Thống nhất phương án tháo gỡ 'nút thắt' về dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Chiều 18-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với UBND TP và ĐH Đà Nẵng để bàn hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã 23 năm vẫn chưa hoàn thành. Hai bên đã thống nhất phương án phải tái định cư để giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị ĐHĐN (Làng ĐH Đà Nẵng).

Chiều 18-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với UBND TP và ĐH Đà Nẵng để bàn hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã 23 năm vẫn chưa hoàn thành. Hai bên đã thống nhất phương án phải tái định cư để giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị ĐHĐN (Làng ĐH Đà Nẵng).

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu buổi làm việc.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu buổi làm việc.

Muốn giải phóng mặt bằng phải có đất tái định cư

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc ĐH Đà Nẵng- cho biết, dự án Làng ĐH Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt địa điểm quy hoạch xây dựng vào tháng 4-1997 với diện tích sử dụng đất là 300ha. Từ năm 1997-2017, tổng vốn đầu tư của Bộ cho dự án xây dựng ĐHĐN khoảng 300 tỷ đồng, đạt 5% so với tổng mức đầu tư dự kiến 7.000 tỷ đồng (năm 1997), được triển khai trong 3 giai đoạn. Với khoản vốn đầu tư trên, ĐHĐN đã GPMB được 25,4ha, nếu tính cả 13,55ha đất của Trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt- Hàn được sáp nhập về ĐHĐN thì tổng diện tích GPMB của dự án cho đến nay là 38,95ha (đạt tỷ lệ 13%).

Trên phần đất đã được GPMB này, ĐHĐN đã xây dựng cơ sở học tập và hạ tầng nội khu gồm: Hoàn thành xây dựng các công trình Nhà học A2 (1 khối 5 tầng, 2 khối 3 tầng), Nhà học A3 (1 khối 4 tầng) và nhà ký túc xá (2 khối 5 tầng) là cơ sở học tập cho Trường CĐ CNTT và 1 đơn nguyên khối nhà B1 gồm nhà làm việc, học tập và thực hành thí nghiệm khoa Y - Dược thuộc ĐHĐN cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật: San nền, cấp nước, thoát nước, giao thông, cấp điện. Năm 2017, sau khi Thủ tướng có buổi làm việc với Bộ và ĐHĐN về dự án này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ĐHĐN đã tích cực và chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương có liên quan triển khai được một số công việc quan trọng, trong đó có việc lập các dự án cấp thiết đề xuất trong giai đoạn 2018-2020 để sử dụng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng dự phòng, trong đó bố trí trước năm 2020 là 500 tỷ đồng gồm: 400 tỷ dùng để tập trung giải phóng mặt bằng, 100 tỷ để xây dựng các dự án cấp thiết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, dự án lớn này đã kéo dài hơn 20 năm và được triển khai trên 2 địa bàn là TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam với nhiều nguồn vốn khác nhau. Việc chuẩn bị và triển khai dự án gồm rất nhiều thủ tục phức tạp, được điều chỉnh bởi nhiều luật, quy định khác nhau của Nhà nước và phải làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương có liên quan. Trong khi đó, ĐHĐN chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án lớn và còn thiếu nhân lực có chuyên môn nên việc triển khai dự án gặp phải một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất và cũng là "nút thắt" quan trọng hiện nay là công tác tái định cư phục vụ cho GPMB trên địa bàn TP. Nếu "nút thắt" này được tháo gỡ sẽ là tiền đề hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của Dự án”- PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thực tế tại hiện trường.

Đà Nẵng sẽ bố trí 10-12 ha xây dựng khu tái định cư

Trên cơ sở phân tích những khó khăn vướng mắc, ĐHĐN đã đề xuất 2 phương án để tháo gỡ nút thắt của dự án. Phương án thứ nhất, TP Đà Nẵng xây dựng khu tái định cư (KTĐC) mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi GPMB của dự án ĐHĐN từ nguồn kinh phí của địa phương và TP sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư KTĐC này từ việc bán đất cho các đối tượng tái định cư thuộc khu vực GPMB của dự án. Phương án hai, TP sử dụng các KTĐC mà TP đã xây dựng để thực hiện TĐC chung cho các dự án khác nhau để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi dự án ĐHĐN từ nguồn kinh phí của TP.

Khẳng định ĐHĐN là một trong những đại học lớn của Việt Nam, với quy mô hơn 50.000 SV, cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc xây dựng dự án Làng ĐHĐN là vô cùng cấp thiết. Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khó khăn lớn nhất của dự án này là nguồn vốn nhưng cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 để triển khai. Vì vây, Bộ trưởng đề nghị TP Đà Nẵng quan tâm, hỗ trợ hết mình để có thể gỡ “nút thắt” mà ĐHĐN đã đề cập. Có như thế mới giải ngân số vốn được bố trí trong năm 2020 là 500 tỷ đồng. “Nếu không làm ngay lúc này thì chưa biết đến khi nào mới có cơ hội tiếp theo, trong khi ĐHĐN có xu hướng phát triển rất lớn trong tương lai. Vì vậy, phải sớm có phương án giải phóng mặt bằng”, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho biết, TP thống nhất phương án xây dựng KTĐC mới để bố trí cho các hộ dân thuộc đối tượng di dời trong phạm vi GPMB của dự án ĐHĐN từ nguồn kinh phí của địa phương. Sau đó, TP sẽ thu lại khoản kinh phí đã đầu tư KTĐC này từ việc bán đất cho đối tượng tái định cư thuộc khu vực GPMB của dự án. Về mặt thủ tục đầu tư xây dựng, TP Đà Nẵng đồng tình, thống nhất quan điểm của Bộ GD-ĐT và ĐHĐN đưa ra đó là phải chia ra 2 dự án: GPMB, đầu tư xây dựng cơ bản. Về dự án GPMB, đã phê duyệt chủ trương đầu tư. Trước mắt, Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ đề nghị Bộ GD-ĐT nên khẩn trương phê duyệt luôn dự án đầu tư cho riêng phần GPMB. "Chỉ khi nào chúng ta phê duyệt dự án đầu tư thì mới có cơ sở giải ngân nguồn vốn được”- Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nói. Ông cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có công văn đề nghị TP Đà Nẵng hỗ trợ cho dự án bằng việc xây dựng phương án tái định cư, xây dựng KTĐC..., về cơ chế bố trí nguồn vốn đề nghị địa phương sau đó sẽ thu hồi lại.

Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm, trước khi có cuộc họp này, TP cũng đã có cuộc họp để tính các phương án tái định cư, cũng đã chuẩn bị một KTĐC mới hoàn toàn, chủ yếu là đất nông nghiệp để dễ giải tỏa từ 10-12 ha. Ngoài ra, nếu để chờ KTĐC này thì sẽ lâu nên TP cũng đã tính phương án cho người dân lựa chọn một số nơi khác không tập trung, ví dụ là một hộ được giải tỏa 3 lô thì được cho chọn trước một lô để làm nhà ở, 2 lô còn lại thì nhận ở KTĐC. Điều quan trọng cần làm bây giờ là thủ tục và tiến độ đề nghị Bộ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư. TP Đà Nẵng có trách nhiệm chung với Bộ GD-ĐT, ĐHĐN khẩn trương, nhanh chóng thông qua quy hoạch KTĐC, tiến hành thành lập HĐGPMB. Và việc này giao cho Q.Ngũ Hành Sơn. Theo đó, Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng giao Q.Ngũ Hành Sơn chủ động xây dựng phương án đền bù và giải tỏa, tái định cư, chủ động tiến hành thủ tục về kêu gọi tư vấn, đo đạc, giải thửa. Đồng thời đề nghị phần nào thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT thì Bộ phải làm nhanh. "Cơ hội có rồi, nhanh chậm phụ thuộc vào chúng ta”- ông Thơ nói.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_225013_.aspx