Thông điệp kết nối

'Một châu Âu kết nối' là kỳ vọng mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker gửi gắm trong Thông điệp Liên minh lần thứ tư và cũng là lần cuối trong nhiệm kỳ. Mục tiêu nhiều tham vọng mà lãnh đạo EC hướng tới đó là xây dựng một tầm nhìn toàn cầu nhằm củng cố vị thế quốc tế của Liên hiệp châu Âu (EU).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker. (Ảnh: Reuters)

Bản thông điệp hằng năm lần này được Chủ tịch EC công bố vào thời điểm chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019 vừa khởi động, trong bối cảnh các phong trào dân túy trỗi dậy mạnh mẽ, còn EU vẫn đối mặt vô vàn thách thức và cả nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính liên minh. Bởi thế, bao trùm các ý tưởng và đề xuất mà lãnh đạo EC đưa ra trong văn bản quan trọng này, đó là nhiệm vụ cấp bách phải củng cố đoàn kết nội bộ, kết nối kinh tế và chiến lược, cũng như mở rộng hợp tác, nhằm bảo toàn và nâng cao vị thế quốc tế của EU.

Ông Giăng-cơ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch EC năm 2014, khi cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp lên đỉnh điểm và khi đó là thách thức lớn nhất, đe dọa phá vỡ thể chế EU gây dựng lâu nay. Không chỉ là câu chuyện nợ của Athens, EU còn liên tiếp vấp phải những thách thức khó hóa giải, trong đó phải nhắc tới cuộc khủng hoảng nhập cư, vấn đề bảo đảm an ninh và chống khủng bố, hay quyết định về Brexit của Anh gây rúng động cả “lục địa già”. Tuy nhiên, sự chia rẽ nội bộ khối, xung đột chính sách giữa EU và một vài quốc gia thành viên mới là thách thức lớn nhất, đe dọa “xé nhỏ” EU.

Khi cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp chưa hạ nhiệt, cuộc khủng hoảng người nhập cư lại bùng lên năm 2015, không chỉ bộc lộ những yếu kém trong chính sách của EU về người tị nạn và nhập cư, mà còn phơi bày những rạn nứt, chia rẽ giữa các thành viên. Áp lực thiếu công bằng về trách nhiệm tiếp nhận người di cư cập bờ châu Âu đối với các “nước tuyến đầu”, như Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha, đã khiến việc xử lý khủng hoảng người nhập cư vốn được coi là “phép thử của tinh thần đoàn kết EU” thất bại. Đến nay, cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu đã diễn ra ba năm, song EU vẫn chưa thể có chính sách chung, chưa thể hóa giải mâu thuẫn giữa các nước thành viên trong vấn đề tiếp nhận người tị nạn.

Khủng hoảng người tị nạn đặt gánh nặng lên vai người dân EU, trở thành một phần nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, bài nhập cư và những ý kiến hoài nghi hội nhập châu Âu. Khủng hoảng nhập cư cũng được cho là kéo theo những thách thức mới về an ninh với “lục địa già”. EU ngày càng bộc lộ tính “dễ bị tổn thương”, khả năng tự vệ trước các mối đe dọa an ninh và khủng bố phần nào suy giảm. Đó cũng là một trong những yếu tố càng khiến EU chia rẽ, một số thành viên ưu tiên lợi ích và trở lại với những chính sách quốc gia, thậm chí xung đột với lợi ích và các quy định chung của EU. Trong khi đó, Brexit được ví như “cú giáng mạnh” vào tiến trình hội nhập vốn rất khó khăn của EU, thậm chí nhiều ý kiến coi đó là một thất bại lớn của khối.

Trong quan hệ đối ngoại, EU lại vướng vào tranh cãi với Mỹ, không chỉ thương mại, mà cả an ninh và các vấn đề quốc tế, như vấn đề hạt nhân Iran hay các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Bất đồng giữa các đồng minh chưa tìm được chìa khóa tháo gỡ khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương luôn bị đặt trong thế bấp bênh. Sự chia rẽ nội khối, cùng kinh tế yếu kém và sự phụ thuộc về quốc phòng với đồng minh Mỹ đang khiến EU không thể có được bước tiến nhảy vọt, cả trong các vấn đề nội bộ lẫn tiếng nói tại các diễn đàn quốc tế.

Trước tình trạng “chia năm xẻ bảy” trong EU như vậy, không khó hiểu vì sao nhà lãnh đạo EC đặc biệt nhấn mạnh chủ đề đoàn kết trong “một châu Âu kết nối”. Theo ông Juncker, để khôi phục và tăng cường vị thế quốc tế của EU, cải tổ là điều quan trọng và là hướng đi cần ưu tiên nhất của EU hiện nay. Muốn đóng vai trò lớn hơn, là “kiến trúc sư” trong các vấn đề quốc tế, EU cần trở nên mạnh mẽ hơn, thông qua các chính sách chung mạnh mẽ, nhất là về ngoại giao.

Thông điệp Liên minh cuối cùng của ông Juncker trên cương vị Chủ tịch EC chứa đựng cả một tầm nhìn cho tương lai EU. Song, không phải dễ biến những mục tiêu đầy tham vọng đó thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh còn nhiều bất đồng, chia rẽ nội bộ liên minh các quốc gia châu Âu này.

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37637602-thong-diep-ket-noi.html