Thông điệp gắn kết khoa học với sản xuất

Là độc giả thường xuyên của Báo Quân đội nhân dân, tôi rất tâm đắc với chuyên mục 'Cùng bàn luận' trên trang nhất các số báo hằng ngày từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.

Mới đây, đọc bài “Gắn khoa học với sản xuất” của tác giả Đỗ Phú Thọ đăng trong chuyên mục này ngày 18-5, thấy trong bài viết: “Nhiều “nhà khoa học chân đất” từ thực tiễn đã chế tạo ra nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả to lớn trong lao động sản xuất”. Tôi từng nghe nói về "nhà khoa học chân đất" Trần Thanh Tuấn ở ấp Trung Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã nghiên cứu thành công máy phun thuốc trừ sâu được điều khiển từ xa. Máy di chuyển bằng bánh xích, bình chứa thuốc 120 lít, cần phun xa bán kính 10 mét. Quá trình phun thuốc trừ sâu được điều khiển từ xa, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân như các máy bơm thuốc trừ sâu thông thường. Điều đáng nói là phát minh của anh Tuấn không dùng đến tiền của ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, lại có “không ít đề tài khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước và tiền thuế của dân nhưng lại không xuất phát từ yêu cầu của sản xuất, làm xong rồi để yên trong tủ, không có giá trị thực tiễn” như tác giả phân tích.

Để giải quyết nghịch lý nói trên, theo tôi, cùng với việc các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng các nhà khoa học, rất cần có cơ chế khuyến khích các “nhà khoa học chân đất” phát minh. Đồng thời có cơ chế xử phạt những đề tài khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền thuế của dân để nghiên cứu nhưng kết quả lại phải “cất trong tủ”. Có như vậy, thông điệp mà bài cùng bàn luận “Gắn khoa học với sản xuất” khuyến cáo các nhà khoa học và cả xã hội phải gắn kết khoa học với sản xuất mới sớm trở thành hiện thực.

PHẠM THỊ MINH HƯƠNG (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thong-diep-gan-ket-khoa-hoc-voi-san-xuat-540023