Thomas Paine và tác phẩm Lẽ Thường

LTS: Tác phẩm 'Lẽ Thường' (Common Sense) của Thomas Paine vừa được Domino Books và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành tháng 1.2019, với phiên bản tiếng Việt của dịch giả Phạm Viêm Phương. Người Đô Thị lược trích giới thiệu về tác giả và tác phẩm danh tiếng này. Các tựa nhỏ dưới bài do tòa soạn đặt.

Lẽ Thường (Common Sense) đã đưa Thomas Paine trở thành tác giả bestseller đầu tiên của Mỹ. Ảnh: TL

Thomas Paine có ảnh hưởng lớn đến Cách mạng Mỹ

Thomas Paine (29.1.1737 - 8.6.1809) ra đời ở Thetford, một thị trấn chuyên nghề đóng tàu của Anh, với cha theo phái Quaker và mẹ theo Anh giáo. Ông không được học trường lớp đầy đủ, chỉ cố tự học và năm 13 tuổi ông đã phụ giúp cha sản xuất thừng chão dùng trên tàu. Sau đó ông làm nhân viên thuế vụ. Nhìn chung, ông chẳng giỏi trong nghề nào và quãng đời của ông ở Anh được coi là một chuỗi thất bại.

Năm 1772, ông viết “The Case of the Officers of Excise” (Trường hợp của một nhân viên thuế vụ), in thành tập sách mỏng 21 trang, trong đó ông đòi mức lương cao hơn cho nhân viên thuế. Đây là tác phẩm chính luận đầu tiên của ông, và mùa đông năm đó ông phân phát bốn ngàn bản in cho dân chúng và đại biểu quốc hội. Kết quả là ông bị sa thải khỏi cục thuế năm 1774. Lúc đó ông lại gặp Benjamin Franklin, ông này khuyên ông nên sang Mỹ và viết cho ông nhiều thư giới thiệu ông với một số nhân vật tên tuổi ở Philadelphia, trong đó có con rể của Franklin.

Thomas Paine (29.1.1737 - 8.6.1809). Tranh sơn dầu của Laurent Dabos

Thomas Paine (29.1.1737 - 8.6.1809). Tranh sơn dầu của Laurent Dabos

Paine đến Philadelphia ngày 30.11.1774, tìm được việc làm đầu tiên, biên tập viên cho tờ Pennsylvania Magazine, vào tháng Giêng 1775. Ông viết đều đặn, in được nhiều bài báo, thường là nặc danh hoặc dùng bút hiệu, trong đó có một bài lên án tệ buôn nô lệ ở Mỹ, nghĩa là đi trước dư luận Mỹ gần trăm năm (đến 1860 cuộc Nội chiến Mỹ vì vấn đề nô lệ mới nổ ra). Văn chính luận tuyên truyền của ông gặp đúng thời đắc dụng khi xung đột võ trang giữa chính quyền thuộc địa Anh và dân Mỹ bùng nổ, mở đầu bằng Trận Lexington và Concord ngày 19.4. 1775, sự kiện thôi thúc ông viết tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, đó là Common Sense. Cuốn này ra đời ngày 10.1. 1776, trong đó ông kêu gọi dân Mỹ không nên dừng lại ở cuộc đấu tranh đòi cải cách thuế mà hãy tiến tới đòi độc lập.

Dư luận Mỹ thời đó vẫn lưỡng lự không biết có nên đòi độc lập hay không. Common Sense đã nêu thẳng thắn vấn đề này ra với công chúng, thúc đẩy mọi người suy nghĩ, tranh luận và hành động, đến độ một sử gia về sau gọi cuốn này là “tác phẩm phổ biến và gây kích động nhất trong suốt thời cách mạng Mỹ.”

Ông viết Common Sense bằng một bút pháp đơn giản, tránh những trầm tư triết học hay thuật ngữ Latinh vốn phổ biến thời đó, không trích dẫn điển cố Hy Lạp như thói quen thời đó mà khai thác dữ kiện từ Kinh Thánh để tiếp cận đại chúng dễ hơn, như những bài thuyết giáo. Trong vài tháng, cuốn này được tái bản đều đặn và phổ biến đến độ người ta đọc cho nhau nghe trong quán rượu. Người ta cho rằng chính Common Sense đã thúc đẩy việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập vốn được nhất trí thông qua ngày 4.7.1776.

Dấu tích ngôi trường Thomas Paine từng theo học ở Thetford. Ảnh: TL

Trong chiến tranh Cách mạng Mỹ, Paine là trợ lý cho tướng Nathanael Greene, và viết loạt 16 tập “American Crisis” (Khủng hoảng Mỹ), từ 1776 đến 1783. Washington từng cho đọc lớn tác phẩm của ông cho binh sĩ nghe khi đóng quân ở Thung lũng Forge để vực tinh thần binh sĩ sau khi bị thiệt hại nặng. Trong bài thứ nhì của loạt này, được xuất bản ngày 13.1. 1777, ông đã chế ra tên gọi “United States of America.”

Năm 1777, Quốc hội bổ nhiệm Paine làm thư ký Ủy ban đối ngoại. Ông dùng tài liệu mật ngoại giao để cáo giác một đại biểu quốc hội mưu toan trục lợi từ khoản viện trợ của Pháp dành cho Mỹ. Trong một bài viết, ông còn bóng gió nói tới những hội nghị mật với Pháp trong khi dân Mỹ nói chung không thích người Pháp lắm (do dân Mỹ chịu nhiều thiệt hại trong cuộc chiến chống liên minh Pháp - Da Đỏ). Hai vụ này khiến ông bị buộc thôi việc ở ủy ban trên năm 1779.

Sau đó ông xin được chân thư ký trong viện lập pháp Pennsylvania và mau chóng thấy rằng quân thuộc địa Mỹ ta thán vì lương thấp và thiếu tiếp tế, nên ông phát động phong trào ở Mỹ và Pháp để lạc quyên tiền bạc và thực phẩm cho quân đội. Việc này ảnh hưởng lớn tới chiến thắng sau cùng của cuộc chiến. Đi xa hơn, ông kêu gọi các bang lập quỹ chung cho sự nghiệp của cả lục địa và từ đó ông ủng hộ một chính quyền trung ương mạnh hoạt động theo một “hiến pháp toàn lục địa”.

Tháng Tư 1787, Paine trở về Anh và phấn khích khi nghe tin về sôi sục cách mạng tại Pháp. Khi đọc được cuốn Reflections on the Revolution in France (1790; Trầm tư về Cách mạng Pháp) của Edmund Burke công kích cuộc cách mạng này, ông liền viết Rights of Man (1791; Quyền của con người) với giọng đáp trả gay gắt. Không chỉ ủng hộ cách mạng Pháp và các nguyên tắc cộng hòa, trong cuốn này ông còn bàn về những lý do để bất mãn trong xã hội Âu châu, công kích chế độ quý tộc và chế độ thừa kế tước vị, và thậm chí kêu gọi dân Anh cầm lấy võ khí để lật đổ chế độ quân chủ.

Nội dung đó khiến cuốn này bán rất chạy, rồi được dịch sáng tiếng Pháp và Đức. Đợt in đầu bán sạch trong ba ngày. Đợt in thứ nhì, chỉ trong vài giờ. Nó được in lần thứ ba vào tháng Ba 1791, và lần thứ tư vào tháng Tư ngay sau đó. Khoảng 200.000 bản đã được bán ra ở Anh, Scotland, và Wales. Mỹ cũng tiêu thụ khoảng 100.000 bản. Chính phủ Anh kết án cuốn này tội âm mưu lật đổ, ra lệnh cấm lưu hành cuốn này, và kết cho ông tội phản quốc, tuy nhiên ông đã lên đường sang Pháp trước khi lệnh bắt tới được nhà trọ của ông. Sau đó ông được Pháp phong là công dân danh dự.

Tuy ủng hộ cách mạng Pháp nhưng ông lại vận động cứu mạng vua Louis XVI nên khi nhóm cực đoan nắm quyền ở Pháp ông bị tống giam vào tháng Chạp 1793. Năm 1794, khi ông còn ở trong tù, phần đầu của cuốn The Age of Reason (Thời của lý trí) của ông được xuất bản. Cuốn sách gây nhiều tranh cãi vì nó phê phán thần quyền vì hủ bại và tham vọng chính trị, đồng thời tỏ ý nghi ngờ giá trị của Kinh Thánh, đến độ chính phủ Anh truy tố bất kỳ ai toan chuyện xuất bản hay phân phối nó. Tại Mỹ cuốn này được in bốn lần trong năm 1794, bảy lần năm 1795 và hai lần nữa năm 1796. Sau 11 tháng ngồi tù, ông được trả tự do nhờ sự can thiệp của James Monroe, công sứ Mỹ tại Pháp. Ông ở lại Pháp, xuất bản tiếp phần hai và ba của cuốn trên trước khi sang Mỹ theo lời mời của Tổng thống Jefferson.

Dấu tích ngôi nhà của Thomas Paine ở Lewes. Ảnh: TL

Paine trở lại Mỹ năm 1802 chỉ để thấy rằng tác phẩm cách mạng và tên tuổi của ông hầu như đã bị lãng quên (chủ yếu vì quan điểm cấp tiến và phê phán tôn giáo của ông), chỉ còn lại danh hiệu “kẻ kích động quần chúng” cho ông. Ông bị bạn cũ xa lánh, bị tước quyền bầu cử ở thành phố New York, bị các quán trọ từ chối cho thuê phòng, và cả nguyện vọng được chôn trong một nghĩa trang Quaker cũng bị từ chối. Ông sống lẻ loi trong túng thiếu và khi chết, ông được chôn trong trang trại mà chính quyền New York cấp cho ông từ hồi chiến tranh cách mạng. Chỉ có sáu người dự đám tang của ông.

Khi ông mất, để nhấn mạnh hình ảnh đã bị lu mờ của ông, tờ New York Citizen viết thêm dòng sau trong mục cáo phó dành cho ông. “Ông đã sống lâu, làm được một số điều tốt và rất nhiều điều tai hại.” Trong hơn một thế kỷ sau khi ông mất, đây vẫn là phán quyết lịch sử dành cho ông. Đến 1892 mới có cuốn tiểu sử trọn vẹn đầu tiên về ông, nhưng vẫn chưa có ấn bản thẩm quyền nào cho toàn bộ tác phẩm của ông. Ngay cả Tổng thống Theodore Roosevelt (hai nhiệm kỳ, từ 1901 đến 1909) cũng phản ảnh nhận định chung của thời đại khi ông gọi Paine là “gã vô thần bẩn thỉu.”

Sau cùng, vào tháng Giêng 1937, tờ Times ở London mới đảo ngược lại, gọi ông là “Voltaire của người Anh”, rồi từ đó đến nay ông được xem là nhân vật có ảnh hưởng lớn đến Cách mạng Mỹ. Giữa thập niên 1976, nhân dịp kỷ niệm 200 năm lập quốc Mỹ, mối quan tâm về Paine mới sống lại. Những tuyển tập tác phẩm lớn của ông, bản bìa giấy, lần đầu tiên xuất hiện, và từ đó đến nay đã có ít nhất tám cuốn tiểu sử của ông ra đời.

Ngày nay, nơi chôn cất ông ở New Rochelle (New York) có một đài tưởng niệm; bang New Jersey có tới hai tượng toàn thân của ông, và một tượng bán thân của ông được đặt trong Cung lưu danh của Trường Đại học New York. Nước Anh đưa hình ảnh của ông vào National Portrait Gallery (Phòng trưng bày chân dung quốc gia) với một tấm biển đồng khắc ngày sinh của ông; Thetford, quê nhà ông, dựng tượng ông ngay bên ngoài tòa thị chính vào năm 1964; và Thị trấn Lewes (Anh) nơi ông sống sáu năm khi làm nhân viên thuế vụ cũng dựng tượng ông năm 2010. Nước Pháp dựng tượng ông ở Paris.

Một ấn phẩm Common Sense xuất bản năm 1776. Ảnh: TL

Tác phẩm giúp người dân vượt qua sợ hãi

Vào thời điểm ông viết Common Sense, tâm lý chung của dân Mỹ (như chính Paine sau này mô tả) vẫn xem họ là thần dân Anh bị xử ép nhưng không bất mãn. Họ hướng tới hòa giải các xung đột và việc chống Anh bị coi như phản quốc. Paine bắt đầu bàn về điều này dưới dạng những lá thư đăng trên nhiều tờ báo ở Philadelphia, rồi những thư ấy ngày càng dài không thể đăng trên mặt báo được và ông quyết định in thành tập sách mỏng.

Ban đầu ông định đặt tên nó là Plain Truth (Sự thật đơn giản), nhưng bạn ông, bác sĩ Benjamin Rush, đề nghị tựa Common Sense và giới thiệu ông với chủ nhà in là Robert Bell. Trong bản in đầu, Paine không đề tên thật mà chỉ ghi tác giả là “một người Anh”.

Đợt in đầu ở Philadelphia bán hết trong vài tuần. Những bản in khác xuất hiện ở nhiều nơi, như ở Boston, Salem, Newburyport, Newport, Providence, Hartford, Norwich, Lancaster, Albany và New York. Người ta còn ghi nhận những bản in London, Newcastle, Edinburgh, Pháp, Hà Lan; Đức, và Nga. Nó còn được dịch sang tiếng Đức và Đan Mạch, và một bản tiếng Pháp xuất hiện ở Québec.

Tuy nhiên, sau lần in thứ nhất, tài khoản của Bell cho thấy cuốn này không hề có lãi. Paine yêu cầu Bell khoan in lần thứ hai vì ông sẽ viết thêm phụ lục. Nhưng Bell cứ tiếp tục in và quảng cáo, còn Paine nhờ đến một nhà in khác và mạnh ai nấy in, đồng thời tranh luận với nhau trên mặt báo Pennsylvania Evening Post. Vụ tranh cãi cũng khiến mọi người chú ý hơn tới tác phẩm.

Paine đồng ý cho in thêm khi có bất kỳ ai yêu cầu, kể cả ở nước ngoài, Tác phẩm này rất phổ biến ở Pháp. Tờ Connecticut Courant in lại toàn văn cuốn này trên số báo đề ngày 19.2. 1776.

Trong suốt thời gian đó, Paine không xác định tên tuổi của mình, kể cả trong những cuộc bút chiến với Bell, cho mãi đến khi bản in lần hai có phần phụ lục bổ sung của ông ra đời, trên đó ông ghi tên mình là tác giả. Ông chẳng nhận được nhuận bút gì vì đã từ bỏ tác quyền ngay từ đầu (Đến 1790, Mỹ mới có luật về tác quyền).

Tác phẩm của Paine đã khơi gợi, giúp người đọc vượt qua những định kiến vốn tập nhiễm vào trí óc họ mà không bị phê phán hay chọn lọc, từ đó họ thừa nhận và tin theo những lẽ thường như, hãy bảo vệ người thân và con cháu mai sau, chế độ cai trị cha truyền con nối là không hợp lý, không có gì biện minh cho việc một dân tộc này cai trị một dân tộc khác, hoặc chế độ nào áp bức và bóc lột thì cần loại bỏ đi…

Về tổng số phát hành, người ta thường nhắc tới ba con số 100.000; 120.000 và 500.000; nhưng tất cả là những con số do chính Paine nêu ra trong các thư từ của ông gởi cho bạn bè hoặc bài viết trên báo, và đời sau chẳng có tài liệu nào kiểm chứng những con số này.

Trish Loughran, trong The Republic in Print: Print Culture in the Age of U. S. Nation Building, 1770-1870 (2007; Nền cộng hòa trong bản in: Văn hóa in trong thời lập quốc, 1770-1870, New York: Columbia University Press, 2007), dựa trên số liệu về dân số, điều kiện giao thông, tỷ lệ dân biết đọc biết viết… để đưa ra những nhận định sau:

- Paine không đòi nhuận bút nên các chủ nhà in không có nghĩa vụ báo cho ông số lượng phát hành. Số liệu do ông đưa ra chỉ là ước đoán, hoặc có mục đích phô trương thành công.

- Đường sá xấu khiến người ta tự in ở địa phương hơn là chở từ Philadelphia về bằng xe ngựa.

- Phần lớn dân số thời đó vẫn là dân nông thôn, ít ra vào các thị trấn, nên độ tiếp xúc với sách và báo không thể cao.

- Trong 25 ấn bản được ghi nhận tại Mỹ, có tới 16 ấn bản được làm ở Philadelphia. Những bản in ở ngoài Philadelphia khó mà vượt quá 3.000 bản vì lý do dân số.

Và Loughran kết luận số bản in từ 25 lần in đó không quá 75.000. Nhưng có vẻ mọi người đều thích những con số lớn, như cuốn Of the People: A History of the United States (2012; Của nhân dân: Một pho sử Mỹ, nhiều tác giả, New York: Oxford University Press) sử dụng con số này, nhưng ghi là “bán được 75.000 bản trong một thời gian ngắn”. Nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn là Common Sense, với 25 lần in, đã đạt một kỷ lục thời đó so với mọi cuốn khác. Và Thomas Paine chắc chắn là tác giả bestseller đầu tiên của Mỹ.

Vào thời điểm đó đã có nhiều phong trào phản đối chế độ thuế của Anh khiến Anh phải tăng quân số tại Mỹ. Tuy không thích điều đó nhưng phần lớn dân thuộc địa vẫn nghĩ mình nên giữ quan hệ tốt với Anh, và phong trào phản kháng nhắm vào việc đòi giảm thuế hơn là độc lập. Thứ nhì, họ không tin rằng dân thuộc địa có đủ lực lượng và võ khí để chống lại binh lính chuyên nghiệp Anh, nhất là lực lượng hải quân được xem là hàng đầu thế giới của Anh.

Commons Sense thành công trong việc thuyết phục dân thuộc địa thay đổi mục tiêu đấu tranh, từ đòi giảm thuế tiến lên đòi độc lập. Thời đó đã có xung đột võ trang giữa hai bên, như trận Lexington và Concord năm 1775 giữa quân thuộc địa ô hợp và quân Anh chính quy. Tuy trận đánh không gây thiệt hại nhiều cho hai bên, nhưng nó khiến lập luận của Commons Sense thuyết phục hơn, và dân thuộc địa bắt đầu thấy họ có thể giao chiến với quân Anh.

Paine cũng nhấn mạnh rằng dân Mỹ không hẳn đều có gốc Anh, mà họ đến từ khắp nơi ở châu Âu, qua đây tìm tự do chính trị và tôn giáo, chứ không phải để tiếp tục bị vua Anh cai trị. Ông cũng mô tả vua Anh là thứ độc tài tồi tệ và chế độ quân chủ Anh cũng như của các nước Âu châu là một thứ thối nát, và dùng nhiều ngôn từ báng bổ cho các vua chúa này. (Những đoạn phê phán bài bác chế độ quân chủ và vua Anh của Common Sense bị cắt bỏ phần lớn khi nó được in ở châu Âu).

Một điểm xuất sắc nữa của Common Sense là ông dùng giọng văn đơn giản, như văn nói, trích dẫn Kinh Thánh như những bài thuyết giáo trong nhà thờ. Ông dùng nhiều dấu ngắt câu (phẩy, chấm phẩy, và hai chấm) vốn xa lạ với chúng ta ngày nay, nhưng có lẽ nó thích hợp với dạng sách mỏng vốn thường được đọc to nơi công cộng cho mọi người cùng nghe (nhất là khi tỷ lệ mù chữ còn cao), và dấu ngắt câu giúp người ta đọc to dễ dàng hơn. (Dĩ nhiên, bản dịch này khó mà giữ được những ưu điểm trong văn phong như thế).

Nhưng trên hết, Common Sense giúp người dân vượt qua sợ hãi. Lòng kính sợ vua chúa (một kiểu thiên mệnh, hoặc được giáo hoàng phong vương), nếp nghĩ xem chế độ quân chủ là hình thức tổ chức xã hội duy nhất, nỗi e sợ trước lực lượng võ trang Anh, e sợ đổ máu do đấu tranh võ trang, vân vân, đã tồn tại trong đầu người dân qua bao thế hệ đến nỗi họ thấy sợ hãi không kém khi tiếp xúc với những điều trái ngược với những niềm tin có sẵn của họ. Não trạng ấy khó mà thay đổi trong sớm chiều, nhưng theo thời gian, tác phẩm này mau chóng phổ biến trong dân chúng, đặc biệt thuyết phục được giới trí thức, và cùng với sự lan rộng của đấu tranh võ trang, người dân Mỹ đã thắng được nỗi sợ hãi của mình.

Lẽ Thường (Common Sense) của Thomas Paine vừa được Domino Books và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành tháng 1.2019

Lẽ thường, common sense, được định nghĩa là khả năng suy nghĩ thực tế và đi tới những quyết định đúng, có thể dựa trên hoặc không dựa trên học vấn, như thế nó là cái có sẵn trong trí óc của mọi người. Tác phẩm của Paine đã khơi gợi cái đó, giúp người đọc vượt qua những định kiến vốn tập nhiễm vào trí óc họ mà không bị phê phán hay chọn lọc, từ đó họ thừa nhận và tin theo những lẽ thường như, hãy bảo vệ người thân và con cháu mai sau, chế độ cai trị cha truyền con nối là không hợp lý, không có gì biện minh cho việc một dân tộc này cai trị một dân tộc khác, hoặc chế độ nào áp bức và bóc lột thì cần loại bỏ đi. Từ niềm tin đi đến hành động thì có lẽ cũng không xa.

John Adams, người mà sau này trở thành tổng thống thứ hai của Mỹ, có viết, “Không có ngòi bút của tác giả Common Sense, thanh gươm của Washington hẳn đã vung lên vô ích.” Dĩ nhiên, đây là lời ca ngợi có phần thậm xưng, nhưng qua đó ta có thể thấy ảnh hưởng lớn lao của tác phẩm này.

Phạm Viêm Phương

Tổng hợp từ các trang:

http://biography.yourdictionary.com/thomas-paine#mrm0jh9Gu4B7bRqw.99

https://www.biography.com/people/thomas-paine-9431951

https://www.libertarianism.org/publications/essays/right-rebel-biography-thomas-paine

https://en.wikipedia.org/wiki/Common_Sense_(pamphlet)#cite_note-7

https://allthingsliberty.com/2013/03/thomas-paines-inflated-numbers/

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thomas-paine-va-tac-pham-le-thuong-17370.html