Thống nhất, cập nhật dữ liệu quốc gia về người khuyết tật

Hiện, việc tìm dữ liệu về người khuyết tật cũng rất khó và khi tìm thấy thì không rõ nguồn để trích dẫn do thiếu sự thống nhất giữa số liệu báo cáo của các bộ, ngành. Trong khi đó, dữ liệu quốc gia về người khuyết tật là kênh tham chiếu quan trọng để xây dựng chính sách, pháp luật về đối tượng này.

Vừa thiếu, vừa không thống nhất

Khoản 10, Điều 50, Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định trách nhiệm về điều tra, thu thập số liệu: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt các dự án nhà nước đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng người khuyết tật; chủ trì và phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra, khảo sát và thống kê người khuyết tật”. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những điểm bất cập, cần phải đánh giá toàn diện để từ đó có những khuyến nghị đề xuất sửa đổi.

Còn có những con số khác nhau về số lượng người khuyết tật

Còn có những con số khác nhau về số lượng người khuyết tật

Điều tra Quốc gia về người khuyết tật lần đầu tiên được triển khai vào năm 2016, sử dụng bộ công cụ theo tiêu chuẩn quốc tế để đo lường tình trạng khuyết tật. Cuộc điều tra là một phần của Chương trình Điều tra Thống kê Quốc gia. Thông qua cuộc điều tra đó, lần đầu tiên các bên liên quan có cái nhìn tổng quan về tỷ lệ khuyết tật trong dân số chung trên toàn quốc, các dạng và mức độ khuyết tật, cũng như điều kiện sống của người khuyết tật và mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong một số lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, giáo dục, việc làm,... cũng như so sánh tỷ lệ khuyết tật giữa các vùng KT-XH.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số liệu về người khuyết tật thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dùng tin, đặc biệt nhu cầu hoạch định chính sách, giám sát và đánh giá thực hiện Luật Người khuyết tật, cũng như giám sát và đánh giá thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về người khuyết tật. Chẳng hạn, theo kết quả của cuộc Điều tra quốc gia người khuyết tật lần thứ nhất, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên trong đó có khoảng 700.000 trẻ khuyết tật, 58% là nữ, 42% là nam và đa số sống ở vùng nông thôn. Con số này có độ vênh nhất định với con số 3,7% của hơn 96 triệu người từ 5 tuổi trở lên bị khuyết tật theo cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Trong khi đó, nhiều số liệu về người khuyết tật khác cũng được công bố: như 7,8 triệu chiếm khoảng 8% dân số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố; hay khoảng 10% dân số theo khảo sát Tổ chức y tế thế giới...

Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh cho rằng, mặc dù con số 6,2 triệu người khuyết tật đang được sử dụng như một thông tin chính thống nhưng chưa thực sự đồng nhất trong các số liệu điều tra, khảo sát và ước tính. Điều này đã và đang tác động trực tiếp đến việc xây dựng, thực thi, giám sát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với người khuyết tật.

Cần cập nhật dữ liệu quốc gia

Công ước Quốc về quyền của Người khuyết tật ký tham gia 2007, phê chuẩn 2014: “Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết trong đó có Điều 31 quy định nghĩa vụ về Thống kê và thu thập số liệu và Điều 35 quy định định kỳ phải Báo cáo thực hiện quyền của người khuyết tật lên Ủy ban quyền người khuyết tật của Liên Hợp Quốc”. Tuy nhiên, việc thực hiện báo cáo định kỳ gửi Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc gặp rất nhiều khó khăn do thiếu số liệu, số liệu không được cập nhật.

Bổ sung những tiêu chí mới theo thông lệ quốc tế về người khuyết tật

Đặc biệt, theo phân tích mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong số 158 chỉ tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs), chỉ có 8 chỉ tiêu yêu cầu dữ liệu phân tách theo các dạng khuyết tật. Trong 8 chỉ tiêu này, chỉ có hai chỉ tiêu: Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng trong cộng đồng, và số người đang sống và được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà ở xã hội được thống kê bởi cả Tổng cục Thống kê và Hội đồng Quốc gia về người khuyết tật (NCD) thông qua các cuộc điều tra và báo cáo hành chính. Dữ liệu của 1/2 trong số 8 chỉ tiêu để đánh giá mức độ hòa nhập của người khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau của VSDGs không được NCD thu thập, chẳng hạn như: tỷ lệ dân số hài lòng trải nghiệm gần đây nhất của họ về các dịch vụ công.

Ngoài ra, Chương trình nghị sự đến năm 2030 về phát triển bền vững “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Mục tiêu SDGs (văn bản tham chiếu: E/CN.3/2017/2) quy định: “Các Mục tiêu phát triển bền vững cần phải được phân tổ phù hợp theo thu nhập, giới tính, tuổi, chủng tộc, dân tộc, tình trạng di cư, theo tình trạng khuyết tật, vị trí địa lý và các đặc trưng khác, phù hợp với Các nguyên tắc nền tảng của Thống kê chính thức”. Tuy nhiên, trong toàn bộ các chỉ tiêu VSDGs hiện nay, chỉ có 5 chỉ tiêu quy định phải có phân tổ khuyết tật, và cũng chỉ có 2 chỉ tiêu có thu thập số liệu. Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh phân tích, điều này có nghĩa là chúng ta không thể có những đánh giá thực hiện SDG về khuyết tật, và do đó người khuyết tật sẽ có nguy cơ “bị bỏ lại phía sau” trên lộ trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Nguyễn Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/thong-nhat-cap-nhat-du-lieu-quoc-gia-ve-nguoi-khuyet-tat-i303772/