Thông qua Luật Đặc xá: Cần xem xét quy định người 'kêu oan' không được đặc xá

Với 92,99% số phiếu tán thành, chiều 10/11, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá (sửa đổi). Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Công an xem xét lại quy định tại thông tư để những người liên tục kêu oan vẫn đủ điều kiện được đặc xá.

Quốc hội thông qua Luật Đặc xá

Theo đó, Luật quy định Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.

Báo cáo giải trình giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt).

Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn.

Về ý kiến của ĐBQH đề nghị giao Chính phủ quy định “tiêu chí xác định sự kiện trọng đại của đất nước”, báo cáo giải trình cho rằng, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó, nếu quy định cụ thể tiêu chí xác định sự kiện này trong văn bản quy phạm pháp luật có thể sẽ không bao quát hết. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật và giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Về đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, theo bà Nga, có ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “lập công lớn” theo hướng tham khảo Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình tiết “lập công lớn” được quy định trong nhiều đạo luật và trên thực tế, mỗi đợt đặc xá, Chủ tịch nước đều giao cho Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định về đặc xá. Căn cứ tình hình cụ thể của mỗi đợt đặc xá, các nội dung hướng dẫn, trong đó có nội dung hướng dẫn về tình tiết “lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù” có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với ý kiến đề nghị quy định rõ cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền kết luận giám định y khoa đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, người tàn tật để tránh bị lạm dụng khi áp dụng điều kiện được đề nghị đặc xá, bà Nga cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, luật quy định: “người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân có kết luận của Hội đồng giám định y khoa, Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên”.

Cần xem lại quy định kêu oan không được xếp loại tốt, không được đặc xá

Về ý kiến đề nghị quy định chỉ người “được xếp loại tốt trong quá trình chấp hành án phạt tù” mới được đề nghị đặc xá, bà Nga cho biết, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì để “được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên” đòi hỏi rất nhiều điều kiện và phạm nhân phải rất cố gắng mới đáp ứng được như: tích cực khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra; tham gia đầy đủ ngày công; lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng, hoàn thành chỉ tiêu, định mức được giao; có đủ số kỳ xếp loại cải tạo khá trở lên.

“Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy, mặc dù số phạm nhân được đặc xá khá lớn, bao gồm cả người được xếp loại cải tạo khá và tốt nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ tái phạm (1,16%), thể hiện quy định của Luật Đặc xá hiện hành về điều kiện này là phù hợp, khuyến khích phạm nhân tích cực cải tạo để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật” – bà Nga cho biết.

Theo đó, Luật quy định một trong các điều kiện để người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá là người “có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.”

Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, có ý kiến nêu, thời gian qua có phạm nhân chấp hành án nghiêm túc, có ý thức chấp hành tốt nội quy của trại giam nhưng do vẫn viết đơn kêu oan nên không được xác nhận là có ý thức cải tạo tốt để được xét đặc xá.

Về vấn đề này, bà Nga cho biết, Luật Đặc xá hiện hành cũng như dự thảo Luật không quy định nội dung này; tuy nhiên, Thông tư của Bộ Công an hướng dẫn một trong những tiêu chuẩn để được xếp loại cải tạo khá hoặc tốt là “phải nhận rõ tội lỗi, ăn năn hối cải…”

Do vậy, quá trình chấp hành hình phạt tù, có những phạm nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định nhưng do họ liên tục kêu oan nên không đạt tiêu chuẩn thi đua nêu trên và không được đề nghị đặc xá.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Công an sớm rà soát, xem xét lại quy định này” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Về điều kiện thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bà Nga cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ quy định đã thực hiện được “một phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác” là bao nhiêu.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, mỗi đợt đặc xá có hàng nghìn, thậm chí hơn chục nghìn phạm nhân được đặc xá. Mỗi phạm nhân bị kết án về các tội danh, mức hình phạt, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự, cũng như hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

“Nếu quy định cụ thể “đã thực hiện được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác” là bao nhiêu có thể sẽ không bao quát hết các trường hợp trong thực tế.

Do vậy, Luật quy định: “Thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá; Đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này”.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/thong-qua-luat-dac-xa-can-xem-xet-quy-dinh-nguoi-keu-oan-khong-duoc-dac-xa-619795/