Thông qua Luật Bầu cử mới, Cuba tìm cú huých cho nền kinh tế

Với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối, Quốc hội Cuba ngày 13/7 đã thông qua Luật Bầu cử mới, trong đó khôi phục chức danh Chủ tịch nước và Thủ tướng, vốn từng được thay đổi theo Hiến pháp năm 1976.

Quốc hội Cuba biểu quyết thông qua Luật Bầu cử mới với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. (Nguồn: Granma)

Sau khi Luật Bầu cử mới có hiệu lực, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo cho biết, Quốc hội sẽ tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt dựa trên sự đề cử của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản. Dự kiến, cơ quan lập pháp của Cuba sẽ bầu Chủ tịch nước vào tháng 10 tới và bầu Thủ tướng vào cuối năm 2019.

Không khó để nhận ra một số thay đổi mới trong Luật Bầu cử mới tại quốc gia Mỹ Latinh này. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - chức danh của người đứng đầu Nhà nước Cuba theo Hiến pháp năm 1976 vừa hết hiệu lực ngày 10/4, sẽ được tách biệt theo Hiến pháp và quy định của Luật Bầu cử mới. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sẽ thực hiện chức năng lập pháp thuần túy hơn và được kiêm nhiệm bởi Chủ tịch Quốc hội, trong khi chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sẽ được chuyển thành Thủ tướng Chính phủ, phụ trách công việc hành pháp.

Theo quy định của Luật Bầu cử mới, nhiệm kỳ của các chức danh chủ chốt này là 5 năm và mỗi cá nhân được đảm nhiệm một chức danh lãnh đạo tối đa hai nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, Luật Bầu cử đã cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp 2019 về việc định ra các chức danh Thống đốc và Thủ hiến tỉnh. Theo đó, cả hai chức danh này đều được bầu gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu Hội đồng nhân dân các huyện trong tỉnh.

Bên cạnh những cải cách hành chính, Havana cũng tuyên bố điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 với mức tăng trưởng GDP là 2,2%. Bộ trưởng Kinh tế Cuba Alejandro Gil nhận định, mức điều chỉnh trên cao hơn mức dự đoán 1,2% hồi tháng 12/2018 do một số lĩnh vực có sự tăng trưởng cao hơn dự đoán. Lĩnh vực xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng 9,3%, ngành y tế cộng đồng tăng 3%, còn nông nghiệp tăng 2,6%.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba còn công bố thêm gói 30 biện pháp kinh tế nhằm đối phó với tình hình kinh tế - xã hội đầy khó khăn của đất nước, trong đó có việc tăng lương trong các lĩnh vực được hưởng ngân sách nhà nước, khuyến khích kinh doanh và xuất khẩu, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực trong doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát ngân sách và chi tiêu.

Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Cuba, “công nghiệp không khói” của quốc đảo này cũng nhận được những tín hiệu vui khi đón 4,3 triệu lượt du khách nước ngoài dự kiến đến thăm “thiên đường trên biển Caribbean” trong năm 2019. Tuy nhiên, Bộ trưởng Du lịch Cuba Manuel Marrero cho biết, ngành du lịch nước này đã chịu thiệt hại 38 tỷ USD do Mỹ áp đặt cấm vận thương mại đối với quốc đảo trong hơn nửa thế kỷ qua. Để đối phó với tác động từ các lệnh trừng phạt của Washington, Havana được cho là đã có chính sách quản lý linh hoạt hơn đối với các công ty du lịch, nhằm thu hút thêm nhà đầu tư và khách nước ngoài.

Có thể nói, hàng loạt những thay đổi mang tính đột phá này được người dân Cuba kỳ vọng sẽ trở thành tiền đề cho một quá trình chuyển đổi sâu sắc hơn trong mô hình kinh tế, đưa quốc gia này vươn tới sự thịnh vượng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-qua-luat-bau-cu-moi-cuba-tim-cu-huych-cho-nen-kinh-te-97769.html