Thông qua Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, hoan nghênh nỗ lực của Thừa Thiên Huế và các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, đồng thời, tại phiên họp, cơ bản thông qua các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

Mô hình đô thị là cần thiết

Với cách tiếp cận, cách nhìn và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên Huế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô dân số, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại hành chính đô thị; thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm góp phần giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

 Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thái Hiếu)

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thái Hiếu)

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, thân thiện, hiệu quả, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết mục đích của việc ban hành Nghị quyết nhằm hoàn thiện thể chế xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; tạo điều kiện cho địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu và bảo tồn các di tích, di sản quan trọng; huy động vốn đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách, cùng với đó, xây dựng và ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù: tiêu chí đặc thù phân loại đô thị, đơn vị hành chính; mô hình đô thị; định mức phân bổ chi thường xuyên trong các thời kỳ ổn định ngân sách từ năm 2022 trở đi như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Điều 3 dự thảo Nghị quyết chỉ rõ, các tiêu chí vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng hoặc cấp tỉnh. Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo không thấp hơn 70% mức quy định đối với đô thị loại I, trong đó, tiêu chuẩn về thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước đảm bảo không thấp hơn 70% bình quân thu nhập đầu người thực tế của 3 thành phố loại I trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, và Cần Thơ).

Tiêu chí về quy mô dân số tối thiểu đạt 50% mức quy định đối với đô thị loại I; tiêu chí về mật độ dân số đảm bảo duy trì ở mức hiện tại để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 70% mức quy định đối với đô thị loại I.

Dự thảo cũng đề xuất thực hiện thí điểm mô hình đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm thành phố Huế mở rộng, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và 5 huyện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù của Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thái Hiếu)

Sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy định

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, hoan nghênh nỗ lực của Thừa Thiên Huế và các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, đồng thời, tại phiên họp này, cơ bản thông qua các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế.

“Việc thành phố Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ. Cho nên việc xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển nhanh và bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế là cần thiết”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy định.

Đồng thời, giao Bộ Trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Đề án Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021./.

Anh Tuấn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/thong-qua-de-an-co-che-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-thua-thien-hue-575613.html