Thống nhất non sông và kết đoàn toàn dân tộc

'Không gì là không làm được! 'Hòa hiếu', 'khoan dung' là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam'- Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

30-4 năm nay (2019), đất nước đã tròn 44 năm thống nhất. Cột mốc 30-4 sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, bởi lẽ đó là ngày non sông thu về một mối, là ngày mà sự chia ly của biết bao gia đình người Việt được hàn gắn và đoàn tụ.

44 năm cùng với côt mốc lịch sử thống nhất non sông, điều chúng ta vẫn luôn mong mỏi là sự thống nhất trong lòng người. Và để làm điều đó tới cùng, chúng tôi lại lại nhớ về tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Người dân chào mừng ngày Thống nhất đất nước 44 năm trước. Ảnh: Tư Liệu

Người dân chào mừng ngày Thống nhất đất nước 44 năm trước. Ảnh: Tư Liệu

1. Trước khi nói về tin thần này, hãy cùng nhau đọc lại những dòng hồi ký của một người vừa nằm xuống: Đại tướng Lê Đức Anh. Trong cuốn hồi ký Tổ quốc trên hết, đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cho rằng từ chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 đã đủ độ dài cho phép chúng ta có điều kiện nhìn lại mọi sự vật, hiện tượng đã diễn ra ngày càng rõ ràng, đầy đủ, chính xác hơn. Với tầm vóc nhân nghĩa, không quên vai trò to lớn của nhân dân, ông khẳng định, nếu nói tới Chiến thắng 30-4-1975 mà chỉ nói về 5 cánh quân 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các “quả đấm chủ lực” thì không đầy đủ, rất phiến diện và không công bằng. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy”. Đại tướng Lê Đức Anh cho rằng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời và thật sự tạo nên đại thắng, thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch, có cả cơ sở của cách mạng nằm trong hàng ngũ địch…

44 năm trước, sau ngày 30-4-1975, khi vừa xuống cầu thang máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn khi đó đã nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai".

Cũng vậy, tối 02-5-1975, trong buổi tiếp và trao trả tự do cho ông Dương Văn Minh và toàn bộ nội các cuối cùng của Sài Gòn, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu 7, đã phát biểu rằng đây là chiến thắng của toàn dân tộc Việt, đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta.

2. 44 năm qua, chúng ta đã làm rất nhiều trong vấn đề hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nghị quyết 36 ngày 26-3-2004 của Bộ chính trị khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết số 23 ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc đều nhấn mạnh đã nêu rõ: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Mít-tinh mừng đất nước thống nhất. Ảnh: Tư Liệu

Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”.

Tại chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” năm 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đó cũng nhấn mạnh rằng: “Không có lý do gì để còn bất kỳ ai trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn định kiến, mặc cảm về quá khứ mà cản trở sự củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”…

3. Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn đau đáu với sự nghiệp hòa hợp dân tộc. Ông đã làm hết sức mình có thể để hàn gắn vết thương chiến tranh, để hòa hợp, hòa giải dân tộc. Có lần khi trả lời phỏng vấn, ông Võ Văn Kiệt đã từng nói với đại ý rằng: Với kẻ thù, chúng ta cũng khép lại quá khứ được, thì tại sao người Việt Nam chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy mà cứ đố kỵ lẫn nhau.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời luôn đau đáu về vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc. Ảnh: Vi Trần

Còn nhớ, năm 1966, trong một cuộc càn quét trên sông sài Gòn của quân đội Mỹ, họ đã bắn chìm tàu Thuận Phong, trên con tàu định mệnh ấy, vợ, con trai và con gái của ông Võ Văn Kiệt đã ra đi mãi mãi và tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Thấu hiểu nỗi đau từ chính người trong cuộc nên ông hiểu rằng “khép lại” là một việc không hề dễ dàng. Thế nhưng, ông cho rằng: “Không gì là không làm được! "Hòa hiếu", "khoan dung" là những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Người Việt thường chỉ kháng chiến khi có kẻ thù từ bên ngoài. Sau 30 năm qua, tôi nghĩ mọi người Việt Nam chúng ta, cả đôi bên đều nhận thấy khi không còn sự can thiệp từ bên ngoài nữa, chúng ta có thể trở về bên nhau, cùng nhau xây dựng. Và Việt Nam sẽ thêm phát triển khi mọi người Việt dù ở đâu cũng đều ở trong một cộng đồng hòa hợp” (Ông Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước).

Đất nước đang đứng trước những thử thách không nhỏ. Đây là lúc cần nhất sự đồng lòng, đoàn kết nhất trí của tất cả người Việt trong và ngoài nước. Kỷ niệm ngày 30-4, chúng ta lại nghe văng vẳng bên tai những lời tâm huyết của ông Võ Văn Kiệt lúc sinh thời: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

VŨ TRUNG KIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thong-nhat-non-song-va-ket-doan-toan-dan-toc-830963.html