Thống nhất nội dung dự thảo Tờ trình Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiều 22-6, Tổ biên tập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án 218 của Trung ương đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa để thống nhất nội dung trong dự thảo Tờ trình Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một số nội dung quan trọng khác.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 218 của Trung ương chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ban, ngành chức năng của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông báo các nội dung liên quan đến Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã thông báo 3 nội dung Ban Chỉ đạo 218 và Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Bộ Chính trị thời gian tới gồm: Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các phụ lục; Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết. Trong đó, nội dung dự thảo tờ trình đề án đánh giá về tình hình của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua; bối cảnh, quan điểm phát triển thời gian tới; giải pháp và những đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị.

Đồng chí Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đã thông báo những nội dung cơ bản của dự thảo Tờ trình Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đánh giá rõ kết quả Thanh Hóa đạt được thời gian qua, nổi bật là 3 đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế: Thứ nhất là đột phá về tăng trưởng kinh tế khi tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng cao top đầu cả nước. Thứ 2 là đột phá về thu ngân sách tăng rất cao kể từ năm 2010 trở lại đây, đặc biệt, tỷ lệ thu nội địa của Thanh Hóa cao, bền vững. Thứ 3 là đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đây chính là động lực tạo tăng trưởng đột phá cho Thanh Hóa.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Dự thảo tờ trình cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém; nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bối cảnh, quan điểm phát triển, tầm nhìn và mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics, du lịch, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, nơi người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; hệ thống Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh 9 giải pháp trọng tâm, dự thảo nêu rõ 03 đề xuất: Một là đề xuất Bộ Chính trị xem xét thông qua Báo cáo Đề án phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Việc ban hành Nghị quyết khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với vùng Bắc Trung bộ và cả nước; là sự hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh; tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn và thư hút mọi nguồn lực, cả vật chất và tinh thần để đảm bảo sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới.

Sự phát triển nhanh và bền vững của Thanh Hóa sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của cả nước bởi vì, với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách Trung ương một khi Thanh Hóa cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Thứ hai là đề xuất Bộ Chính trị chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa phù hợp với vai trò, vị trí của tỉnh về đảm bảo tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nuớc trình Quốc hội ban hành; các Bộ, ngành nghiên cứu và giải quyết các đề xuất của tỉnh Thanh Hóa.

Ba là Đảng bộ Thanh Hóa chuẩn bị thật kỹ đề án về cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho tỉnh phù hợp với vai trò một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tô quốc; là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics, du lịch, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao chất lượng tờ trình và góp ý chỉnh sửa, bổ sung một số ý cho phù hợp với vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển chiến lược của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để Tổ biên tập bổ sung vào tờ trình trình Bộ Chính trị.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu tại kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến trân trọng cảm ơn Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành Trung ương đã quan tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phối hợp với tỉnh Thanh Hóa hoàn chỉnh Đề án, tờ trình để trình Bộ Chính trị đúng kế hoạch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề xuất ý kiến cụ thể vào từng phần của dự thảo Tờ trình Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mong Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện sớm dự thảo đề án, tờ trình để trình Bộ Chính trị quyết định tạo động lực cho Thanh Hóa cất cánh trong tương lai.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc và thống nhất với tỉnh Thanh Hóa kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học về Đề án và một số nội dung quan trọng khác trong thời gian tới.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/thong-nhat-noi-dung-du-thao-to-trinh-de-an-xay-dung-va-phat-trien-tinh-thanh-hoa-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045/120592.htm