Thông điệp của hoạt động giao lưu hướng đến tình đoàn kết, sát cánh bên nhau

Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam – Lào năm 2019 do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo tổ chức tại Quảng Trị. Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần xây đắp tình hữu nghị Việt – Lào. Phóng viên báo Biên phòng có phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban tổ chức về những hoạt động góp phần xây dựng tình đoàn kết giữa 2 dân tộc.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lê Văn Chương

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lê Văn Chương

- Thưa đồng chí, hoạt động giao lưu bắt đầu từ ngày 20-7 và thông qua nhiều hoạt động như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tặng bò cho nhân dân 2 bên biên giới. Xin đồng chí chia sẻ thông điệp của giao lưu biên giới hữu nghị Việt – Lào năm 2019?

- Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; Lào – Việt Nam là một điển hình mẫu mực, bền chặt, thủy chung, trong sáng và hiệu quả. Mối quan hệ này do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng cùng với đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo Đảng, hai nhà nước, nhân dân 2 nước anh em, trải qua chiều dài lịch sử đấu tranh giữ nước đến giai đoạn xây dựng đất nước và đã nói lên một điều - đó là mối quan hệ tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một.

Sự kiện giao lưu hữu nghị biên giới năm 2019 và được Bộ Tư lệnh BĐBP chọn tổ chức tại tỉnh Quảng Trị là một vinh dự của địa phương. Giao lưu hữu nghị biên giới Việt – Lào năm 2019 là hoạt động để thắt chặt tình đoàn kết giữa nhân dân 2 nước, để 2 dân tộc cùng nắm tay nhau hướng tới tương lai. Đây cũng là dịp để lãnh đạo 2 bên tiếp tục có tiếng nói chung, chia sẻ những trăn trở để hướng đến phát triển hành lang kinh tế đông – tây.

- Trước khi tổ chức sự kiện này, tỉnh Quảng Trị đã trích ngân sách hỗ trợ cho bạn xây dựng các công trình dân sinh như thế nào, thưa đồng chí?

- Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã trích ngân sách tỉnh số tiền 7,997 tỉ đồng để hỗ trợ hai tỉnh của Lào là Savannakhet và Salavan. Số tiền này giúp bạn xây dựng các công trình Trạm Y tế Densavan, Trường THCS bản Phom Hay ở huyện Se Pon, tỉnh Savannakhet; Trạm Y tế cụm bản Ta Lo và Trường THCS cụm bản Tà Lung Cang ở huyện Sa Muoi, tỉnh Salavan. Nhìn chung là những công trình này rất cấp thiết đối với người dân ở địa phương này, giúp bà con có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cho con em đến trường học tập, góp phần xây dựng đời sống mới.

Bà Căn Nhật ở bản La Lay A Sói, Lào được BĐBP tặng nhà tình nghĩa. Ảnh: Văn Chương

- Trong giao lưu hữu nghị biên giới lần thứ nhất tổ chức vào cuối năm 2018 tại tỉnh Kon Tum, phía bạn thường đưa ra đề nghị giúp đào tạo cho con em người Lào về chuyên ngành y tế. Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đáp ứng đề nghị này như thế nào, thưa đồng chí?

- Điều thuận lợi là tại tỉnh Quảng Trị có trường Cao đẳng Y tế, hiện nay có 135 sinh viên Lào đang học tập tại trường. Đây là các em đến từ 3 tỉnh Salavan, Savannakhet và Khammuoane. Tỉnh Quảng Trị có nhiều chính sách hỗ trợ cho con em người Lào theo Đề án đào tạo cao đẳng dành cho lưu sinh viên Lào tại Quảng Trị như: hỗ trợ học bổng, miễn giảm 100% học phí cho con em người Lào có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cấp học bổng và khen thưởng, khuyến khích đối với các em có thành tích học tập xuất sắc. Vào các dịp Quốc khánh Lào, ngày Tết cổ truyền của nhân dân các bộ tộc Lào, nhà trường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao để các em lưu lại những dấu ấn tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, tạo mối quan hệ giữa sinh viên 2 nước.

- Kết thúc năm 2018 và bước sang năm 2019, tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn 10 sự kiện nổi bật, trong đó có vấn đề đối ngoại. Xin đồng chí chia sẻ vấn đề này?

- Năm 2018 tỉnh Quảng Trị có nhiều thành công về hoạt động đối ngoại, trong đó nổi bật là triển khai có hiệu quả văn bản thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa tỉnh Quảng Trị với hai tỉnh Savannakhet và Salavan, Lào giai đoạn 2017-2019, từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai Thỏa thuận cấp cao tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh Salavan, Savannakhet giai đoạn 2020-2022. Bên cạnh đó, hai bên đã phê duyệt danh sách người Lào và người Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh Savannakhet, Salavan theo Quyết định số 133/ QĐ-TTg ngày 03/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đào tạo cán bộ chính trị cho Lào cũng là một thành tựu nổi bật của tỉnh, xin đồng chí chia sẻ vấn đề này?

- Hơn 10 năm qua, Trường Chính trị Lê Duẩn đã đào tạo chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính cho cán bộ hai tỉnh Sanvannakhet và Salavan. Đến nay, 7 khóa cán bộ chính trị của hai tỉnh bạn Lào đã tốt nghiệp, một khóa hiện đang được đào tạo. Tổng số học viên đã và đang được đào tạo là 330 học viên. Những học viên được đào tạo và trở về đều trở thành cán bộ giữ các vị trí quan trọng và họ luôn tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ chí tình của tỉnh Quảng Trị.

- Từ chủ trương của Tỉnh ủy và những chỉ đạo của UBND tỉnh, xin đồng chí nêu vài mô hình nổi bật mà nhân dân 2 bên biên giới đã thực hiện để tạo sự gắn kết?

- Có rất nhiều mô hình thể hiện sự gắn kết giữa nhân dân 2 nước, tiêu biểu là chương trình Kết nghĩa bản – bản; bà con nhân dân 2 bên biên giới cùng vui bên bếp lửa, buộc chỉ tay nhau, múa lăm vông, cùng nâng bát rượu và sau đó là cùng nhau phát triển kinh tế bằng mô hình trồng chuối, bà con bên Việt Nam hỗ trợ cho bạn cây giống như hom mì, cây ngô cao sản, bời lời, vật nuôi. Chương trình Nâng bước em tới trường của BĐBP Quảng Trị từ năm 2014 đến nay đã hỗ trợ 73 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 10 em học sinh Lào…Nhìn chung là các ban ngành, đoàn thể ở tỉnh đều có những hoạt động của đơn vị mình, hướng về biên giới, góp phần xây dựng tình hữu nghị.

Sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc được công diễn trong đêm 29-7. Ảnh: Văn Chương

- Thưa đồng chí, đêm giao lưu sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 20 giờ 15 phút đêm 29-7, chúng ta sẽ có dịp nhìn lại một chặng đường quan hệ hữu nghị giữa 2 địa phương kết nghĩa của Lào với tỉnh Quảng Trị như thế nào?

- Câu chuyện về tình đoàn kết, thắm tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước thì không thể nào kể hết, nhưng sẽ được cô đọng trong đêm giao lưu thông qua câu chuyện chia sẻ của các vị khách mời như: lãnh đạo Công an tỉnh Savannakhet, thiếu tướng Phu Viêng Liêm Ma Phong Sô, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Salavan; Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Sa Muoi, tỉnh Salavan…Đêm giao lưu sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng của 10 tỉnh, thành có chung đường biên giới với nước bạn Lào.

Những câu chuyện nghĩa tình đó thấm vào lòng người thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc “Sải Chay Lào – Việt” (tấm lòng Lào – Việt). Chắc nhiều người cũng khá quen thuộc với bài hát này, vì nhắc đến 2 đất nước Việt – Lào như hai anh em sinh cùng 1 cha mẹ, như hoa chăm pa và hoa sen bừng nở.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!

Lê Văn Chương (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thong-diep-cua-hoat-dong-giao-luu-huong-den-tinh-doan-ket-sat-canh-ben-nhau/