Thông điệp yêu thương từ gia đình

Gia đình tôi mỗi khi sum họp thường bày tỏ tình cảm yêu thương cho nhau rất trìu mến. Có lẽ do anh chị em chúng tôi đi học hành, làm ăn xa, mỗi năm về quê được vài lần nên tận dụng cơ hội vàng ngọc ấy, chúng tôi tranh thủ gửi những thông điệp yêu thương cho nhau để khi đi xa bớt thương bớt nhớ.

Mỗi lần về thăm nhà, sau cái chào thưa lễ phép, tôi được đáp lại bằng cái xoa đầu dịu dàng, trìu mến bởi đôi tay run run của ông bà nội. Tôi phải khụy xuống thấp, để ông bà còn với tay tới. Họ đã lưng còng, chân yếu, nhưng thấy tôi về đều cố gắng lọm khọm ra ngõ đón. Bao giờ cũng vậy, cứ hễ xoa đầu xong là ông mắng yêu: “Cha bây! Đi lâu dữ hén. Ông nhớ muốn chết đây này. Dìu ông vào nhà cái”. Riêng bà thì bẹo má tôi đến đỏ mặt. Hơi đau nhưng thích lắm. Bà còn nhéo đau nghĩa là bà vẫn mạnh khỏe.

Ba tôi ít thể hiện tình cảm khi tỉnh. Thấy tôi về, chỉ hỏi: “Con về rồi à? Đói không, ra sau bếp dùng cơm”. Nhưng khi say, ba hay bảo tôi và mấy đứa em ngồi xuống ghế nói chuyện rồi hôn trán từng đứa muốn ngộp thở. Ba nói nhiều lắm và thường hay khóc, kể về quá khứ nuôi tôi và những đứa em gian khổ thế nào. Không phải ba kể công, nhưng ba trách mình không lo cho anh em chúng tôi đủ đầy như bậc làm cha mẹ khác. Mẹ hay nói: “Anh lúc tỉnh không nói, nhậu vô là nói nhiều. Nó là con trai, lớn rồi, anh cứ vậy hoài nó mắc cỡ với bạn bè”. Ba mặc kệ, nói: “Con gái hay con trai gì cũng vậy, con tôi tôi thương, tôi nhớ thì tôi hôn. Mắc gì thiên hạ cười”. Biết tính ba như vậy nên mẹ cũng không nói thêm. Ba nhậu say nhưng không kiếm chuyện quậy, vẫn kiểm soát được lý trí, nói chuyện Đông chuyện Tây một hồi thì lên võng hát nghêu ngao rồi ngáy khò.

Mẹ có cách thể hiện tình cảm rất hay, ý nhị. Mẹ nhờ tôi xách nước từ bến sông lên lóng phèn đổ vào lu để rửa chén hoặc bắt tôi đi tưới mấy luống rau sau hè rồi ngồi đó nhìn tôi. “Lớn tướng quá rồi. Mau thiệt, mới đó mà gần ba mươi năm mẹ nuôi mày khôn lớn”. Sáng mẹ giục tôi dậy chở mẹ ra chợ xã. Ngồi sau xe, mẹ ôm tôi chặt cứng vì sợ té. Hai mẹ con nói chuyện huyên thuyên suốt quãng đường dài. Ra chợ, gặp người quen, mẹ đều giới thiệu đầy vẻ tự hào: “Con trai tôi đó, nó đang làm cho một cơ quan nhà nước ở thành phố”.

Còn mấy đứa em, cái sự yêu thương của tụi nó thể hiện dù rất “đau đầu” nhưng tôi lại thích vì em mình đặt niềm tin vào mình. Tụi nó hay nhờ giải bài tập, dắt đi chơi, tắm sông... Riêng nhỏ em thứ Ba thì lúc nào gặp mặt cũng nhờ tôi tư vấn về công việc sau khi ra trường, rồi nào là “Xin việc có khó không anh Hai? Môi trường lao động áp lực không? Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nơi nào xin dễ…?”. Riêng tôi, cũng thích bày tỏ tình cảm của mình với ông bà, cha mẹ bằng cách trêu cho họ cười, mua những món đồ mà họ thích. Phải tinh tế tìm hiểu sở thích, cảm thụ của người lớn tuổi để tránh tác dụng ngược. Ông bà sợ tôi mua tặng đồ đắt tiền nên khi hỏi tôi sẽ nói món quà đó giá rẻ. Riêng ba mẹ, dù thích nhưng vẫn không muốn nhận (vì sợ con mình mua hoài tốn tiền), nên tôi thường nhờ mấy em đưa giúp hoặc nói là được cơ quan, bạn bè biếu tặng.

Những tình cảm gia đình dành riêng cho tôi như thế làm sao tôi phụ lòng được. Đó là thông điệp yêu thương tiếp thêm động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong công việc, sống tốt và chuẩn mực trong những mối quan hệ bên ngoài xã hội. Chính vì điều đó tôi thường xuyên về quê để được nhận lấy sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Cuối tuần cứ rảnh là tôi chạy máy hàng trăm cây số về ngay bên gia đình. Sưởi ấm tình cảm gia đình kịp thời bằng ngọn lửa thiêng để nó không lạnh nhạt.

TRẦN THÁI HỌC

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202007/thong-diep-yeu-thuong-tu-gia-dinh-904308/