Thông điệp từ Saint Petersburg

Ngày 24/5, Diễn đàn Kinh tế thế giới Saint Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 đã khai mạc tại Trung tâm triển lãm 'Expoforum' ở thành phố Saint Petersburg của nước Nga. Hơn 10.000 đại biểu đại diện từ hơn 120 nước đã tham dự diễn đàn. Tại đây, thông điệp về một thế giới liên kết cùng phát triển đã được đưa ra.

Sản xuất nông nghiệp của Nga tăng mạnh, bất chấp cấm vận của phương Tây.

Sự kiện được trông đợi

Diễn đàn Kinh tế thế giới St.Petersburg (SPIEF) là sự kiện quốc tế lớn có uy tín hàng năm quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị, công nghiệp và kinh doanh nhằm thảo luận các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến kinh tế, tài chính và sự phát triển toàn cầu.

SPIEF được coi là sân chơi đối thoại cho đại diện chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia. Tại SPIEF lần này, có tới 3.800 đại diện cơ quan báo chí tham gia đưa tin về Diễn đàn.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Nga Putin bày tỏ sự tự tin rằng những ý tưởng và sáng kiến được đề ra trong SPIEF-2018 sẽ tạo thuận lợi cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. “Bằng cách khai thác tiềm năng khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực kỹ thuật số và các lĩnh vực khác, chúng ta có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển ổn định và hài hòa ở các quốc gia và trên toàn thế giới”- ông Putin nhấn mạnh.

“Tạo nên nền kinh tế tin cậy” là chủ đề chính của SPIEF-2018. Tuy nhiên, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các chủ đề nhánh, như “Nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên biến đổi”, “Nước Nga: Sử dụng tiềm năng tăng trưởng”, “Vốn con người trong nền kinh tế số”, “Công nghệ cho vai trò thủ lĩnh”... Với chủ đề thứ tư, các đại biểu đã hào hứng và cẩn trọng khi đưa ra ý kiến xung quanh việc ảnh hưởng của công nghệ số đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có những vấn đề nóng như trí tuệ nhân tạo, liệu pháp gene, công nghệ trong y học...

Một vấn đề được cho là không kém phần quan trọng được bàn thảo ngay trong ngày làm việc đầu tiên là cuộc họp bàn tròn về vấn đề đầu tư, quan hệ Nga-Trung, quan hệ Nga-EU. Sự kiện bên lề được chờ đợi nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin với Ủy viên Hội đồng chuyên gia quốc tế của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga và đại diện của cộng đồng đầu tư quốc tế. 40 lãnh đạo các quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới của 20 nước đã tham dự cuộc gặp này.

Vai trò Việt Nam

Đoàn Việt Nam tham dự SPIEF-2018 do ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn dầu. Ông Nguyễn Văn Bình đã được mời phát biểu tại phiên khai mạc (trưa ngày 24/5).

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Văn Bình đã giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam đến với hàng chục nghìn đại biểu của hơn 140 quốc gia trên thế giới, đồng thời khẳng định nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng lớn, đặc biệt trong quý I/2018 tăng trưởng 7,38%. Việt Nam luôn chủ động nỗ lực nhằm cải thiện cán cân thương mại, mở rộng thương mại quốc tế và hợp tác kinh tế. Ông Bình cũng cho rằng, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là xu hướng bảo hộ thương mại đang ngày một lan rộng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ tự do thương mại, hội nhập toàn cầu.

Trong hội đàm song phương, các đối tác đều đánh giá cao vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.
Ông Nguyễn Văn Bình cùng Đoàn Việt Nam cũng đã tham dự phiên họp toàn thể với sự có mặt của Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Giám đốc IMF Kristin Lagard...

Phát biểu trên kênh truyền hình “Nước Nga 24”, ông Kirill Dmitriev- giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) cho biết, trong khuôn khổ SPIEF-2018, và Tập đoàn TH Group của Việt Nam sẽ công bố thỏa thuận hợp tác đầu tư hơn 630 triệu USD vào dự án phát triển ngành công nghiệp sữa của Nga tại vùng Moscow và Kaluga trong vòng 3 năm với hơn 45.000 con bò sữa cao sản và các cơ sở chế biến sữa.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới St.Petersburg 2018.

Sức mạnh nước Nga

SPIEF-2018 diễn ra trong bối cảnh phương Tây đã chính thức áp dụng lệnh cấm vận với nước Nga gần 4 năm (kể từ năm 2014). Tuy nhiên, nói như giới quan sát thì “sự trừng phạt đến từ phương Tây chỉ làm cho chú gấu Nga rắn rỏi hơn lên”.

Tại SPIEF lần này, nhiều người nhắc lại phát biểu trong lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây chưa lâu, khi ông Putin nói rằng nước Nga- một quốc gia với vô số chiến công và thành tựu vĩ đại. Sự dũng cảm, tinh thần lao động miệt mài, sự đoàn kết bất diệt và cách người dân Nga cống hiến cho Tổ quốc chính là tấm gương rực rỡ nhất. “Nga phải là một quốc gia hiện đại, năng động, sẵn sàng đối đầu với mọi thách thức của thời đại, xử lí các vấn đề bằng mọi nguồn lực hiện có nhằm xây dựng vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực thế mạnh. Cùng lúc, chúng ta phải lao động với sự tự tin và tinh thần miệt mài để vươn tới những kết quả tốt đẹp hơn ở những lĩnh vực chúng ta làm chưa thực sự tốt”- trích diễn văn nhậm chức của Tổng thống Putin.

Kể từ năm 2014, phương Tây chính thức liên kết thực hiện lệnh cấm vận đối với nước Nga.

Giới quan sát cũng cho rằng, chính trong thời gian cấm vận này, nước Nga đã bật lên với tất cả nội lực. Người ta đã được chứng kiến lễ diễu binh hoành tráng trên Quảng trường Đỏ (ngày 9/5/2018) nhân kỷ niệm 73 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít. “Người Nga đã cho thấy sức mạnh hùng hậu của họ, không chỉ ở vũ khí hiện đại mà còn ở tinh thần quả cảm toát ra từ ánh mắt những người trên Quảng trường Đỏ. Họ muốn nói với thế giới rằng: Nước Nga không thể chiến bại”- Reuters dẫn lời một sỹ quan Pháp có mặt tại buổi duyệt binh.

Người ta cũng không quên nói về việc nước Nga đã chuẩn bị kỹ lưỡng thế nào cho World Cup 2018. Nếu không có tiềm năng kinh tế dồi dào thì không thể làm được điều đó.

Nhưng điểm đáng nói hơn khi các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính trong cấm vận mà nền kinh tế Nga đã “tự bùng nổ”, rõ nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp. “Biện pháp trả đũa trừng phạt của phương Tây đã giúp nông dân Nga làm giàu”- CNN đưa ra nhận xét.

Đối phó với cấm vận phương Tây, ngày 6/8/2014, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số loại nông sản, nguyên liệu và thực phẩm (trong đó có hàng hóa đến từ Mỹ, EU, Canada, Úc, Nauy).

“Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng rõ rệt trong ngành công nghiệp thực phẩm, sự tăng trưởng trong nông nghiệp, đặc biệt là thịt và sữa. Sản xuất rau trong nhà kính cũng tăng lên. Tất cả điều này làm tăng mức độ an ninh lương thực của đất nước và chống lại những cú sốc đến từ bên ngoài”- nhà phân tích chính của Rosbank- ông Evgeny Koshelev, cho biết.

Con số cụ thể cho thấy, hết năm 2017, tăng trưởng nông nghiệp của Nga cao hơn 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/thong-diep-tu-saint-petersburg-tintuc405159