Thói xấu chiếm đoạt thứ không phải của mình

Trong cõi nhân sinh này, luôn có dạng giàu tham kiểu giàu, nghèo tham kiểu nghèo, quan tham kiểu quan, dân tham kiểu dân. Người đặc biệt hay người bình thường đều chung nhau sự tham lam cả.

Chỉ những bậc chân tu đắc đạo mới rũ sạch được lòng tham - Nguồn: Internet

Con người vốn có lòng tham, một thứ “bản chất ẩn náu” không mấy ai tránh khỏi. Theo quan niệm của nhà Phật, "tham sân si" là 3 thứ tạo nghiệp chướng cho chúng sinh. Trong 3 trạng thái tinh thần, ý thức vô cùng nguy hại này, không phải ngẫu nhiên mà nhà Phật đặt “tham” lên hàng đầu. Nó là dạng chất độc nguy hại nhất, làm méo mó nhân cách, đạo đức, hủy diệt con người ghê gớm nhất.

Nếu phân tích, cắt nghĩa sâu, chỉ cần làm rõ chữ "tham” thôi cũng phải không biết bao nhiêu trang mới đủ. Vậy chỉ cần hiểu một cách thật đơn giản mà trúng nghĩa rằng “tham” là sự tham lam, muốn vơ vét mọi thứ về cho mình, không điểm dừng, không khi nào đủ. Lòng tham của con người không có giới hạn, càng đáp ứng thỏa mãn nó, con người càng trượt sâu vào bể khổ, ác nghiệp, vô đạo vô luân.

Tuy nhiên, sống trên đời không dễ gì diệt dục (từ bỏ được lòng tham, ham muốn). Chỉ có bậc thánh hiền, bậc chân tu giác ngộ mới đạt sự vô vi-giải thoát. Người bình thường sống giữa thế giới vật chất, trong cuộc đua tranh, với nhiều cám dỗ, nên từ bỏ, giảm bớt lòng tham là điều cực kỳ khó khăn. Lâu nay ta hay nhầm lẫn cho rằng những người có địa vị, quyền thế càng cao thì càng tham, và càng thấp thì càng ít tham. Dân gian nói “được voi đòi tiên” cũng là cách chê trách con người lòng tham vô độ, tham vô giới hạn. Thực ra, trong cõi nhân sinh này, luôn có dạng giàu tham kiểu giàu, nghèo tham kiểu nghèo, quan tham kiểu quan, dân tham kiểu dân. Người đặc biệt hay người bình thường đều chung nhau sự tham lam cả.

Nhiều năm trở lại đây, ở nước ta sôi sục cuộc chiến chống tham nhũng. Những người có chức có quyền, có địa vị xã hội, nhất là những quan chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, do không tu dưỡng, không kiềm chế được lòng tham đã trở nên hư hỏng, vơ vét của công, chiếm đoạt tài sản xã hội, bất chấp pháp luật đạo lý, chỉ cốt thu tóm về cho riêng mình, gia đình mình, dòng họ mình. “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” (Nguyễn Du). Họ coi cá nhân trên hết, lại có lòng tham không đáy nên chẳng bao giờ họ dừng cuộc chiếm đoạt. Đã có lúc một vị đứng đầu nhà nước lo lắng mà thốt lên rằng “tham nhũng đã trở thành quốc nạn”. Cuộc chống tham nhũng với hàng loạt củi tươi củi khô đang bị đưa vào lò, nói cho cùng, đó là công cuộc tiêu diệt lòng tham vô độ xấu xa của những con người lún sâu vào nghiệp chướng.

Đừng nghĩ những người bình thường ít bị lòng tham chi phối. Có thể họ không tham nhũng bởi không có điều kiện tham nhũng nhưng sự tham lam, vơ về cho mình cũng chả phải dạng vừa. Điều đáng nói nhất, vẫn trong sự xấu xa của lòng tham, là họ vơ vét, chiếm đoạt những thứ không phải của mình. Hình như không chiếm, không lấy của cộng đồng thứ này thứ khác họ sẽ cảm thấy bị thiệt thòi. “Của chùa”, mình không lấy thì có người khác lấy, hình như họ nghĩ vậy.

Khu nhà tôi ở có cái công viên. Gọi là công viên, tức là vườn chung để mọi người cùng sử dụng. Lúc đầu các chủ nhà còn dè dặt nhìn ngó nhau, sau thấy nhà này nhà kia lấn ra một tí thì mình cũng “bắt chước” lấn một tí. Nhà này làm hàng rào thì nhà kia bê chậu cây cảnh ra chắn lối, nhà khác dứt thêm bước nữa xây hẳn tường chiếm đất về mình. Nhà nhà đua nhau, cuối cùng công viên thành tư viên. Manh mún, chắp vá, nhôm nhoam, cực kỳ xấu xí. Cộng đồng dân cư, kể cả những nhà lấn chiếm hết lối đi lại, trẻ con hết chỗ vui chơi, người lớn tuổi không còn chỗ tập thể dục, đi bộ. Xà xẻo công viên, mỗi nhà chiếm thêm vài mét vuông, để rồi ai lui về nhà nấy, như thứ lô cốt, pháo đài, không qua lại, không quan hệ với nhau. Cuộc sống nhạt dần tình nghĩa hàng xóm láng giềng, chưa kể đôi lúc xô xát, cãi vã bởi kẻ chiếm ít, người chiếm nhiều tị nạnh nhau. Biết bao nhiêu hệ lụy từ cuộc tham lam, lấn chiếm thứ không phải của mình, thứ là của chung tất cả mọi người. Mà đáng nói ở chỗ, họ vốn không phải người xấu, bởi phần lớn là dân lao động chất phác, nhiều người là cựu binh, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà nước. Họ giống nhau ở lòng tham, ở sự không biết kiềm chế lòng tham, để lòng tham chà đạp lên cả những nguyên tắc được tôn trọng của cộng đồng và pháp luật.

Nhìn rộng ra khỏi công viên chỗ nhà tôi, sẽ thấy nhan nhản tình trang tham lam ấy. Lòng lề đường đô thị, ai cũng biết cũng hiểu là của chung, nhưng hầu như ai cũng lấn ra, chiếm đoạt. Mặc nhiên coi lề đường trước nhà mình là của mình. Khi bị dẹp để đường thông hè thoáng thì phản đối, kêu rêu, la này oán nọ. Mà đó đâu phải của mình. Không của mình, vẫn phải chiếm cho bằng được. Rất lạ đời.

Những thói tham lam, dù nhỏ thôi, chưa tổn hại đến hòa bình thế giới, nhưng cực kỳ nguy hại đối với đạo đức, bản chất tốt đẹp của con người. Nó tạo ra tâm lý “cứ lấy, có sao đâu”, ai làm gì được ta. Nay chiếm được thứ này, mai có thể đoạt thứ khác. Trộm cắp cũng từ đấy mà ra, từ lòng tham tưởng như rất nhỏ nhoi, vớ vẩn ấy.

Tôi có người quen đi nhiều nước trên thế giới, ông cụ về kể rằng thường gặp những hàng quán bên đường không người trông nom, ai mua tự chọn, tự cân, tự trả tiền theo giá niêm yết. Kể xong, ông cụ chốt lại, bởi người ta không tham, không có lòng tham những thứ của người khác. Tôi sực nhớ, từng đọc về quá khứ xứ ta, có những triều đại được lịch sử ghi nhận “nhà không cần cổng ngõ, ngủ không phải đóng cửa, của rơi ngoài đường không có người nhặt”. Cha ông ta cũng đã từng chế ngự lòng tham như thế, há chẳng để thời nay nghĩ ngợi lắm sao.

Nguyễn Thông

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/thoi-xau-chiem-doat-thu-khong-phai-cua-minh-103324.html