm bảo phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/chinh-tri/202006/ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-thong-qua-nghi-quyet-mien-thue-su-dung-dat-nong-nghiep-901479/