Thông điệp chính trị mạnh mẽ của 'lục địa già'

Tuyên bố mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu không nên dựa dẫm vào Mỹ về vấn đề an ninh được coi là một thông điệp chính trị mạnh mẽ của châu Âu gửi tới đồng minh Washington. Không chỉ trong vấn đề an ninh, 'lục địa già' đã và đang hành động theo cách của riêng mình trong một số vấn đề, trong bối cảnh Mỹ ngày càng cho thấy là một đồng minh khó chơi...

Trong bài phát biểu về chính sách ngoại giao mới đây, Tổng thống Emmanuel Macron đã gây chú ý khi kêu gọi châu Âu cần có chính sách an ninh mới để chống chủ nghĩa cực đoan và không nên dựa dẫm vào Mỹ về vấn đề an ninh nữa. Lời kêu gọi của Tổng thống Pháp được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tỏ ra không còn mặn mà với NATO khi chỉ trích các đồng minh châu Âu về việc đóng góp cho ngân sách quốc phòng của khối.

Kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, sự nhất quán của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho châu Âu không hề có sự thay đổi. Cho đến nay, Mỹ vẫn đang là đối tác bảo đảm an ninh cho châu Âu trong khuôn khổ NATO. Nhưng theo giới phân tích, đã đến lúc "lục địa già" cần phải tính đến việc họ sẽ phải làm gì khi không còn sự trợ giúp từ đồng minh nữa. Sự thật là người bạn lâu năm của châu Âu đã trở nên ngày càng xa cách, thậm chí thiếu tin cậy hơn. Phương châm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump khiến mối quan hệ đối tác chiến lược với châu Âu cũng bị xếp xuống hàng thứ yếu nếu không phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Bằng chứng là Washington đã lựa chọn con đường riêng, không tính tới mối quan hệ đối tác với châu Âu trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, như rời bỏ Hiệp ước về chống biến đổi khí hậu, quay lưng với thỏa thuận hạt nhân lịch sử và trừng phạt Iran. Mỹ cũng chẳng nể mặt đồng minh khi dựng hàng rào thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu.

Tổng thống Pháp Macron tuyên bố châu Âu cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ về an ninh. Ảnh: Getty Images.

Không phải ngẫu nhiên Pháp lại lên tiếng mạnh như vậy về việc châu Âu cần phải thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ. Trước thực tế Mỹ đã rút phần lớn kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình khỏi châu Âu, trong khi Anh đang xúc tiến việc rời khỏi châu lục, Pháp với tiềm lực vũ khí hạt nhân của mình có khả năng trở thành quốc gia đầu tàu bảo đảm an ninh cho lục địa này. Trong một động thái cho thấy Paris muốn giành lấy vai trò dẫn dắt, Tổng thống Pháp Macron trong phát biểu của mình cho biết sẽ giới thiệu những đề xuất mới trong vài tháng nữa để tăng cường hợp tác phòng thủ cho Liên minh châu Âu (EU). Chủ nhân điện Elysee nhấn mạnh “việc bảo đảm an ninh của châu Âu tùy thuộc vào chính chúng ta”.

Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Pháp cũng đề xuất đối thoại với Nga về mối quan hệ an ninh trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước phương Tây và Moscow. Đây có thể coi là một hướng tiếp cận khá mới mẻ bởi châu Âu vẫn luôn đề phòng Nga như một mối đe dọa về an ninh. Và sự phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ của “lục địa già” cũng một phần là để bảo đảm an toàn trước cái mà châu Âu coi là mối đe dọa mà Nga luôn bác bỏ này.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên châu Âu nhắc tới việc cần phải độc lập trước đồng minh Mỹ nhiều hơn, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh. Trước khi nhà lãnh đạo Pháp đưa ra lời kêu gọi trên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định rằng, châu Âu cần gánh vác trách nhiệm cân bằng hơn với Mỹ. Châu Âu cũng đã bàn tính tới việc cho ra đời một quân đội chung của EU nhằm bảo đảm an ninh của châu lục cũng như bảo vệ lợi ích của liên minh trên toàn thế giới.

Vào tháng 11-2017, đại diện của 23 trong tổng số 28 thành viên của liên minh đã ký một hiệp ước về việc thành lập một lực lượng quân sự chung. Hiện nay, Pháp được cho là quốc gia đang dẫn đầu một số nước ở châu Âu thúc đẩy việc thành lập một lực lượng quân sự chung gồm từ 50.000 đến 60.000 binh sĩ. Lực lượng này sẽ bao gồm nhiều đơn vị chiến đấu nhỏ, rất cơ động, có khả năng can thiệp trên khắp thế giới mà không phụ thuộc vào NATO. Lực lượng này sẽ đặt nền tảng để châu Âu cho ra đời một quân đội chung nhằm tự bảo đảm an ninh của mình mà không phải dựa vào NATO, nơi Mỹ đóng vai trò nổi bật.

Mặc dù tương lai thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ của châu Âu sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức, các động thái rõ ràng trên cũng cho thấy việc châu Âu phải tự đi trên đôi chân của mình trong bảo đảm an ninh chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ngoài an ninh, châu Âu cũng không muốn bị Mỹ chi phối trong nhiều vấn đề mà hai bên có quan hệ đối tác. Điển hình là trong mối quan hệ với Iran hiện nay, bất chấp việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, châu Âu cùng các đối tác khác vẫn nỗ lực bảo vệ đến cùng thỏa thuận này. Một mặt châu Âu tìm cách tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, mặt khác, lục địa này cũng hỗ trợ Iran để làm suy yếu chiến lược gây áp lực của Mỹ nhằm buộc Tehran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân.

Tuần trước, EU thông báo sẽ cung cấp cho Iran 18 triệu euro, một phần trong gói viện trợ lớn hơn trị giá 50 triệu euro mà EU dành riêng cho Iran trong những tháng tới. Quyết định này của EU được cho là một động thái mang tính biểu tượng là chính, vì số tiền không phải quá lớn đủ để hỗ trợ nền kinh tế Iran đang trong giai đoạn khó khăn bởi các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Giới phân tích đánh giá, EU đang muốn chứng tỏ họ tin vào "quyền lực mềm" và giải quyết các cuộc xung đột bằng con đường ngoại giao thay vì các biện pháp quân sự hay trừng phạt như cách mà đồng minh Mỹ vẫn ưa dùng.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/thong-diep-chinh-tri-manh-me-cua-luc-dia-gia-548259