Thống kê đáng nể của bóng đá Việt Nam khiến Thái Lan, Indonesia ngưỡng mộ

Bóng đá Việt Nam có bước tiến thần tốc từ cấp độ đội tuyển quốc gia đến đội trẻ, khiến nhiều kình địch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia phải nể phục.

Nếu chất lượng của nền bóng đá được nhìn nhận bởi 2 thang đo là CLB và đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam có thể tự hào với thành công vượt bậc ở thang đo thứ hai khi các cấp độ đội tuyển đều thi đấu thành công trong giai đoạn 2018 - 2022.

Đội tuyển Việt Nam chơi ổn định dưới thời HLV Park Hang Seo, với chức vô địch AFF Cup 2018, vé dự vòng loại cuối cùng World Cup 2022 và suất đá tứ kết Asian Cup 2019.

Trên hành trình đầy tự hào này, đội tuyển Việt Nam đã thắng nhiều đội mạnh ở sân chơi châu lục như Jordan, UAE, Trung Quốc, có trận hòa lịch sử trước Nhật Bản, hay thua trong những thế trận chấp nhận được trước những đội tầm World Cup như Iran, Ả Rập Xê Út.

Đội tuyển Việt Nam trưởng thành vượt bậc. (Ảnh: Hồng Nam)

Đội tuyển Việt Nam trưởng thành vượt bậc. (Ảnh: Hồng Nam)

Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam không chỉ tự hào ở cấp độ đội tuyển với "lá cờ đầu" Park Hang Seo. Ở khía cạnh đội trẻ với các lứa U16, U19 và U23, Việt Nam cũng đang cho thấy tiềm năng rất lớn khi liên tục góp mặt ở vòng chung kết châu Á.

Cụ thể, U16 và U19 Việt Nam đều có 3 lần liên tục vượt qua vòng loại châu Á từ năm 2016 đến nay. Trong năm 2022, U17 Việt Nam xuất sắc có mặt ở vòng chung kết châu Á 2023 với thành tích toàn thắng, trong đó có chiến thắng 3-0 trước U17 Thái Lan. U20 Việt Nam cũng góp mặt ở sân chơi vòng chung kết U20 châu Á 2020 sau khi giành huy chương đồng châu lục.

Đây là thành tích mà hai nền bóng đá hàng đầu khu vực như Thái Lan và Indonesia không thể chạm tới. U20 Thái Lan đã dừng bước ở vòng loại sau khi bị loại bởi chỉ số fair-play, còn U17 Indonesia thua tới 1-5 trên sân nhà trước U17 Malaysia, qua đó không được dự vòng chung kết U17 châu Á dù đang là đương kim vô địch.

Ở cấp độ U23, bóng đá Việt Nam cũng gặt hái 1 chức vô địch U23 Đông Nam Á, 1 huy chương vàng SEA Games cùng tấm vé chơi tứ kết U23 châu Á 2022, dù đội bóng liên tục xáo trộn đội hình và được dẫn dắt bởi 3 HLV khác nhau ở 3 giải khác nhau.

U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á 2022.

Điều đó cho thấy, dù chơi với bộ khung lực lượng nào hay có lối đá nào, U23 Việt Nam đều thể hiện được tiềm năng. U23 Việt Nam cũng có 4 lần liên tục dự vòng chung kết U23 châu Á (2016, 2018, 2020, 2022) và đang hướng đến lần thứ 5 dưới sự chèo lái của HLV Gong Oh-kyun.

Nếu từ năm 2016 trở về trước, U16, U17 và U23 đều không thường xuyên dự vòng chung kết châu lục, hoặc nếu có tham dự cũng sớm bị loại, thì các đội tuyển trẻ hiện tại đang từng bước tạo ấn tượng ở sân chơi quốc tế. Thậm chí, việc có mặt ở vòng chung kết là nhiệm vụ đương nhiên phải hoàn thành, còn không góp mặt là thất bại.

Thành công của các đội trẻ không đơn thuần củng cố bảng thành tích, mà còn là bước đệm để lứa cầu thủ trẻ trưởng thành, tạo ra bước kế thừa trên đội tuyển Việt Nam.

Lứa U19 Việt Nam xuất sắc giành vé dự World Cup 2017 với Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu, Đức Chinh sau đó trở thành nòng cốt của đội U23 giành ngôi á quân châu lục. Lứa U23 Việt Nam lại được bồi dưỡng rồi đưa lên đội tuyển Việt Nam, kết hợp với lứa đàn anh trở thành "thế hệ vàng" gặt hái nhiều chiến công trong 4 năm qua.

Đội U23 Việt Nam cũng cung cấp cho đội tuyển Việt Nam nhiều tân binh triển vọng mà HLV Park Hang Seo đã "thử chân" ở đợt triệu tập đã qua như Thanh Nhân, Duy Cương, Văn Khang,...

Ông Park khẳng định đội tuyển Việt Nam cần bước vào thời kỳ cạnh tranh mới, nơi các cầu thủ đều có cơ hội giành vị trí công bằng để tái khởi động sức chiến đấu. Ngoài ra, ban huấn luyện đội tuyển yêu cầu mỗi vị trí phải có 3 cầu thủ chất lượng, đồng nghĩa bóng đá Việt Nam cần nguồn lực trẻ để dần kế thừa lứa đàn anh.

Bóng đá Việt Nam cần chuẩn bị cho tương lai không còn HLV Park Hang Seo.

Các đội tuyển trẻ có vai trò cung cấp và bồi dưỡng lứa kế cận để đội tuyển Việt Nam có nền tảng cho mục tiêu lớn nhất: dự vòng chung kết World Cup 2026.

Suất dự vòng chung kết châu Á như "cơm bữa" của bóng đá Việt Nam thời gian qua đến từ định hướng đào tạo và phát triển cầu thủ đúng đắn, bài bản, với chiến lược cụ thể được hoạch định bởi các trung tâm lớn như Viettel, Hà Nội, PVF, SLNA,... bên cạnh phương hướng do VFF đề ra.

"Để có được những kết quả này, các CLB và VFF đã chú trọng hơn vào phát triển bóng đá trẻ. Các VĐV trẻ đã có cơ hội thi đấu nhiều với các đội tuyển có trình độ cao ở các cấp độ khác nhau (đặc biệt là lứa cầu thủ sinh năm 1997, 1998 tham dự giải U20 World Cup) trong suốt một quá trình dài, tạo tiền đề dẫn đến thành công hiện nay.

Thông qua các trận đấu và giải đấu chính thức đó có thể nâng cao trình độ chuyên môn cũng tâm lý thi đấu cho các VĐV trẻ, hướng đến các mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Đây là kết quả của định hướng đúng đắn về phát triển bóng đá trẻ và đầu tư cho các đội tuyển trẻ, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của bóng đá Việt Nam với nguồn đóng góp đang ngày càng dồi dào hơn từ các CLB, các Trung tâm đào tạo trong cả nước", VFF nêu quan điểm.

Bóng đá trẻ Việt Nam đang có nền tảng tương đối tốt để chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn trước mắt khi HLV Park Hang Seo không còn tại vị, đồng thời kỳ vọng của người hâm mộ ngày một tăng lên. Dù vậy, để phát triển đồng bộ và bền vững, công tác đào tạo trẻ cần được nhân rộng hơn, thay vì chỉ trông đợi vào số ít trung tâm đào tạo như hiện nay.

Bóng đá trẻ là hạt nhân phát triển của mọi nền bóng đá. Không chăm chút và đầu tư cho khâu này, bóng đá Việt Nam khó duy trì sức mạnh và vị thế trong khu vực.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thong-ke-dang-ne-cua-bong-da-viet-nam-khien-thai-lan-indonesia-nguong-mo-ar709429.html