Thôn bản đổi thay nhờ bộ đội

Dộ - Tà Vờng là bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình với 100% là người dân tộc Chứt, 73 hộ, 391 nhân khẩu. Là một bản nghèo, chưa có điện lưới; kinh tế chủ yếu dựa vào săn bắt, chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn.

Những ngày hành quân dã ngoại làm công tác dân vận nơi đây, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó bền chặt.

Mở lối, rộng lòng nhờ bộ đội

Gia đình anh Hồ Hùng sinh sống trong ngôi nhà sàn, xung quanh nhà được anh cẩn thận thưng một lớp hàng rào bảo vệ bằng cọc và ván tre, gỗ. Tới nhà anh, chúng tôi tìm quanh chẳng thấy lối vào. Đang loay hoay thì thấy hai đứa nhỏ chừng 6, 7 tuổi khệ nệ ôm mỗi đứa một bịch giống cây keo trèo qua một cái thang để vào nhà. Chật vật mãi hai đứa nhỏ cũng vần được hai bịch keo xuống cái thang gác bên kia hàng rào. Hỏi ra mới biết, hai đứa cùng bố mẹ đi nhận 5.000 cây giống keo nhà nước hỗ trợ về trồng rừng, phát triển kinh tế. Anh Hồ Hùng là một trong số nhiều hộ trong bản vẫn giữ nguyên nếp sống xưa. Để tránh thú rừng và trâu, bò vào sân nhà phá cây cối, hầu hết bà con trong bản đều làm hàng rào bao kín nhà, tuy nhiên, không trổ cửa mà gác hai chiếc thang ở hai đầu để lên, xuống.

 Các đồng chí trong Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình và Lữ đoàn 414 thị sát con đường bậc thang.

Các đồng chí trong Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình và Lữ đoàn 414 thị sát con đường bậc thang.

Nhận thấy đây là tư duy lạc hậu, nó không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại hằng ngày của bà con, nhất là đối với người già và trẻ em, mà nó còn làm ngăn cách tình làng, nghĩa xóm. Thượng tá Phạm Nguyên Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn 414 đã trao đổi với già làng, trưởng bản, người uy tín trong bản Dộ-Tà Vờng tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp sống.

Ông Hồ Khiên, cán bộ an ninh, người từng có 2 nhiệm kỳ làm Trưởng bản là người tiên phong trong "dỡ rào, mở lối". Được sự giúp đỡ của bộ đội, hàng rào nhà ông được mở một cánh cửa bằng gỗ, có bản lề và móc khóa giúp đi lại thuận lợi. Tiếp sau ông Hồ Khiên, là hộ gia đình anh Hồ Sót và Hồ Hùng cũng nhờ bộ đội làm giúp. Nhìn thấy cái hợp lý, bà con đua nhau nhờ bộ đội trổ cửa. Thấy bộ đội làm nhà vệ sinh, nhà tắm, bà con cũng nhờ làm giúp.

Gặp Hồ Hùng đang cuốc đất trồng rau cùng bộ đội, chúng tôi hỏi "Hồ Hùng, thấy cái cửa này hợp lý chưa?". Hồ Hùng cười sảng khoái nói: "Hợp lý lắm! Từ nay đi lại dễ dàng hơn, không còn phải leo trèo nữa, mình cảm ơn bộ đội". Qua câu chuyện với Thượng tá Phạm Nguyên Hải, chúng tôi được biết, bà con ở đây vẫn còn giữ nguyên tư tưởng, nếp sống, phong tục tập quán cổ truyền, sống dựa dẫm nhiều vào tự nhiên. Chưa biết trồng rau, chăn nuôi tập trung; không có nhà vệ sinh, nhà tắm…; đơn vị đang tiếp tục tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi.

Đường bậc thang, đèn điện thắp sáng lối đi

Trong số các công trình, việc làm ý nghĩa mà 50 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 (Quân khu 4) giúp nhân dân trong chuyến hành quân dã ngoại, làm công tác dân vận tại bản Dộ-Tà Vờng, chúng tôi thực sự ấn tượng với công trình đường bậc thang nối liền bản trên và bản dưới, phục vụ đi lại của bà con và các cháu học sinh tới trường.

Năm 2019, bản Tà Vờng được sáp nhập với bản Dộ trở thành bản Dộ-Tà Vờng. Tà Vờng nằm phía trên, Dộ nằm phía dưới. Trước đây, để đi lại giữa hai bản, người dân phải di chuyển qua một triền dốc khá cao và dài, đi lại lâu ngày thành lối mòn. Tuy nhiên, khi trời mưa, đường trơn trượt rất nguy hiểm. Ông Hồ Phoong, trưởng bản Dộ-Tà Vờng cho biết: "Các cháu học sinh ở bản trên, muốn đi học đều phải đi xuống lối mòn này. Không chỉ trời mưa mà kể cả khi đường khô ráo cũng đã xảy ra nhiều trường hợp các cháu nhỏ và cả người lớn bị trượt ngã trầy xước cả chân tay, rất nguy hiểm. Nay có bộ đội về làm cho con đường bậc thang này, bà con sướng cái bụng lắm!".

Các chiến sĩ lữ đoàn đang thi công cửa hàng rào cho gia đình anh Hồ Hùng.

Đường bậc thang khoảng gần 100 bậc, mỗi bậc có kích thước là 90x80x25cm. Qua 3 ngày thi công, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã dùng dụng cụ cầm tay đào, chắn đất, làm phẳng, sau đó sử dụng đá dăm rải lên bề mặt, dùng ván be chắn bờ, chống sạt lở và gia cố bằng cọc tre vững chắc. Một bên đường bậc thang được các chiến sĩ cùng thanh niên bản trồng một hàng hoa đẹp mắt. Đơn vị cũng hỗ trợ lắp 3 cột đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời trị giá 5 triệu đồng nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.

Trò chuyện với Trung tá Trần Trọng Nghĩa, Phó tham mưu trưởng, chỉ huy lực lượng làm công tác dân vận của Lữ đoàn 414, anh cho biết thêm, ngày mới đặt chân vào bản, nhìn bà con đi lại trên lối mòn, chứng kiến một số cháu nhỏ trượt ngã trên dốc, anh đã hội ý chỉ huy phải làm gấp đường để bà con đi lại bảo đảm an toàn. Với quyết tâm cao, đơn vị đã tập trung lực lượng, sau 3 ngày thì hoàn thành con đường bậc thang này.

Địu em bước đi trên con đường bậc thang mới, cháu Hồ Thị Duyên, 10 tuổi rụt rè nhìn chúng tôi lý nhí nói: "Cháu rất thích khi được các chú bộ đội làm đường cho đi. Nay đường tới trường của chúng cháu hết vất vả, nguy hiểm rồi". Phấn khởi đi lại trên con đường bậc thang chắc chắn, đèn điện cảm ứng tự động sáng khi có người qua lại, anh Hồ Lan chia sẻ: "Ngày trước, đêm về là trời tối đen như mực, không có đèn chiếu sáng nên hầu hết bà con đều ở trong nhà, không đi đâu. Nay có bộ đội giúp cho làm đường, lại có đèn chiếu sáng, đi lại sướng lắm!".

Giờ đây, có con đường mới, mỗi khi chiều về, cả bản làng rộn ràng tiếng cười vui của các cháu nhỏ. Những đôi mắt trong trẻo, háo hức chơi đùa trên những bậc thang mới, tiếng cười hòa vang cùng tiếng suối đổ réo rắt của núi rừng hùng vĩ, khiến chúng tôi ai cũng cảm thấy thích thú; lòng thầm biết ơn "Bộ đội Cụ Hồ" luôn suy nghĩ và có những việc làm sưởi ấm trái tim của bà con nơi vùng rẻo cao hẻo lánh.

Sạch nhà, đẹp bản, thắm tình quân dân

Chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 giúp dân bản trong chuyến hành quân dã ngoại, chúng tôi ai cũng có cảm giác ấm lòng. Giữa cái rét như cắt da, cắt thịt, cán bộ, chiến sĩ vẫn tay dao, tay cuốc, tay xẻng giúp bà con khai hoang, làm ruộng bậc thang trồng lúa nước; rồi lại cần mẫn đào, chắn từng bậc thang làm đường đi lại cho bà con. Anh Hồ Văn, Bí thư chi bộ bản Dộ-Tà Vờng không dấu được niềm vui nói: "Dộ-Tà Vờng là bản vùng sâu, vùng xa, lần đầu tiên có đơn vị bộ đội về đây cùng ăn, cùng ở, cùng làm nên bà con vui lắm! Bộ đội về đã thay đổi cuộc sống của mọi người nơi đây. Bản làng vui hơn, bà con cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh thôn bản. Được bộ đội hướng dẫn trồng rau, nhiều gia đình đã có ý thức khoanh đất làm vườn, xuống giống".

Là người được bộ đội giúp lên luống và hướng dẫn trồng rau, chị Hồ Thị Xuân một người dân bản trải lòng: "Bộ đội cho cái ăn, cái mặc, hướng dẫn trồng rau, làm chuồng bò, nhà vệ sinh, còn tập hát, tập nhảy sạp cho các cháu. Phấn khởi lắm, bà con mong bộ đội ở mãi thôi".

Quân y đơn vị trực tiếp đến nhà khám bệnh cho ông Hồ Xếp, 93 tuổi, người có công với cách mạng.

Tay mân mê tấm ảnh chụp chung cùng Thượng tá Phạm Nguyên Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn 414 do đơn vị in tặng, ông Hồ Khiên, cán bộ an ninh bản Dộ-Tà Vờng không dấu được niềm vui, hết lòng cảm ơn bộ đội. Những ngày qua, cùng với bộ đội, ông xông xáo trong các hoạt động tuyên truyền, vận động bà con cùng làm với bộ đội; là cầu nối quan trọng giữa bộ đội với nhân dân. Ông cho biết, gần 10 ngày nay, bộ đội 414 đã giúp đỡ bà con rất nhiều việc làm ý nghĩa như: cắt tóc cho người dân; phát quang, vệ sinh đường thôn, bản; bộ đội còn hỗ trợ giống và hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi; bê tông hóa trụ phơi quần, áo; làm nhà vệ sinh, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Tại đây, bộ đội cũng vừa trao 10 suất quà trị giá 3 triệu đồng; 67 suất gạo, mỗi suất 5 kg; 560 bộ quần áo; 690 quyển vở học sinh, 01 bộ sách giáo khoa lớp 7, 50 cây bút bi. Hơn 156 người dân của bản cũng được bộ đội khám bệnh, hướng dẫn giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; ai ốm đau còn được cấp thuốc miễn phí.

Những ngày công tác dân vận tại bản, chúng tôi đã chứng kiến nhiều việc làm nhân văn thấm đậm tình người, tình nghĩa quân dân. Giữa cái rét căm căm của núi rừng, bà con sẵn sàng nhường chăn, sẻ đệm, dành cho bộ đội tất cả những điều kiện thuận lợi nhất. Ông Hồ Phoong, trưởng bản Dộ-Tà Vờng mấy ngày nay bị ốm, không nhấc nổi mình dậy, Trung sĩ Nguyễn Hữu Chung đã lên rừng tìm lá chanh, xả, bưởi, ổi, tràm, tre về nấu nước xông cho ông. Cháu Hồ Hồng 13 tuổi bị sốt 40 độ, hơn 1 ngày không ăn uống, được quân y lữ đoàn thăm khám, cho uống thuốc hạ sốt và tận tay Thượng tá Phạm Nguyên Hải động viên, đút từng thìa cháo. Chị Hồ Thị Ca bị tăng huyết áp, ngất xỉu, được bộ đội cho uống thuốc và cấp cứu kịp thời. Dù thiếu thốn đủ bề, Chị Hồ Thị Tuấn vẫn chia sẻ bắp chuối và rau Dớn rừng cho bộ đội. Bác Hồ Phoong có cái máy nổ bị hỏng lâu nay, đem xuống xã không sửa được, sau một ngày mày mò, Binh nhất Nguyễn Minh Giang Thanh đã làm cho chiếc máy nổ "sống" lại… Còn rất nhiều câu chuyện khác cho chúng tôi thấy, bộ đội đã tiến hành tốt công tác dân vận từ chính trái tim, tình cảm chân thành.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi trân trọng và cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 414 đã về đây chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ ngày có bộ đội về đây, bà con vui mừng, phấn khởi; thôn bản sạch sẽ, ngăn nắp hơn; nếp sống, suy nghĩ của bà con có sự đổi thay rất tích cực".

Bài, ảnh: HOÀNG THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thon-ban-doi-thay-nho-bo-doi-647411