Thơm hương từ những bàn tay…

Từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Quốc Tuấn (hội viên Ban Nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) đã 'có tiếng' ở xứ Nam bộ. Chất nghệ sĩ toát ra từ dáng vẻ đến cả tác phong, điệu bộ và tài năng khiến chàng trai lãng tử khi ấy như một thỏi nam châm thu hút ánh nhìn và sự ngưỡng mộ của mọi người.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Quốc Tuấn xem lại tác phẩm vừa thực hiện với nhân vật của mình. Ảnh: H.Quy

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Quốc Tuấn xem lại tác phẩm vừa thực hiện với nhân vật của mình. Ảnh: H.Quy

Cái tài của Bùi Quốc Tuấn không phải ở chỗ lĩnh vực nào cũng biết, mà là ở chỗ: lĩnh vực nào cũng giỏi. Và thú vị hơn, khi anh không chỉ xuất sắc ở những mảng “liên đới” đến nhau, cùng một “mẫu số chung” là nghệ thuật như nhau: âm nhạc - nhiếp ảnh, mà còn ở cả những mảng, những nghề đối lập. Đôi tay anh khi thì rắn chắc lắp ráp, chế tạo máy móc - động cơ, khi thì mềm mại lướt nhẹ trên phím đàn hoặc đầy điêu luyện, lúc lại nhanh như chớp trong từng khoảnh khắc bấm máy, tạo nên những tác phẩm “để đời”.

* Chú trọng những khoảnh khắc ngẫu nhiên

Bùi Quốc Tuấn đến với nhiếp ảnh là do “trời xui đất khiến”. Cả gia đình 12 thành viên không ai có năng khiếu hoặc hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Từ sau thất bại của mối tình đầu, Bùi Quốc Tuấn đã có giai đoạn trầm mặc, dành nhiều thời gian để suy nghiệm về cuộc đời, thế thái nhân tình và hướng đi mới với chiều hướng thiện lương và hữu ích. Khi thoát ra khỏi những ngôn từ đao to búa lớn, những ồn ào náo nhiệt của cuộc sống ngoài kia để lặng thầm nghĩ suy và làm việc một mình, anh hiểu được rằng mọi hoạt động nghệ thuật trên thế giới đều hướng đến tô điểm và vun bồi hoàn thiện một loại hình nghệ thuật vừa sâu sắc vừa thiết thực và trên tất cả, đó là nghệ thuật sống. Từ đây, Bùi Quốc Tuấn bắt đầu từng bước ghi danh với đời, với người bằng nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng cao.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thơi nhận xét: “Bùi Quốc Tuấn đạt thành tích cao trong hoạt động nhiếp ảnh tỉnh nhà từ rất sớm, có nhiều tác phẩm đẹp đoạt giải thưởng khu vực và quốc tế. Anh là một nghệ sĩ đa tài, đa tính cách và giàu lòng trắc ẩn”.

Bùi Quốc Tuấn chú trọng tới những khoảnh khắc gần như ngẫu nhiên của cuộc sống bình dị, đời thường: người đàn bà lặng lẽ bên gánh hàng rong giữa rộn ràng phố xá đông người; bà, cháu dìu dẫn, lần bước, rung chân trên chiếc cầu khỉ cheo leo lúc chiều tà, bóng xế; lưng ngoại còng nặng trĩu gánh thời gian, bác xích lô gầy trong chợ hoa ngày Tết, chở chậu mai vàng như chở cả mùa xuân.

Hình ảnh con người xuất hiện trong tác phẩm của Bùi Quốc Tuấn không phải là những cô gái mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong... mà phần lớn là các chị, các mẹ vất vả sớm hôm, mưu sinh trên mọi nẻo đường xuôi ngược: ngoài chợ, trong vườn, trên sông, dưới ruộng... Đối tượng sáng tác của Bùi Quốc Tuấn là những nhân vật luôn mang vẻ đẹp bình dị, chân chất của người lao động, đẹp trong lao động, đẹp từ trong tâm.

* Cần mẫn đi tìm cái hay…

Tất nhiên, Bùi Quốc Tuấn không thay đổi được cuộc sống vất vả, lam lũ của người lao động, nhưng các tác phẩm mà Bùi Quốc Tuấn mang đến cho đời đã giúp chúng ta trân quý hơn “phận nghiệp” khác nhau của mỗi kiếp nhân sinh, nhìn cuộc sống với con mắt độ lượng, bao dung, không hơn thua được mất, quẳng gánh lo đi mà nhẹ nhàng thanh thản mỉm cười, để cho tâm hồn thanh thản, an yên, tin yêu, lạc quan, thụ hưởng niềm vui hạnh phúc gia đình và xã hội, dù chỉ là hạnh phúc giản đơn có được của một đời người.

Cũng như bao nghệ sĩ khác, Bùi Quốc Tuấn vẫn cần mẫn đi tìm cái hay, cái đẹp của cuộc sống, song anh chọn cho mình một con đường và lối đi riêng, mau chóng đạt được sự trọn vẹn, bình yên trong tâm hồn. Anh không cố gắng trở thành một người phi thường, khác biệt, không phô trương vật chất nhà đẹp, xe sang, dù anh đã làm ra mọi thứ từ nhiều năm trước. Vợ chồng anh luôn gắn bó rong ruổi mọi cung đường bằng chiếc xe “cà tàng”, vừa làm nghề, vừa làm thiện nguyện.

Không ảo tưởng và ngủ quên với tài năng, Bùi Quốc Tuấn sống thực tế với nghĩ suy và hành động thiết thực. Ít ai thấy anh chia sẻ về tấm huy chương vàng Liên hoan ảnh miền Đông hay giải thưởng quốc tế mình đoạt được. Anh dành thời gian sáng tác của mình để chụp hình dịch vụ, đồng thời nỗ lực duy trì quán cơm chay Thân thiện 5 ngàn đồng/suất hằng ngày và miễn phí vào ngày rằm, mùng 1 hằng tháng âm lịch trong suốt 6 năm qua tại phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) với sự hỗ trợ công sức đắc lực của vợ và 4 con.

Việc làm thiện nguyện ngay tại nhà có ý nghĩa sâu sắc hơn mọi bài học trong trường lớp mà anh chị Bùi Quốc Tuấn muốn giáo dục con về lòng vị tha, yêu thương, giúp người, biết cho đi và biết quan tâm đến cuộc sống, không thờ ơ, vô cảm trước thiếu thốn, đói nghèo của bà con nơi mình cư ngụ.

Huyền Quy

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201912/nghe-si-nhiep-anh-bui-quoc-tuan-thom-huong-tu-nhung-ban-tay-2978485/