Thời trang Zara tại Việt Nam:'Loạn' nhãn mác xuất xứ sản phẩm do nhân viên 'dập nhầm'

Mặc dù trên áo gắn mác 'Made in China' nhưng tem phụ lại ghi là 'Sản xuất tại Ma Rốc', rất nhiều sản phẩm khác của Zara cũng trong tình trạng tương tự…

Là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất trên thế giới, Zara đổ bộ vào Việt Nam bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2016 và chỉ sau đó 1 năm, Zara khai trương cửa hàng thứ hai tại Hà Nội. Sau khi vào Việt Nam, hãng thời trang này nhanh chóng làm chao đảo các tên tuổi khác vì sự đầu tư về store, đa dạng về mẫu mã và hướng đến nhiều đối tượng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Zara khiến các tín đồ thời trang không khỏi hoài nghi về nguồn gốc của sản phẩm. Thời gian gần đây, Thương Trường nhận được nhiều cuộc gọi từ đường dây nóng phản ánh về tình trạng nhập nhèm nhãn mác của không ít thương hiệu thời trang, trong đó, có thương hiệu thời trang đình đám Zara.

Sau khi nhận được phản ánh của độc giả, PV đã đến cửa hàng của Zara tại Vincom Bà Triệu (Hà Nội) để ghi nhận.

Trên một chiếc áo phông nữ, mác là "made in Pakistan" nhưng nhãn phụ lại ghi "Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ".

Trên một chiếc áo phông nữ, mác là "made in Pakistan" nhưng nhãn phụ lại ghi "Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ".

Vào chiều 9/7, khách hàng đến Zara khá đông. Tại tầng 1, PV xem ngẫu nhiên 8 sản phẩm của Zara thì có đến 3 chiếc váy, áo không thống nhất về mác và nhãn phụ. Cụ thể, trên một chiếc áo phông, mác ghi “Made in Pakistan”, nhưng nhãn phụ lại ghi “Sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Ở một chiếc váy khác, mác chính là “Made in Indonesia”, tuy nhiên nhãn phụ lại được diễn giải là “Sản xuất tại Trung Quốc”.

Và trên một chiếc áo sơ mi nữ mác gắn “Made in China” nhưng tem phụ lại ghi “Sản xuất tại Ma rốc”. Điều đáng nói ở chỗ, cùng loại áo sơ mi này, trong 8 chiếc được bày bán thì có 2 chiếc nhãn phụ là sản xuất ở Ma - Rốc, những chiếc khác lại đồng nhất với mác chính!

Khi được PV hỏi về sự lộn xộn nhãn mác của những chiếc áo này, một nữ nhân viên của Zara giải thích: “Có thể do các bạn trong kho dập nhầm, nguồn gốc ở sản phẩm thì trên mác là chính xác!”. Tương tự như vậy, tại tầng 2, tầng 3 của Zara rất nhiều sản phẩm khác cũng trong tình trạng “dập nhầm” như tầng 1.

Việc không đồng nhất này được nhân viên giải thích là do "dập nhầm"

Trao đổi với báo chí, đại diện nhãn hàng Zara cho biết nhãn chính thức của sản phẩm là mác bên trong sản phẩm, thể hiện đúng nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần sản phẩm. Đối với nhãn phụ, “đây là trường hợp nhầm lẫn trong quá trình bổ sung thêm thông tin trên nhãn phụ và chỉ xảy ra ở một vài sản phẩm”.

“Với số lượng sản phẩm lên đến hơn 10.000 mẫu mã tại cửa hàng nên đôi khi việc nhầm lẫn một vài mẫu là điều không tránh khỏi, nhưng chúng tôi có thể khẳng định chúng tôi luôn có nhân viên tại cửa hàng để giải thích với khách hàng. Tất cả hàng hóa được bán tại cửa hàng đều được nhập khẩu chính thức với các thông tin về nguồn gốc xuất xứ theo đúng quy định của Nhà nước Việt Nam”, vị này khẳng định

Nhập nhèm nhãn mác khiến không ít khách hàng lo ngại về nguồn gốc sản phẩm

Thời gian gần đây, việc nhập nhèm nhãn mác đã dấy lên không ít lo ngại cho người tiêu dùng. Một thương hiệu lớn như Zara khi cung cấp sản phẩm cần phải đảm bảo được 2 yếu tố quan trọng nhất là nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa phải rõ ràng, minh bạch.

Theo đó, việc “nhầm lẫn” nhãn mác như đại diện của Zara tại Việt Nam giải thích liệu có thỏa đáng, đặc biệt khi giá mỗi chiếc áo, váy được cho là khá cao tại thị trường Việt Nam?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này…

Theo Thương Trường

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/thoi-trang-zara-tai-viet-namloan-nhan-mac-xuat-xu-san-pham-do-nhan-vien-dap-nham-62338.htm