Thông điệp Putin gửi Mỹ-phương Tây từ diễu hành Ngày Chiến thắng

Giá trị cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại là trường tồn, giá trị tiến bộ của chế độ Xô Viết đang tái sinh, nên không thể viết lại lịch sử...

Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít tại Moscow có quân đội của 10/15 nước thuộc Liên Xô cũ tham gia

Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại diễn ra trên Quảng trường Đỏ vào ngày 24/6 tới đây, theo quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Krasnaya Zvezda, Tổng tư lệnh các lực lượng mặt đất của quân đội Nga, người sẽ chỉ huy cuộc duyệt binh, tướng Oleg Salyukov, cho biết có quân đội từ 12 quốc gia đã đến Nga để tham gia cuộc diễu hành này.

Theo tướng Salyukov thì đó là quân đội từ các nước Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Trung Quốc, Mông Cổ và Serbia.

Dự kiến có hơn 13.000 quân nhân sẽ tham gia Lễ duyệt binh, sẽ có 234 đơn vị thiết bị quân sự mặt đất, gồm các phương tiện chiến đấu hỗ trợ xe tăng Terminator thế hệ mới nhất, pháo phản lực tự hành Liên minh-SV và Msta-SM.

Khung cảnh tại Quảng trường đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng năm 1945

Khung cảnh tại Quảng trường đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng năm 1945

Tham gia Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ còn có các loại xe tăng T-90M, tăng Armata, hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3,Tor-M2, S-400 cùng với 75 máy bay các loại, theo RIA Novosti..

Khán giả cũng sẽ được chứng kiến việc tái hiện một số chi tiết của Lễ duyệt binh lịch sử ngày 24/6/1945. Chẳng hạn, khai mạc sẽ được bắt đầu bằng việc cử hành khúc quân nhạc Lễ diễu hành nghênh tiếp. Dàn quân nhạc sẽ bao gồm 900 nhạc công.

Hiện tại có tổng cộng hơn 64.000 binh sĩ, 2.400 đơn vị thiết bị theo dõi, ô tô và hàng không, cũng như 20 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu hỗ trợ đang tham gia vào các cuộc diễu hành quân sự tại khắp các khu vực trên toàn lãnh thổ nước Nga.

Lễ duyệt binh Chiến thắng kỷ niệm 75 năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại dự kiến diễn ra ngày 9/5 đã được Tổng thống Putin quyết định hoãn lại vì đại dịch COVIS-19. Thay vào đó tại các thành phố đã diễn ra diễu hành trên không và bắn pháo hoa.

Như vậy là quân đội của 10/15 nước thuộc Liên Xô cũ tham gia Lễ duyệt binh Chiến thắng kỷ niệm 75 năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Moscow, ngoại trừ ba nước của vùng Baltic, Ukraine và Gruzia - những anh em cũ song không thể hòa hợp với Nga.

Từ lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Tổng thống Putin gửi thông điệp tới Mỹ-phương Tây

Có thể thấy, việc quân đội của 9/14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gửi đại diện để tham gia Lễ duyệt binh Chiến thắng kỷ niệm 75 năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Moscow là một sự kiện đặc biệt thời hậu Xô Viết.

Theo giới phân tích, không khó nhận diện qua sự kiện đặc biệt này, Tổng thống Putin muốn gửi thông điệp tới các đối thủ phương Tây đang có những hành động thù địch, chống phá nước Nga và cố tình lãng quên lịch sử.

Thứ nhất, giá trị lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại luôn là trường tồn, nên không thể chấp nhận việc viết lại lịch sử để phủ nhận công lao và sự hy của nhân dân và Hồng quân Liên Xô để cho nhân loại được hồi sinh.

Hẳn dư luận còn nhớ trong lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Chiến thắng cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô trước chủ nghĩa phát xít Đức, Tổng thống Putin đã dõng dạc khẳng định :

“Dân tộc Nga đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc của mình, đã quay ngược bánh xe lịch sử đẫm máu của Thế chiến II, đã đẩy kẻ thù ra khỏi lãnh thổ và đè bẹp chủ nghĩa phát xít".

Nga duyệt binh trên không mừng Ngày Chiến thắng hôm 9/5/2020

Nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga nhắc nhở các thế hệ người Nga và các dân tộc anh em cùng sát cánh trong cuộc chiến tranh vệ quốc: "Chúng ta không được quên rằng cha ông chúng ta đã mang lại tự do cho châu Âu, hòa bình cho nhân loại”.

Nếu khẳng định của Tổng thống Putin tại lễ kỷ niệm 72 năm Ngày Chiến thắng là lời nhắn gửi tới những ai muốn lãng quên sự kiện lịch sử vĩ đại trong bối cảnh giá trị sự hy sinh của nhân dân và Hồng quân Liên Xô đang bị nhạt phai nơi cố quốc,

Thì việc có tới 9/14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ gửi quân đội tham gia Lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng tại Nga như khẳng định sự tái sinh những giá trị của chế độ Xô Viết, trong đó có giá trị của cuộc Chiến tranh vệ quốc năm xưa.

Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã đã có rất nhiều nhận định cho rằng sự ra đời và tồn tại của chế độ Xô viết là một sai lầm của lịch sử nhân loại, do vậy sự tan rã của nhà nước Xô viết là tất yếu - là sự khắc phục sai lầm của lịch sử.

Tuy nhiên, quan điểm ấy ngày càng bị phủ định bởi thực tiễn và quan điểm cho rằng Liên bang Xô Viết tan rã chỉ là kết quả của một cuộc khủng hoảng lịch sử ngày càng được củng cố.

Thực ra, ngay trước khi nhà nước Xô Viết tan rã, nhiều người đã nhìn nhận sự khủng hoảng tại Liên Xô chỉ là thể hiện của một cuộc khủng hoảng lịch sử, trong đó có ông Zbigniew Brzezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới chính quyền Jimmy Carter.

“Theo tôi, cuộc khủng hoảng sâu sắc tại Liên Xô giống như khủng hoảng của Đế chế Ottoman. Đó là cuộc khủng hoảng của trì trệ, suy yếu dần, mất tinh thần, phân rã và có nguy cơ nổ ra bạo lực”, nhà chính trị Mỹ nhận định.

Có thể thấy, khi Liên Xô tan rã chỉ là kết quả cuộc một cuộc khủng hoảng lịch sử thì ngay trong nguyên nhân tan rã đã có tiền đề cho nó tái sinh, ngay khi Liên Xô sụp đổ thì cũng là lúc phôi thai sự hồi sinh của chế độ Xô Viết.

Bởi lẽ, sau bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, dù là khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng chính trị, thì việc khắc phục hậu quả của nó luôn tạo ra lực hút hướng tâm với mọi nguồn lực xã hội.

Và khi người ta tiến hành việc khắc phục hậu quả của một cuộc khủng hoảng thì lịch sử cũng đồng thời làm hồi sinh, làm tái sinh những giá trị tiến bộ đã bị vùi lấp trong cuộc khủng hoảng đó.

Tổng thống Putin luôn trân trọng lịch sử

Do vậy, có thể nhà nước Xô Viết hồi sinh không phải với tư cách là một cường quốc mang tên Liên Xô ngày nào, song những gì được xem là có giá trị với nền văn minh nhân loại thì chắc chắn sẽ được khôi phục và vận dụng để thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Ngày 25/12/1991, phóng viên The New York Times tường thuật rằng, lúc 7 giờ 32 phút tối hôm đó, khi chứng kiến cảnh quốc kỳ Liên Xô trên Quảng trường Đỏ bị hạ xuống, một người đàn ông Nga đã nói với những người nước ngoài rằng :

“Đừng vội cười vào di sản của Lênin”, rồi nước Nga sẽ tái sinh - Liên Xô sẽ tái sinh. Trong khoảnh khắc đặc biệt ấy, lời nói của người đàn ông Nga đó bị xem như lời của một gã say rượu.

Tuy nhiên, đến nay sau khi Liên Xô biến mất hơn 1/4 thế kỷ, với những gì đang diễn ra trên thế giới và tại nước Nga thời hậu Xô Viết, cho thấy lời nói của "gã say rượu” năm nào dường như đang trở thành hiện thực.

Theo giới phân tích, đây là nguyên nhân khiến chính giới Mỹ-phương Tây muốn viết lại lịch sử, xóa bỏ những giá trị vĩ đại và tiến bộ của chế độ Xô Viết, để tránh những hậu họa trong bối cảnh giá trị truyền thống phương Tây đang bị thẩm định lại.

Thứ hai, việc khuấy động không gian hậu Xô Viết là không dễ dàng, dù có nhiều thực thể chuyển động lệch pha với Nga, nhưng chưa tạo ra những giá trị lệch chuẩn Nga để các đối thủ phương Tây biến đó thành cơ hội triệt hạ Nga.

Đầu tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến viếng thăm tới Kazakhstan và Uzbekistan -một sự kiện chính trị-đối ngoại đặc biệt của Washington đối với khu vực Trung Á nói riêng, không gian hậu Xô Viết nói chung.

Điểm nhấn đặc biệt của chuyến đi này - mà được xem là khuấy động vùng Trung Á và không gian hậu Xô Viết của cựu Giám đốc CIA Pomepo - là cuộc gặp với các đồng nghiệp Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Đây là lần đầu tiên một Ngoại trưởng Mỹ tham gia và chủ trỉ một cuộc gặp gỡ và đối thoại về an ninh và thịnh vượng với các đối tác trong Định dạng C5+1, được thiết lập như một định chế nhằm tạo ảnh hưởng của Mỹ với vùng đất hẻo lánh còn sót lại này.

"Cả 5 Bộ trưởng Ngoại giao có mặt trong cuộc họp đã là một thành công của Mỹ trong việc tái khởi động cho sự vận hành của Định dạng C5+1, ít nhất là tầm quan trọng của Mỹ với khu vực đã được ghi nhận", theo The Diplomat.

Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du khuấy động vùng Trung Á và không gia hậu Xô Viết

Trong cuộc họp Ngoại trưởng Định dạng C5+1 lần thứ 2, ông Mike Pompeo công bố với các đồng nghiệp về việc Washington chuẩn bị công bố Chiến lược mới ở vùng Trung Á, chính thức định hình quan hệ của Mỹ với các đối tác quan trọng này.

Tuy nhiên, khi Mỹ chưa công bố chiến lược mới, thì ngày 29/4, Tổng thống Kassym Jomart Tokayev đã khẳng định chính sách đối ngoại của Kazakhstan với Nga, trong khi Nur-Sultan bị cho là có sự lệch pha nhất với Moscow trong định đạng C5+1.

"Chính sách đối ngoại phản ánh tình trạng địa chính trị của nước ta và vị trí địa lý của nó. Nhưng trong bang giao, chúng tôi đặc biệt coi trọng quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược với Nga. Mối quan hệ này có tầm quan trọng tuyệt đối với chúng ta".

Trong khi đó, quan hệ Nga-Kazakhstan thời hậu Xô Viết được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược với khu vực Trung Á và mang tính định hình cho các chuyển động trong không gian hậu Xô Viết.

Vì vậy, khi quân đội Kazakhstan cùng quân đội 8 quốc gia cựu Xô Viết khác tề tựu về Moscow để diễu binh Ngày Chiến thắng, cho thấy Mỹ-phương Tây chưa thể dễ dàng khuấy động không gian hậu Xô Viết.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/thong-diep-putin-gui-my-phuong-tay-tu-dieu-hanh-ngay-chien-thang-3409078/