Thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật sửa đổi, bổ sung Luật kiểm toán Nhà nước

Chiều 26-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kiểm toán Nhà nước với tỷ lệ biểu quyết tán thành lần lượt là 92,96% và 94%. Cả hai Luật có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020.

Các đại biểu Quộc hội bấm nút biểu quyết chiều 26-11. (ẢNH: DUY LINH)

Các đại biểu Quộc hội bấm nút biểu quyết chiều 26-11. (ẢNH: DUY LINH)

Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) gồm năm chương và 41 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.

Về đăng ký, quản lý quân nhân dự bị (Điều 12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bổ sung cụm từ “Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã” vào khoản 1 và cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã” vào khoản 2 và bổ sung, chỉnh lý các nội dung khác cho đầy đủ, cụ thể và có tính khả thi.
Về ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú phải thông báo với địa phương để quản lý, đồng thời cần có chế tài xử lý nếu vi phạm nhằm khắc phục vướng mắc trong gọi tập trung huấn luyện.

UBTVQH thấy rằng, trách nhiệm của quân nhân dự bị khi đi khỏi nơi cư trú phải thông báo với địa phương để quản lý đã quy định tại Điều 17 Luật Nghĩa vụ quân sự và Điều 7, Điều 8 Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19-2-2016; chế tài xử lý đã quy định tại Điều 12 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung các nội dung này.

Về bồi thường thiệt hại do việc điều động, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra (Điều 6), Luật LLDBĐV quy định “việc bồi thường thiệt hại do việc điều động, huy động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Mặc dù giống Luật Trưng mua - trưng dụng tài sản tuy giống nhau là Nhà nước sử dụng tài sản của tổ chức, công dân thông qua quyết định hành chính trong những trường hợp đặc biệt - nhưng khác nhau về tên gọi chủ sở hữu tài sản, trường hợp áp dụng và loại tài sản.

Vì vậy, việc quy định một điều riêng về bồi thường thiệt hại là cần thiết, đồng thời viện dẫn mức bồi thường, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho chủ phương tiện thực hiện như đối với người có tài sản trưng dụng theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản là phù hợp, rõ ràng, minh bạch và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên. (ẢNH: DUY LINH)

Kiểm toán Nhà nước có quyền ra quyết định kiểm toán không cần "dấu hiệu tham nhũng"

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (sau đâu gọi tắt là Luật sửa đổi bổ sung) sửa đổi, bổ sung 15 nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13, và 7 nội dung của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, tại Luật sửa đổi, bổ sung Kiểm toán nhà nước không cần quy định “dấu hiệu tham nhũng” để ra quyết định kiểm toán vì việc đưa cụm từ này vào là khó khả thi.

Về việc bổ sung một số chủ thể được đề nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 59 của Luật Phòng, chống tham nhũng, KTNN có nhiệm vụ xem xét, quyết định việc kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời sửa đổi, bổ sung căn cứ ban hành quyết định kiểm toán tại khoản 3 Điều 30 của Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định về cơ chế phản hồi của KTNN trong trường hợp không thực hiện kiểm toán và bổ sung quy định về cung cấp kết quả kiểm toán cho các chủ thể đề nghị kiểm toán theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đặc biệt, tại Luật sửa đổi, bổ sung, KTNN sẽ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm đầy đủ, kịp thời xử lý các vi phạm, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN; quy định về trình tự, thủ tục, hành vi vi phạm, mức xử phạt hành chính... sẽ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. (ẢNH: DUY LINH)

NHÓM PHÓNG VIÊN, ẢNH: DUY LINH.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42368502-thong-qua-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-va-luat-sua-doi-bo-sung-luat-kiem-toan-nha-nuoc.html