Thống nhất đầu mối kiểm soát chi: Quy trình làm việc khoa học, hiệu quả tại Kho bạc Nhà nước

Sau một năm rưỡi thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi, đến nay, bộ máy này tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoạt động trơn tru, hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên. Ảnh: S.T.

Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên. Ảnh: S.T.

Tăng chất lượng kiểm soát hồ sơ, chứng từ

Theo Kho bạc Nhà nước, sau hơn 1 năm triển khai Đề án trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 1/10/2017), với quy trình mới, đến nay, tại tất cả KBNN cấp huyện không có tổ chức phòng, không còn hai bộ phận Kiểm soát chi và Kế toán, thay vào đó, công chức được phân công trực tiếp giao dịch với khách hàng được gọi chung là giao dịch viên. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống KBNN xuất hiện tên gọi này và cách gọi mới thể hiện rõ nét hơn về tinh thần phục vụ khách hàng của các công chức Kho bạc.

Kể từ khi thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi, KBNN đã thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá tại một số KBNN tỉnh, thành phố. Trên cơ sở kết quả khảo sát, KBNN đã khẩn trương nghiên cứu sửa đổi quy trình nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả xử lý và rút ngắn thời gian thực hiện. Đến nay, đã ban hành quy trình sửa đổi nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại KBNN cấp huyện, không có tổ chức phòng. Đối với quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại KBNN cấp tỉnh, KBNN đã xây dựng phương án, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến rộng rãi nhiều lần trong nội bộ hệ thống, trên cơ sở đó đã hoàn thiện phương án theo hướng giảm số bước thực hiện và tăng cường phân cấp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của KBNN các cấp. Theo KBNN, đến nay, KBNN đang trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án để triển khai thực hiện, dự kiến bắt đầu từ tháng 6/2019.

Với mô hình mới, theo phản ánh tại nhiều đơn vị, số lượng giao dịch viên đã nhiều hơn so với số lượng công chức kiểm soát chi trước đây. Khối lượng công việc được phân công cho các giao dịch viên tương đối đều. Các giao dịch viên có nhiều thời gian để kiểm soát một hồ sơ, chứng từ, đồng thời có thêm thời gian để nghiên cứu sâu văn bản, bám sát chế độ đối với từng khoản chi, từ đó nâng cao chất lượng kiểm soát chi ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, với Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi, kế toán trưởng đã tham gia vào quá trình kiểm soát chi. Theo đánh giá, điều này giúp tăng cường hơn nữa chất lượng kiểm soát hồ sơ, chứng từ khi có thêm kế toán trưởng xét duyệt chứng từ trước khi lãnh đạo kí duyệt. Qua đó, nâng cao và phát huy được vai trò, kinh nghiệm của kế toán trưởng trong công tác kiểm soát chi, đồng thời chia sẻ, giảm bớt được áp lực công việc lên lãnh đạo đơn vị KBNN do trước đó công chức kiểm soát chi kiểm soát và trực tiếp trình lãnh đạo kí duyệt.

Theo nhận định của nhiều khách hàng, tại tất cả các đơn vị KBNN trong hệ thống, hầu hết giao dịch viên luôn giữ thái độ ân cần, hòa nhã, tận tụy với công việc, lịch sự với khách hàng, thể hiện đúng với tiêu thức "văn minh, văn hóa nghề Kho bạc".

Đơn giản hóa quy trình

Đánh giá về Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi, ông Tô Thanh Minh - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hưng Yên cho biết, quy trình mới đã rút gọn được các bước luân chuyển chứng từ từ 5 bước xuống 3 bước, tiết kiệm được thời gian bàn giao, luân chuyển chứng từ, hạn chế được các rủi ro về thất lạc chứng từ khi bàn giao giữa 2 bộ phận kiểm soát chi và kế toán như trước đây. Việc phân luồng trên chương trình Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) cũng được đơn giản hóa: Tập trung về kế toán trưởng thực hiện kí duyệt các phân hệ trên TABMIS, do đó khắc phục được tình trạng: Bút toán từ công chức kiểm soát chi hạch toán sau khi đệ trình chạy nhầm luồng phê duyệt, tốc độ truyền kí phê duyệt chậm do hệ thống quá tải trong những thời khắc cao điểm cuối năm.

"Việc áp dụng quy trình thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước theo Quyết định 2899/QĐ-KBNN đối với KBNN cấp huyện không có tổ chức phòng là phù hợp do số lượng công chức chuyên môn tại Kho bạc huyện còn hạn chế, số lượng các đơn vị hành chính lại tương đối nhiều. Từ khi triển khai quy trình mới, các giao dịch viên trong cơ quan đều rất đồng tình, hưởng ứng” - ông Minh cho biết.

Tại hầu hết các KBNN các tỉnh, thành, thời gian qua, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm soát chi, các đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp, tọa đàm để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời các giao dịch viên trong đơn vị tích cực nghiên cứu kĩ văn bản, bám sát quy trình để thực hiện tốt công tác kiểm soát chi vừa đúng chế độ, quy trình, quy định vừa tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng đến giao dịch.

Có thể nói, sau một năm rưỡi tích cực thực hiện Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách nhà nước, cùng với sự hưởng ứng tham gia của các đơn vị, sự đổi mới sáng tạo và tích cực linh hoạt trong áp dụng thực tế, mô hình mới trong kiểm soát chi đã tạo được “êkip” làm việc khoa học và hiệu quả hơn, góp phần bảo đảm các khoản chi của ngân sách nhà nước đúng chế độ, chính sách, tránh gây thất thoát tiền, tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý, xứng đáng với vai trò là "người gác cửa" cuối cùng của ngân quỹ quốc gia.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thong-nhat-dau-moi-kiem-soat-chi-quy-trinh-lam-viec-khoa-hoc-hieu-qua-tai-kho-bac-nha-nuoc-100840.html