Thời trang xa xỉ hướng đến tương lai 'không lông thú, da thú'

Các thương hiệu thời trang xa xỉ, vốn từ lâu dựa vào các sản phẩm làm bằng da và lông thú để thúc đẩy doanh thu, nay đang dần từ bỏ những chất liệu này trước sự phản đối của các tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật và nhận thức về vấn đề bảo vệ động vật của những người tiêu dùng trẻ.

Các nhà vận động bảo vệ quyền lợi động vật của PETA biểu tình phản đối sử dụng da thú trong ngành công nghiệp thời trang tại Tuần lễ thời trang London hồi đầu năm 2017. Ảnh: PETA

Sức ép từ các nhà vận động bảo vệ động vật

Theo tờ The Wall Street Journal, Versace và Gucci, hai trong số những thương hiệu thời trang hào nhoáng nhất của thế giới, đã tuyên bố đoạn tuyệt với chất liệu lông thú bắt đầu từ năm nay, nối dài danh sách những thương hiệu thời trang lớn nói không với lông thú gồm Armani, Ralph Lauren, Michael Kors và Hugo Boss.

Trong nhiều năm qua, các nhà vận động bảo vệ quyền lợi động vật đã gây sự chú ý của dư luận khi họ ném sơn đỏ vào chiếc áo choàng lông thú của những người nổi tiếng và biểu tình phản đối ngay cạnh các sàn catwalk. Giờ đây, họ đang hướng cuộc tấn công nhằm vào những hãng thời trang sử dụng da cá sấu, rắn và đà điểu. Áp lực mà họ tạo ra đã góp phần khiến các thương hiệu thời trang xa xỉ cuống cuồng áp đặt các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi động vật đối với các nhà cung cấp các loại da thú không phải da bò.

Năm 2015, hãng thời trang xa xỉ Hermès (Pháp) đã nếm mùi thiệt hại từ các cáo buộc đối xử độc ác với động vật. Năm đó, những nhà vận động ở tổ chức vận động đối xử có đạo đức với động vật (PETA) đã tung một clip quay lén mà họ thực hiện ở những trang trại cá sấu ở bang Texas (Mỹ) và Zimbabwe, những nơi đang cung cấp da cá sấu cho Hermès. Đoạn clip cho thấy những con cá sấu bị giết chết tươi để lấy da chứ không bị gây tê liệt bằng điện trước.

Đoạn clip đã khiến nữ ca sĩ kiêm diễn viên người Anh Jane Birkin yêu cầu Hermès gỡ bỏ tên của cô ra khỏi các ví da cấu sấu, một trong những mặt hàng biểu tượng của Hermès. Vài tuần sau đó, Birkin rút lại yêu cầu của mình sau khi trao đổi với Hermès. Dù vậy, kể từ sau vụ việc đó, lượng da cá sấu nhập khẩu vào Pháp giảm hơn 30%.

Ngành thời trang buộc phải thay đổi

Nhân viên của Hermès đang hoàn thiện một chiếc túi xách làm bằng da cá sấu.Ảnh: Zuma Press

Ngành thời trang xa xỉ buộc phải thay đổi một phần là do những sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trẻ, khách hàng cốt lõi của ngành này.

“Đây là một vấn đề mang tính thế hệ. Cách đây một thập kỷ, những hãng thời trang xa xỉ thậm chí không thèm gặp chúng tôi. Nhưng giờ đây họ nhận thấy rằng người tiêu dùng có mối gắn kết tình cảm với các thương hiệu thời trang dựa trên cách mà một công ty thời trang hành xử”, Dan Mathews, phó chủ tịch cấp cao của PETA, nói.

Một cuộc khảo sát của công tư tư vấn Bain & Co. vào năm 2017 cho thấy hơn 2/3 người tiêu dùng dưới 35 tuổi sẽ sẵn sàng trả cao hơn để mua những sản phẩm thời trang được sản xuất theo phương pháp bền vững.

“Chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn trong tâm lý của người tiêu dùng. Bạn có thể quan tâm đến hành tinh, quan tâm đến nhân quyền nhưng phúc lợi động vật là một chủ đề quan trọng đối với người tiêu dùng”, Claudia D’Arpizio, một đối tác của Bain & Co, nói.

Thị hiếu cũng góp phần khiến các hãng thời trang xa xỉ đoạn tuyệt với da và lông thú. Những đôi giày thể thao và những chiếc áo phông, những chủng loại mặt hàng đang có mức tăng trưởng nhanh nhất của ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, hoàn toàn không ăn nhập khi kết hợp với chiếc túi da cá sấu.

Sau khi vấp phải sự chống đối của những nhà vận động từ PETA ngay tại đại hội cổ đông thường niên của Prada vào hồi tháng 4, Carlo Mazzi, chủ tịch Prada, cam kết công ty ông sẽ không quảng bá các sản phẩm sử dụng da thú nữa.
Hãng thời trang Hugo Boss (Đức) gần đây giới thiệu dòng sản phẩm giày làm bằng chất liệu sợi từ lá dứa.

Công ty thời trang Stella McCartney ở London cũng không sử dụng chất liệu da và lông trong các sản phẩm của hàng này nữa và đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thương hiệu cho biết doanh thu hàng năm tại chi nhánh của Stella McCartney ở Anh đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2011-2016, đạt mức 42 triệu bảng (56 triệu đô la Mỹ) trong năm 2016.

Các sản phẩm thời trang làm bằng da thú không phải da bò thường được bán với các mức giá cao ngất ngưởng và giúp các thương hiệu xa xỉ chăm sóc những khách hàng giàu có nhất của họ. Các túi xách thương hiệu Birkin của hãng thời trang Hermès, nếu được làm bằng da cá sấu, có giá bán hàng chục ngàn đô la. Một số túi xách này được bán lại ở các cuộc đấu giá hàng xa xỉ với mức giá cao hơn giá gốc nhiều lần.

PETA vẫn tiếp tục gây áp lực đối với Hermès bằng cách chỉ mua một cổ phiếu duy nhất của hãng này được có thể dự đại hội cổ đông của Hermès vào năm 2016 và 2017 mà mục đích là tổ chức các cuộc biểu tình gây sự chú ý. Trong năm nay, các lãnh đạo của Hermès đã có hai cuộc gặp gỡ với các nhà vận động của PETA, những người đang kêu gọi Hermès ngưng sử dụng da thú..

Mathews từ chối tiết lộ nội dung cụ thể của các cuộc thảo luận nhưng cho biết khi PETA gặp gỡ các thương hiệu thời trang, tổ chức này luôn gợi ý họ tìm kiếm các chất liệu thay thế cho da thú.

Sản xuất chất liệu da trong phòng thí nghiệm

Túi ny-lông nằm trong bộ sưu tập thu đông năm 2018 của Prada. Ảnh: WST

Về lâu dài, các thương hiệu thời trang xa xỉ thậm chí còn đặt kế hoạch tìm kiếm các chất liệu thay thế cho da bò.
Tại hãng thời trang Prada, các loại da thú ngoài da bò đã lỗi mốt. Thương hiệu thời trang Ý này đang tập trung vào các nỗ lực tiếp thị một dòng túi xách tay làm bằng chất liệu ni-lông.

Gucci và công ty mẹ Kering SA đang đầu tư vào các công ty phát triển các công nghệ sản xuất da bằng tế bào gốc của động vật. Giám đốc điều hành Gucci Marco Bizzarri nói da sản xuất từ phòng thí nghiệm vẫn chưa thể sử dụng được nhưng ông cho rằng với tốc độ phát triển công nghệ, điều này cuối cùng sẽ xảy ra.

Modern Meadow, một công ty khởi nghiệp ở bang New Jersey (Mỹ), đang lên kế hoạch giới thiệu ra thị trường một loại da được sản xuất từ phòng thí nghiệm. Đầu năm nay, Modern Meadow đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Evonik , một công ty hóa chất có chuyên môn trong công nghệ lên men vi khuẩn để sản xuất một loại da dựa trên quy trình sinh học trên quy mô thương mại. Quy trình này kích thích một dòng nấm men sản xuất collagen thông quá quá trình lên men. Collagen là khối kết cấu sinh học quan trọng của da thú.

“Chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác từ mọi các thương hiệu thời trang lớn nhỏ”, Suzanne Lee, giám đốc sáng tạo của Modern Meadow, cho biết.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275660/thoi-trang-xa-xi-huong-den-tuong-lai-khong-long-thu-da-thu.html