Thông điệp của Syria khi USS Harry S.Truman vào Địa Trung Hải

Dù tiềm lực quân sự Syria không thể sánh với Mỹ nhưng Damascus vẫn đủ sức mạnh để khiến chiến hạm cỡ lớn nhất của Mỹ phải nằm lại đáy biển.

Tuyên bố trên được Southfront dẫn nguồn tin quân sự Syria đưa ra khi xuất hiện thông tin biên đội tàu sân bay USS Harry S.Truman chở theo 5.000 thành viên thủy thủ đoàn tối 15/11 đi qua eo biển Gibraltar và hướng tới phía đông Địa Trung Hải và đe dọa các mục tiêu trong lãnh thổ của Syria.

Southfront cho biết, bất chấp sức mạnh ghê gớm của biên đội tàu USS Harry S.Truman, quân đội của chính quyền Damascus đã chuẩn bị mọi kịch bản và có thể tung ra cú đòn đáp trả khiến không chỉ chiến hạm mà cả hàng không mẫu hạm Mỹ cũng phải nằm lại đáy biển nếu biên đội tàu này tấn công Syria.

Biên đội tàu sân bay USS Harry S.Truman.

Cơ sở để Hải quân Syria tự tin vào sức mạnh của mình chính là kho tên lửa bờ chống hạm cực mạnh của Damascus, trong đó có hệ thống Bastion-P với đạn diệt hạm P-800 (Yakhont). Hệ thống Bastion-P hội tụ tất cả tính năng tối tân: Tốc độ bay siêu âm, linh hoạt, thông minh... để khiến đối thủ không thể đối phó.

Ưu điểm đầu tiên chính là tốc độ siêu âm. Tốc độ tối đa của tên lửa Yakhont là Mach 2,6. Với tốc độ cực nhanh như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho việc đánh chặn tên lửa bằng các phương tiện phòng không vì thời gian bay của tên lửa quá ít.

Hơn nữa, với tốc độ này sẽ làm giảm các yêu cầu về độ chuẩn xác của hệ thống chỉ thị mục tiêu bên ngoài. Do đó, chỉ trong một vài phút sau khi phóng tên lửa, tàu đối phương không kịp vòng tránh đòn tấn công của tên lửa bổ nhào từ trên không.

Để đạt được tốc độ này, Yakhont được trang bị động cơ không khí phản lực dòng thẳng (PVRD). Khác với động cơ tuabin phản lực thông thường, PVRD không có bộ phận hồi chuyển – tuabin và máy ép. Điều này bảo đảm cho động cơ hoạt động hiệu quả, có độ tin cậy cao ở tốc độ bay cực nhanh.

Ưu điểm thứ 2 của hệ thống Bastion-P chính là sự đa năng trong diệt mục tiêu. Đạn tên lửa Yakhont khi chuyển giao cho quân đội được bảo quản trong ống vận chuyển – phóng, không chỉ cho phép đơn giản hóa việc khai thác và bảo vệ tên lửa trước sự tác động bên ngoài mà còn có thể lắp đặt vào các ống phóng khác nhau, cũng như trên nhiều loại bệ phóng.

Các mục tiêu lắp đặt Yakhont rất đa dạng: từ hầm phóng thẳng đứng trên những chiếc chiến hạm lớn; các ống phóng nghiêng trên tàu chiến cỡ nhỏ, tàu ngầm, máy bay, thiết bị phóng lắp đặt trên ô tô.

Để bảo đảm sự đa năng như vậy là nhiệm vụ không hề đơn giản. Ví dụ, PVRD nói trên làm việc chỉ ở tốc độ lớn, chính vì vậy để lấy đà cho tên lửa sử dụng bộ gia tốc tên lửa nhiên liệu rắn. Vậy, yêu cầu đặt ra cho việc bố trí nó như thế nào để có thể lắp đặt vào congtainer vận chuyển – phóng một cách thuận tiện nhất?

Các nhà thiết kế đã đưa ra một giải pháp như sau: Bộ gia tốc ẩn trực tiếp trong buồng đốt PVRD hành trình. Sau khi đẩy và ngừng làm việc, bộ gia tốc dễ dàng tách ra khỏi PVRD bởi dòng không khí dồn nén.

Cánh của tên lửa có thể gập lại, cho phép lắp đặt tên lửa với bộ gia tốc trong ống phóng đa năng và nhỏ gọn. Trước đây, để phóng tên lửa này cần nhiều thời gian để lắp đặt với các thao tác rất rườm rà. Cùng với những ưu điểm hiếm có kể trên, Yakhont còn có quỹ đạo bay linh hoạt.

Sau khi phóng, ban đầu Yakhont phóng lên tầm cao 14km và sau đó bay vào mục tiêu với tốc độ cao. Ở cự ly 75km bắt đầu kích hoạt radar đầu tự dẫn định vị vị trí các tàu đối phương. Sau khi radar tắt, tên lửa bổ nhào xuống thấp và yên lặng tiếp tục bay thấp hơn đường chân trời vô tuyến ở độ cao 10-15 m so với mặt nước biển.

Sau khi tên lửa bay khỏi đường chân trời vô tuyến gần sát mục tiêu, lúc này radar lại được khởi động lại và cuối cùng là giai đoạn Yakhont tiêu diệt mục tiêu. Tốc độ siêu âm của tên lửa không cho phép các phương tiện phòng không đối phương có bất kỳ cơ hội nào để đáp trả. Cự ly hoạt động của Bastion đến 500km.

Nếu mục tiêu “dễ dàng, tên lửa có thể bay đến mục tiêu theo quỹ đạo bay cao, còn nếu mục tiêu được trang bị các phương tiện phòng không thì tên lửa cần phải bay theo quỹ đạo hỗn hợp. Trong trường hợp này, cự ly giảm đến 300km.

Đặc biệt, hệ thống phòng thủ bờ nay còn được coi là dòng vũ khí thông minh. Hệ thống điều khiển Yakhont chứa các cặp điện tử dữ liệu về các loại chiến hạm, chính vì vậy, tên lửa có khả năng phân biệt mục tiêu chính với mục tiêu thứ cấp, cũng như loại bỏ các mục tiêu giả.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển của Yakhont được lập trình các biện pháp chống lại các phương tiện tác chiến điện tử và chiến thuật tránh đòn phản công của các phương tiện phòng không. Lực đẩy trên trọng lượng cao và sơ đồ khí động học cho phép Yakhont cơ động với góc tấn công đến 15 độ.

Với những tính năng tối tân của đạn tên lửa Yakhont thì việc Syria tự tin khi phải đối đầu với những chiếc tàu cỡ lớn như hàng không mẫu hạm USS Harry S.Truman không phải không có căn cứ.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/thong-diep-cua-syria-khi-uss-harry-struman-vao-dia-trung-hai-3369383/