Thống nhất nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh

Ngày 18-11, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp thông qua các nội dung mà UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh (khóa IX) tại kỳ họp cuối năm 2019. Có 23 tờ trình về lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: P.Tùng

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: P.Tùng

Trong các nội dung sẽ trình HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm, những vấn đề được các đại biểu quan tâm là: điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; danh mục các dự án sẽ thu hồi đất năm 2020; thu chi ngân sách; bảng giá đất giai đoạn 2020-2024; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ...

* Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra

Năm 2020 là năm có ý nghĩa rất quan trọng vì là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X, Nghị quyết HĐND tỉnh khóa VIII về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Vì vậy, tỉnh cố gắng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu các sở, ngành hoàn thiện các tờ trình theo góp ý của các đại biểu tại cuộc họp. Sau đó ngày 19-11, phải gửi các tờ trình này về UBND tỉnh để phê duyệt và trình HĐND tỉnh trong kỳ họp cuối năm 2019.

Năm 2019, trong 28 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội dự kiến có 23 chỉ tiêu vượt và đạt so với mục tiêu nghị quyết và 5 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu, dân cư thành thị sử dụng nước sạch, tỷ lệ cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa, giảm số vụ tội phạm hình sự...

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay: “Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 có thể chỉ tăng hơn 7% so với năm trước và không đạt được mục tiêu nghị quyết (nghị quyết tăng 10-12%). Việc này có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu 5 năm của tỉnh. Nguyên nhân là do xuất khẩu nông sản giảm mạnh. Hiện tại, xuất khẩu của Đồng Nai 80% thuộc các doanh nghiệp nước ngoài nên rất khó chủ động”.

Trong năm 2020, tỉnh sẽ có những bước đột phá trong phát triển kinh tế thông qua tái cơ cấu kinh tế các ngành, các lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển các lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang

Dự kiến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) sẽ tăng 8-9% so với năm 2019, GRDP bình quân đầu người đạt 124 triệu đồng/người, kim ngạch xuất khẩu tăng
10-11%. Nguồn vốn đầu tư phát triển huy động toàn xã hội năm 2020 đạt từ 90-91 ngàn tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng 456 căn nhà ở xã hội, toàn tỉnh có 5-7 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%...

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu: “Các sở, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp để hoàn thành mục tiêu về kinh tế năm 2019. Năm sau là năm cuối thực hiện các nghị quyết giai đoạn 2016-2020, các sở, ngành, địa phương phải có giải pháp đột phá để hoàn thành kế hoạch năm 2020 và mục tiêu 5 năm”.

* Giá đất sẽ tăng cao

Năm 2020, dự tính sẽ có 145 dự án được đưa vào danh mục thu hồi đất với diện tích hơn 700 hécta. Các dự án chia thành 4 lĩnh vực chính gồm: các dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, di tích lịch sử văn hóa; dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương; dự án xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng dân cư; dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư.

Qua điều tra của Sở Tài nguyên - môi trường, giá đất trên địa bàn Đồng Nai đã tăng 3-10 lần so với bảng giá đất của tỉnh. Do đó, dự thảo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 sẽ tăng khá cao, tùy theo vị trí của từng địa bàn. Trong đó, giá đất nông nghiệp tăng thấp nhất là 6% và cao nhất 400%.

Với đất phi nông nghiệp, bảng giá mới được đề xuất tăng ở tất cả các vị trí, khu vực, tuyến đường và phần lớn cao hơn hoặc bằng với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019. Giá đất tại các tuyến đường đều tăng và mức tăng phổ biến từ 1,4-3 lần, một số tuyến đường cá biệt tăng 6,6 lần.

Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh lưu ý: “Trong bảng giá đất cho 5 năm tới, TP.Biên Hòa là nơi có giá đất nông nghiệp cao nhất tỉnh. Bên cạnh đó, một số tuyến đường của TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh sẽ có giá đất tăng từ 2-6 lần. Mức tăng này tương đối cao nên cần phải rà soát lại cho phù hợp”.

Một vấn đề được nhiều ý kiến quan tâm là bảng giá đất giai đoạn tới được xây dựng căn cứ vào những quy định nào và đã lấy ý kiến đầy đủ hay chưa?

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đặng Minh Đức phân tích, giá đất trong giai đoạn tới sẽ tăng khá cao, vượt khung Chính phủ quy định nhiều lần. Đất ở các vị trí 1 và vị trí 4 có thể chênh lệch nhau tương đối lớn. Do cách xác định vị trí tính giá đất trước đây chưa phù hợp nên việc xây dựng bảng giá đất lần này được tính toán lại kỹ hơn. “Sở căn cứ vào quy định của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất và đã tiến hành lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và cơ bản thống nhất với dự thảo bảng giá đất mới” - ông Đức cho hay.

Đồ họa thể hiện số lượng dự án cần thu hồi tại các địa phương của tỉnh trong năm 2020 theo tờ trình dự kiến trình HĐND tỉnh (Thông tin: HƯƠNG GIANG - Đồ họa: HẢI QUÂN)

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn đang triển khai nên bảng giá đất phải rà soát lại thật kỹ, căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện, tránh khi HĐND tỉnh thông qua và đưa vào thực hiện lại xảy ra những bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

* Lo chi ngân sách, dự án trọng điểm

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm nay tương đối khó khăn. Dự kiến thu xuất nhập khẩu sẽ đạt 100% dự toán năm, nhưng thu nội địa được giao đến hơn 37 ngàn tỷ đồng và được cho là khó đạt, có thể sẽ hụt thu. Thu ngân sách địa phương không đạt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoản dành lại cho địa phương và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi.

Ông Đinh Việt Tiến, Phó giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Thu nội địa nếu tính cả tiền sử dụng đất có thể đạt dự toán năm. Tuy nhiên, trong đó thu ngân sách địa phương là hơn 22 ngàn tỷ đồng, sẽ hụt 1,35 ngàn tỷ đồng. Vì thế khả năng nguồn chi sự nghiệp sẽ bị hụt”. Do đó, UBND tỉnh dự tính sẽ đề nghị HĐND tỉnh đồng ý cho chuyển gần 630 tỷ đồng từ nguồn đấu giá đất để bù qua cho nguồn chi sự nghiệp trong năm 2019.

Mặc dù, tỉnh đã tập trung triển khai các dự án trọng điểm, song hầu hết các dự án đều kéo dài do vướng một số khâu và khó hoàn thành theo đúng tiến độ. Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết: “Năm 2019, tỉnh thực hiện 6 dự án trọng điểm, gồm 2 dự án chuyển tiếp từ năm 2018 sang và 4 dự án khởi công mới. Các dự án chậm tiến độ, kéo theo giải ngân vốn thấp, nguyên nhân chủ yếu vướng hồ sơ, bồi thường giải phóng mặt bằng”.

Thực tế, không chỉ các dự án trọng điểm của tỉnh mà nhiều dự án đầu tư công của tỉnh triển khai cũng rất chậm. Các dự án kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các địa phương.

Hương Giang

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh:

Không để ảnh hưởng đến rừng trong quá trình phát triển du lịch

“Về nội dung liên quan đến chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện chuyển đổi 8,6 hécta rừng khu vực bàu Nước Sôi và khu vực Thác Mai để phát triển khu du lịch theo tờ trình của UBND huyện Định Quán, hiện nay quy hoạch sử dụng đất đối với khu vực này đã thực hiện xong, chuyển đổi từ đất rừng sang đất thương mại dịch vụ. Về quy hoạch rừng, khu vực này cũng được xác định là rừng sản xuất, không phải rừng tự nhiên. Do đó, về mặt quy hoạch thì phù hợp. Vậy nên khu vực này đủ điều kiện để thu hồi đất giao Trung tâm phát triển quỹ đất đấu giá phục vụ mục tiêu du lịch.

Tuy nhiên do Luật Lâm nghiệp yêu cầu trước khi chuyển đổi phải có chủ trương của HĐND. Sau khi HĐND cho chủ trương chuyển mục đích 8,6 hécta này thì các cơ quan chức năng phải làm kỹ, xác định vị trí cụ thể để không ảnh hưởng tới rừng trong quá trình phát triển du lịch”.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền:

Rà soát lại một số chỉ tiêu văn hóa - xã hội

“Qua rà soát các chỉ tiêu văn hóa - xã hội trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm thì chỉ tiêu về tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội được đưa ra là đạt 50% đến năm 2020. Tuy nhiên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X thì chỉ tiêu này được đưa ra đạt 55%. Do đó đề nghị các cơ quan soạn thảo xem xét lý do vì sao đưa xuống mức 50%. Việc thực hiện các chỉ tiêu ít nhất cũng phải thực hiện được theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra.

Thứ hai là chỉ tiêu về ấp, khu phố ấp văn hóa. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X thì đến năm 2020 có 95% ấp, khu phố văn hóa, trong khi chỉ tiêu đưa ra lần này chỉ ở mức 90% ấp, khu phố văn hóa. Như vậy có 2 chỉ tiêu thấp hơn so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cần phải rà soát lại.

Ngoài ra, chỉ tiêu về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi trong năm 2020 được đưa ra ở mức 23%. Tuy nhiên chỉ tiêu này đã thực hiện đạt trong năm 2019 nhưng vẫn giữ nguyên trong năm 2020 thì không hợp lý”.

Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Hương:

Các hồ sơ sáp nhập ấp, khu phố đảm bảo quy định

“Tại kỳ họp tới, đề án sáp nhập ấp, khu phố sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét thông qua. Trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện việc sáp nhập ấp, khu phố trên địa bàn 3 địa phương gồm: Định Quán, Thống Nhất và Long Khánh. Đến thời điểm này các hồ sơ thực hiện đề án của 3 địa phương đều được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Cụ thể, huyện Định Quán có 8 xã và thị trấn có khu phố, ấp tiến hành sáp nhập lại. Huyện Thống Nhất sẽ sáp nhập 2 ấp ở xã Lộ 25. TP.Long Khánh sẽ sáp nhập KP.4 vào KP.3 phường Xuân Bình. Theo phương án sáp nhập huyện Định Quán giảm 16 ấp, khu phố, huyện Thống Nhất giảm 2 ấp, TP.Long Khánh giảm 1 khu phố”.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thuộc:

Duy trì 128 hợp đồng làm việc chuyên môn

“Hiện nay, để thực hiện tinh giản biên chế thì sẽ không ký các hợp đồng làm việc chuyên môn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh sau khi “cắt” hết hợp đồng chuyên môn ở các cơ quan hành chính nhà nước thì vẫn còn một số đơn vị phải thực hiện tiếp để đảm bảo công việc. Ví dụ như Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) nếu thực hiện theo định mức thì không đảm bảo vì 1 nhân viên phải quản lý 8-9 học viên.

Do đó, mới đây Ban TVTU đã đồng ý cho thực hiện 128 hợp đồng chuyên môn để thực hiện các công việc. Về nguồn kinh phí trả lương cho các hợp đồng này, theo Sở Tài chính sẽ đưa vào kinh phí chi thường xuyên hằng năm. Tuy nhiên, Sở Nội vụ đề nghị đưa vào nguồn chi sự nghiệp hằng năm để đảm bảo ổn định cho các đối tượng này”.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201911/ubnd-tinh-thong-nhat-nhieu-noi-dung-quan-trong-trinh-ky-hop-cuoi-nam-hdnd-tinh-2974549/