Thông qua đề tài đánh giá thực trạng tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu trong cộng đồng dân cư tỉnh Khánh Hòa

Ngày 23-4, Hội đồng Khoa học và Công nghệ (Sở KH-CN tỉnh Khánh Hòa) đã tổ chức cuộc họp đánh giá đề cương đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về 'Đánh giá thực trạng tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở độ tuổi từ 5 đến 40 trong cộng đồng dân cư tỉnh Khánh Hòa'. Đề tài do Viện Pasteur Nha Trang chủ trì thực hiện.

Quanh cảnh cuộc họp.

Quanh cảnh cuộc họp.

Theo đó, bạch hầu là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc cấp tính, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch. Tại Việt Nam, tiêm chủng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván đã được đưa vào tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 với 3 liều cơ bản cho trẻ từ 2-4 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh bạch hầu quay trở lại và đang là vấn đề y tế công cộng đáng quan ngại; 93,2% các trường hợp bệnh được ghi nhận tại khu vực miền Trung có độ tuổi từ 5-40 tuổi, đồng thời các ca bệnh xuất hiện ở cả những trẻ em đã được tiêm chủng 3-4 mũi vắc xin chứa thành phần giải độc tố bạch hầu trước đó.

Chính vì vậy, việc xác định tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu và các yếu tố liên quan đến tồn lưu kháng thể trên nhóm đối tượng 5-40 tuổi là cần thiết cho việc triển khai các hoạt động đáp ứng dịch phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, Khánh Hòa là tỉnh có du lịch phát triển, giao thương lớn, lại giáp ranh các tỉnh lưu hành dịch nên việc triển khai nghiên cứu đề tài là điều cần thiết.

Từ thực tiễn nêu trên, đề tài đã tập trung nghiên cứu các nội dung như: xác định sự tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở độ tuổi từ 5-40 tuổi trong cộng đồng dân cư tỉnh; mô tả một số yếu tố liên quan đến sự tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu; đề xuất giải pháp phòng, chống bệnh bạch hầu…

Kết quả của đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần đưa ra các chính sách, giải pháp cho ngành y tế dự phòng Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung trong việc định hướng chiến lược về phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Cùng với đó, đánh giá thực trạng tồn lưu kháng thể độc tố bạch hầu trên địa bàn tỉnh, giúp có cái nhìn tổng thể về thực trạng miễn dịch đối với bệnh bạch hầu trong cộng đồng; từ đó, giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá và nâng cao hiệu quả tiêm chủng trong tương lai...

Thuyết minh đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa thông qua, cho phép Viện Pasteur Nha Trang triển khai thực hiện; dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 7-2021 đến tháng 12-2022.

THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202104/thong-qua-de-tai-danh-gia-thuc-trang-ton-luu-khang-the-khang-doc-to-bach-hau-trong-cong-dong-dan-cu-tinh-khanh-hoa-8214024/