Thơm thơm cơm cặp lồng

Thưởng thức những bữa trưa được chuẩn bị từ nhà mang đi khiến nhiều người, nhất là thế hệ 7X trở về trước không khỏi rưng rưng nhớ về một thuở hoa niên lớn lên nhờ cơm cặp lồng.

Thế nên mới xuất hiện câu ngạn ngữ được "chế" cho hợp với thời nay rằng: "Quân tử phòng thân, công nhân viên phòng cơm cặp lồng".

Cặp lồng xe đạp xưa.

Cặp lồng xe đạp xưa.

Hậu cần chăm lo cho các bữa trưa cơm cặp lồng cũng không hề đơn giản. Sáng sáng, các mẹ, các chị dậy sớm hơn thường lệ, nhặt rau, vo gạo, nấu nấu nướng nướng xôn xao thơm lừng căn bếp nhỏ. Cơm canh nấu xong chia vào các cặp lồng, này của con, này của bố, này của mẹ.

Nhà nào bố con kén ăn thì khâu chuẩn bị còn cầu kì hơn nữa. Có mẹ chu đáo vắt thêm cả nước cam đóng vào chai hay gọt thêm ít hoa quả cất vào hộp, xếp cùng với "tay nải" đựng cặp lồng. Bữa trưa tươm tất chuẩn bị nhanh cũng phải mất 30 phút mới xong để sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Hàng xóm gặp nhau trong thang máy, chào hỏi rộn ràng, mắt liêng liếc thấy cái cặp lồng trong tay anh bạn hay chị bạn cùng khu chung cư, bèn cười phấn khởi: "Cứ thế này là yên tâm nhất bác ạ!" Ra phố, dừng đợi đèn đỏ, thế nào cũng nhìn thấy mấy xe bên cạnh lấp ló túi đựng cặp lồng cơm, lòng tự nhiên ấm áp hơn hẳn. "Đội quân cặp lồng" chẳng hẹn mà gặp, nhìn nhau tình thương mến thương khôn xiết.

Thị trường bán cặp lồng cho công chức văn phòng nhờ thế cũng lên hương. Dễ có đến ngàn lẻ một các thể loại cặp lồng, từ đơn giản cho đến cao cấp, từ nhựa, inox cho đến những vật liệu cách nhiệt giữ nhiệt, đủ mầu sắc được tung lên "sàn giao dịch" trực tuyến với tên gọi thời thượng hơn: "hộp đựng cơm văn phòng".

Có hộp được thiết kế cắm điện hiện đại, bảo đảm đồ ăn nóng sốt như vừa lấy từ trong nồi ra, hộp thì siêu giữ nhiệt suốt 8 tiếng, hộp còn được khuyến mãi túi đựng riêng. Song chung quy nó vẫn là cái cặp lồng đựng cơm để "dân cần lao" mang đi cho bữa trưa ấm lòng.

Thưởng thức những bữa trưa được chuẩn bị từ nhà mang đi khiến nhiều người, nhất là thế hệ 7X trở về trước không khỏi rưng rưng nhớ về một thuở hoa niên lớn lên nhờ cơm cặp lồng. Khi ấy cơm trưa cặp lồng gần như là một nếp sinh hoạt phổ biến của các tầng lớp dân cư sống ở đô thị. Đám trẻ tan học về nhà, bụng đói, mắt mờ đã sẵn cặp lồng cơm mẹ dành phần từ sáng lôi ra oánh chén.

Công chức tranh thủ giờ trưa chỉ có một tiếng, không kịp đảo qua nhà, công nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa ngắn ngủi giữa ca,... Những lúc ấy, cặp lồng cơm được dọn ra ngay tại chỗ làm việc, gọn nhẹ, tiện lợi. Ai nhanh thì vẫn kịp chợp mắt mươi, mười lăm phút, để rồi vào việc. 5 giờ chiều, công chức tan sở, công nhân tan ca, ghi đông xe tòng teng cái cặp lồng rỗng kêu lạch xạch, hối hả trở về với gia đình trong bữa tối đầm ấm, quây quần.

Tôi nhớ ngày ấy nhà tôi có 2 loại cặp lồng. Một là loại cặp lồng nhôm 3 tầng, có tay móc hai bên giúp các hộp đồ ăn không bị xô lệch và tay cầm phía trên xách đi khá tiện lợi, nhưng giữ nhiệt không tốt, đồ nóng bên trong không cẩn thận chạm vào rất dễ bị bỏng. Đây là loại mẹ tôi hay mang đến cơ quan.

Một loại là cặp lồng của Nga, hay gọi là cái cà mèn, làm từ chất kim loại khá dầy, được tráng men mầu xanh đậm, nhỏ gọn hơn nhưng giữ nhiệt tốt và an toàn hơn. Loại này mẹ để dành ở nhà cho tôi. Cà mèn cũng có ba ngăn, mẹ chia thành các ngăn đựng cơm, canh và thức ăn. Sau khi đóng nắp cẩn thận, mẹ bọc bên ngoài chiếc cà mèn bằng một mảnh vải cắt từ áo cũ rồi vùi vào trong chăn để trưa tôi ăn vẫn còn đủ ấm.

Chiếc cặp lồng từng theo người mỗi sáng đến nơi làm việc.

Bữa cơm những năm tháng bao cấp, gạo muối đều mua theo chế độ tem phiếu, phải ăn tằn tiện nên lúc nào tôi cũng thấy đói. Mẹ biết vậy nên thường phần cơm cho tôi nhiều hơn. Để bữa cơm thêm ngon miệng, trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ nhưng mẹ luôn tìm cách chế ra các món mặn ăn kèm được đa dạng.

Đậu phụ rim mặn, lạc rang muối, trứng chưng cà chua, tép rang khế,… rồi thì đủ loại rau củ muối, từ su hào, bắp cải, cải bẹ, rau muống… Nhưng tôi nhớ nhất là món thịt kho củ cải. Khổ thân mỗi miếng thịt thời bao cấp phải gồng gánh đến gần chục miếng củ cải. Có lần tôi hí hứng tưởng gắp được miếng thịt, lúc bỏ vào miệng cắn mới buồn bã nhận ra nó vẫn là miếng củ cải!

Mảnh vườn nhỏ được mẹ tôi tận dụng tối đa để trồng cấy các loại rau nhằm cải thiện bữa ăn cho gia đình. Thực ra sau này lớn hơn, tôi mới hiểu khả năng xoay sở phi thường của mẹ những ngày tháng ấy. Chứ thời điểm đó, trẻ con vô lo vô nghĩ, tôi cứ có gì ăn nấy, chẳng nghĩ ngợi nhiều.

Quanh chuyện cơm cặp lồng cũng có nhiều chuyện để nhớ ra phết. Có đận nghỉ hè, đợi mẹ đi làm khuất khỏi cổng, tôi đã mắt trước mắt sau vạch hàng rào, chui tọt sang nhà con bé bạn hàng xóm chơi. Chơi loanh quanh mấy trò đánh chuyền, nhảy dây thấy chán, tôi bèn nghĩ ra trò bán hàng ăn. Tôi sẽ mang cơm của tôi ra bán, nó mang cơm của nó ra bán.

Con bé bạn tôi hưởng ứng tắp lự, bày ra hai cái cặp lồng cơm nóng sực, thơm phức. Cứ bác bán, tôi bán, loáng một lúc hai đứa đã đánh bay hai suất cơm. Đến trưa hai đứa ngồi ngẩn ngơ nhìn nhau vì chẳng còn gì mà ăn. Nhưng khi ấy thì chưa thấy đói lắm nên hai đứa vẫn la đà ngồi chơi tiếp.

Nhà văn Phong Điệp, phongdiepbvn@gmail.com

Cò kéo đến tầm 3 giờ chiều, thì ôi thôi, cơn đói kéo đến, vật cho 2 đứa cứ gọi là tan xác pháo. Bụng dạ sôi òng ọc, ruột gan quặn hết cả vào nhau, mắt hoa, mặt quay chong chóng, chân tay nhũn như bún. "Chắc tao sắp chết mày ạ" - nó bảo tôi.

Thấy nó nói, tôi cũng lo. Nhỡ chúng tôi chết thật thì sao, chết vì đói chứ còn sao nữa. Hai đứa cuống quýt đi lục chạn, tìm đồ ăn. Vớ được lọ đường, lẫn đầy xác kiến, mặc kệ, hai đứa vẫn xúc ăn ngon lành. Rồi chẳng hiểu do đường hay do kiến mà hai cái bụng đang gào thét vì đói cũng được dỗ yên lành!

Nhưng tôi khoái nhất là ngày mùa đông, lấy hộp cơm ra, chăn bông vẫn còn âm ấm bởi nhiệt tỏa từ hộp cơm. Mùi cơm đựng trong cặp lồng, nồng nồng rất đặc trưng, đánh thức cơm đói. Kiểu gì tôi cũng sẽ ăn nhanh nhanh chóng chóng để rúc luôn vào chỗ chăn còn ấm, oánh một giấc no say đến chiều. Trong giấc ngủ, vẫn còn phảng phất mùi cơm thơm thơm trong hơi ấm của chăn bông.

Chỉ vậy thôi mà lũ trẻ chúng tôi ngày ấy khôn lớn thành người. Để bây giờ những bữa trưa ngồi bên cặp lồng cơm ấm nồng, đủ đầy, lại rưng rưng nhớ một thời chưa xa, yêu thương quá đỗi.

Nhà văn Phong Điệp

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/thom-thom-com-cap-long-593589/