Thời trang đường phố hấp dẫn tín đồ làng mốt

Hiện nay, khi đưa tin về tuần lễ thời trang, các tờ báo không chỉ tập trung vào những bộ cánh xuất hiện trên sàn catwalk mà còn dành nhiều 'đất' cho trang phục do khán giả tham dự sự kiện trình diện. Đó chính là thời trang đường phố, xu hướng đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng.

Âm thầm xuất hiện

Chụp ảnh thời trang đường phố ra đời trong thập niên 70 của thế kỷ trước, trong đó người đi tiên phong nổi danh nhất là nhiếp ảnh gia Bill Cunningham của tờ New York Times. Nhưng đến giữa những năm 2000, thời trang đường phố mới bắt đầu có “tiếng nói” và bản sắc riêng thực sự được ghi nhận.

Những người “ngoại đạo” không thuộc làng mốt thường là chủ thể chính của thời trang đường phố. Họ sẽ có những cách tạo dáng đặc biệt cho các nhiếp ảnh gia tác nghiệp, đôi khi chỉ đơn giản là đi lại bình thường và nhìn thẳng vào camera hoặc thậm chí là tỏ ra khá thờ ơ. Thời trang đường phố gây chú ý một phần vì sự gần gũi và tính thực tế cao. Đối với công chúng, người mẫu xuất hiện trên tạp chí thời trang vẫn là những cô gái mảnh khảnh trong bộ trang phục đắt tiền. Trong khi đó, thời trang đường phố thường do các tín đồ ăn diện thể hiện phong cách riêng của họ.

Các nhiếp ảnh gia tranh thủ chụp một cô gái với thời trang đường phố thời thượng.

Trong một thời gian dài, nhiếp ảnh gia thời trang chuyên nghiệp và các tay máy chụp thời trang đường phố đều vui vẻ hoạt động độc lập. Sau đó, thời thế bắt đầu thay đổi khi họ cùng chú tâm chụp những người tham gia tuần lễ thời trang, buổi ra mắt bộ sưu tập... khi ở ngoài đường thay vì ghi lại hình ảnh những người bình thường với phong cách thời trang ấn tượng.

Tháng 6/2007, trang Men.Style.com lần đầu tiên đăng các hình ảnh của nhiếp ảnh gia thời trang Scott Schuman về khán giả đến tham dự buổi trình diễn Bộ sưu tập thời trang nam mùa xuân tại Milan (Italy), từ đây sự ám ảnh của ngành công nghiệp với thời trang đường phố đã bắt đầu. Trước đó, nhiếp ảnh gia Scott Schuman đã gây tiếng vang với blog thời trang đường phố có tên The Sartorialist. Dần dần, tên tuổi nhiều nhiếp ảnh gia thời trang đường phố khác cũng được biết đến nhiều hơn như Yvan Rodic, Tommy Ton và Philip Oh.

Như vậy, ban đầu thời trang đường phố được hiểu như “bộ phim tài liệu” chân thực về trang phục do những người không chuyên lựa chọn phối hợp thay vì sao chép theo các tạp chí thời trang. Tuy nhiên sau đó, độc giả và các hãng thời trang lại tăng nhu cầu quan tâm tới những người trong làng mốt và người nổi tiếng sẽ mặc bộ cánh nào, điều này khiến khái niệm thời trang đường phố thay đổi.

Tuy nhiên, điều tuyệt vời về thời trang đường phố vẫn được lưu giữ đó là những trang phục mang cá tính riêng tạo sự phá cách và đổi mới.

Mạnh mẽ bứt phá

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, bất cứ ai cũng có thể dùng điện thoại và máy ảnh để chộp lại trang phục ưng ý mà họ hoặc người khác vận rồi đăng trên trang mạng cá nhân. Đây không còn là địa hạt độc quyền của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp được mời đến dự buổi ra mắt bộ sưu tập mới của Ralph Lauren, Versace hay Prada...

Nhờ sự lớn mạnh của mạng xã hội và đặc biệt là Instagram, những cá nhân tài năng đều có thể trở thành biểu tượng thời trang mà không chỉ gói gọn trong nhóm người mẫu hoặc các ngôi sao. Tại những tuần lễ thời trang tổ chức trong thời gian qua, các nhiếp ảnh gia chuyên về thời trang đường phố xuất hiện ngày càng nhiều và hoạt động vô cùng năng nổ.

Thời trang đường phố nay đã trở thành ngành công nghiệp riêng, “xây đường” để hàng trăm triệu tín đồ thời trang truy cập vào trang web như Vogue.com và tạo điều kiện bán hàng cho các nhãn hiệu thời trang.

Hiện tượng thời trang đường phố đã tạo ra các ngôi sao tự lực như Chiara Ferragni với trang blog The Blonde Salad và Nicole Warne cùng biệt danh Gary Pepper Girl. Các cô gái trẻ xinh đẹp này thậm chí không cần nhiếp ảnh gia mà còn xây dựng đội ngũ riêng lo cho các bức ảnh của họ. Trong quá trình đó, họ biến trang mạng xã hội cá nhân thành một dạng báo điện tử về thời trang rồi nhận các hợp đồng béo bở và làm đại diện cho nhiều nhãn hàng, thậm chí đóng cả vai trò người thiết kế.

Năm 2013, nhà phê bình thời trang huyền thoại Suzy Menkes đã viết bài có tiêu đề “Rạp xiếc của thời trang” đăng trên tờ New York Times. Trong đó bà Menkes nhận xét rằng những người ngoài cuộc xuất hiện tại các tuần lễ thời trang thường bị miêu tả là “quạ đen” nhưng ngày nay họ lại mang phong thái của những “chú công” hơn.

Vậy nhưng vẫn có một số ý kiến thể hiện sự thất vọng với hướng phát triển của thời trang đường phố hiện nay. Nhiếp ảnh gia tại Los Angeles (Mỹ), cô Alkistis Tsitouri, người có kinh nghiệm chụp ảnh thời trang đường phố từ năm 2008, cho biết cô thường tránh các “chú công” và cho rằng thời trang đường phố đã trở thành “bệnh dịch”. Cô Tsitouri nói: “Nếu tôi đến New York trong tuần lễ thời trang, tôi không muốn tranh giành với các nhiếp ảnh gia khác để giành lấy hình ảnh những ‘ngôi sao’ thời trang đường phố”.

Hà Linh

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/thoi-trang-duong-pho-hap-dan-tin-do-lang-mot-20161103222430989.htm