Thời trai trẻ trong cuộc đời khác thường của Fidel Castro

Hãng tin Reuters của Anh nhận định, là con trai của một điền chủ giàu có, chàng trai Fidel đã quay lưng với một cuộc sống đầy đủ để dấn thân lãnh đạo phong trào cách mạng cánh tả ở Cuba trong hàng chục năm. Ông được xem là nhà lãnh đạo đầy mưu lược chính trị...

Ông được xem là nhà lãnh đạo đầy mưu lược chính trị, nhạy bén về thời cuộc và có cái tôi cực lớn.

Ông vừa là người có lý tưởng vừa rất thực tế, rất thông minh, táo bạo, không nhân nhượng với kẻ thù.

Thời thế tạo anh hùng

Những kẻ không ưa nói ông là người cứng rắn, sẵn sàng vi phạm nhân quyền, tống giam những người chỉ trích và làm hại nền kinh tế Cuba.

Hình ảnh quen thuộc của nhà lãnh đạo Fidel Castro

Những người ủng hộ thấy ở ông một tầm nhìn xa, một nhân vật dám đứng lên chống lại sự thống trị của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh, người đã đem lại nền giáo dục và hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, là nguồn cảm hứng cho các phong trào xã hội chủ nghĩa khắp thế giới.

Ngay từ thời niên thiếu, Fidel đã rất ngưỡng mộ những nhân vật lớn của lịch sử, đặc biệt là Alexander đại đế của thời đại Hy-La. Ông tin rằng ông và các đồng chí của mình là một phần của truyền thống oai hùng đó.

“Con người không định ra số phận. Số phận đã sản sinh ra anh hùng cho thời khắc lịch sử”, ông nói năm 1959.

Fidel đã lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista được Mỹ ủng hộ bằng cách thống nhất lực lượng đối lập ô hợp và xây dựng một quân đội Cuba lớn mạnh hơn, được trang bị tốt hơn và thiện chiến hơn. Việc đứng chung liên minh với Liên Xô biến Cuba thành tâm điểm của Chiến tranh Lạnh, đáng kể nhất là sự kiện cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, đặt thế giới trên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ông là nhân vật nổi tiếng quy mô toàn cầu: râu quai nón, bộ quân phục và những điếu xì gà Cuba là những thứ khiến người ta ngay lập tức nhận ra ông.

Castro là nguồn cảm hứng cho chủ nghĩa dân tộc ở Cuba và rộng hơn là niềm kiêu hãnh của Mỹ Latinh, là nhân vật khiến sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ bị chế nhạo.

Ông đã tìm cách bảo toàn thành quả cách mạng cho dù thái độ thù địch của Mỹ là thường trực. Cuba vẫn đứng vững ngay cả khi Liên Xô sụp đổ vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, cho thấy ý chí kiên cường của một nhà lãnh đạo, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Những năm tháng đầu đời

Sinh ngày 13/8/1926, Fidel lớn lên trong điền trang của cha ở tỉnh Biran, phía đông Cuba. Các bạn đồng lứa xung quanh ông đều là con cái tá điền, sống trong những túp lều mái rạ, nền đất. Sau này ông nói, chính những bất công kinh tế, chênh lệch giàu nghèo mà ông đã chứng kiến thời niên thiếu đã để lại trong ông sự cảm thương sâu sắc đối với người nghèo.

Hình ảnh thời trẻ của nhà lãnh đạo Fidel Castro (Ảnh: CNN)

Lúc còn bé thơ, ông đi học ở trường Belen do các giáo sĩ dòng Tên điều hành ở thủ đô Havana, sau đó học luật ở đại học Tổng hợp Havana và bắt đầu có tư tưởng chính trị thiên tả rồi nổi lên thành một thủ lĩnh thanh niên.

Ông tham gia một kế hoạch lật đổ nhà độc tài Rafael Leonidas Trujillo của Cộng hòa Dominica vào năm 1947 nhưng rồi từ bỏ. Ông đã có mặt tại một hội nghị thanh niên ở Colombia khi bạo động nổ ra ở đây khiến 2.000 người chết.

Sau khi học xong ngành luật, năm 1952, ông chạy đua vào Quốc hội Cuba. Khi nhân vật Fulgencio Batista thân Mỹ tổ chức một cuộc bạo động và cho dừng mọi cuộc bầu cử, Fidel bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy vũ trang.

Năm 1953, lúc 27 tuổi, ông chỉ huy một lực lượng tấn công trại lính Moncada ở thành phố Santiago de Cuba. Hàng chục đồng đội của ông đã chết, ông và một số người bị bắt và tống giam. “Lịch sử sẽ miễn tội cho tôi”, ông tuyên bố trước tòa.

Năm 1955, được tha tù, ông sống lưu vong ở Mexico và gặp nhà cách mạng người Argentina Ernesto "Che" Guevara. Cùng với em trai Fidel là Raul, họ huấn luyện một đội quân và trong năm 1956 quay trở về Cuba trên con thuyền nhỏ có tên Granma.

Bị quân chính phủ phục kích ngay khi thuyền cập bờ, chỉ 12 trong số 82 chiến sỹ tới được dãy núi Sierra Maestra.

Castro bác bỏ tuyên bố của chính quyền Batista rằng ông là một người cộng sản nhưng hàng chục năm sau, ông nói với nhà báo người Tây Ban Nha Ignacio Ramonet trong cuốn sách "100 giờ với Fidel" rằng tới năm 1952, "tôi đã bị chủ nghĩa Marxist-Leninist thuyết phục."

Điều rõ ràng nhất trong các hoạt động của Fidel là quyết tâm loại bỏ sự ảnh hưởng của người Mỹ đối với Cuba. Năm 1958, khi máy bay của chính quyền được Mỹ tài trợ kéo đến ném bom quân khởi nghĩa, ông thề sẽ trả thù.

Fidel Castro trong một cuộc trả lời phỏng vấn (Ảnh: New York Times)

“Tôi đã thề rằng người Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho những gì họ làm”, ông nói trong một bức thư gửi bạn thân và cũng là trợ tá, Celia Sanchez. "Khi cuộc chiến này kết thúc, một cuộc chiến lớn hơn và vĩ đại hơn sẽ bắt đầu, một cuộc chiến tôi phát động chống lại họ (Mỹ). Tôi nhận thấy đó sẽ là định mệnh đích thực của đời mình”.

Nhưng theo nhận định của một số chuyên gia, trước khi Fidel lãnh đạo đội quân của mình lật đổ nhà độc tài Batista đúng vào ngày đầu tiên của năm 1959, buộc ông ta phải lưu vong, Mỹ đã coi Castro là kẻ thù tiềm tàng.

Tháng 4/1961, quân đội của Fidel đã nghiền nát một lực lượng lưu vong được Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn, trong lúc lực lượng này đổ bộ vào Vịnh Con Lợn nhằm lật đổ chính quyền. Sau sự kiện này, Fidel tuyên bố Cuba là nước xã hội chủ nghĩa, bắt đầu liên minh với Liên Xô.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thoi-trai-tre-trong-cuoc-doi-khac-thuong-cua-fidel-castro-post181493.html