'Thời tôi sống'– Những trang nhật ký chiến tranh vượt xa cuốn sách của một thời

Có lẽ cuốn sách đã vượt qua 'Thời tôi sống' của riêng tác giả và đồng đội của ông. Và đó là lý do để những độc giả trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từng hi sinh, gian khổ thế nào mà trân quý hòa bình cũng như cuộc sống ngày hôm nay.

Khẳng định vị thế thể loại văn học tư liệu

Cây bút Trần Mai Hạnh tái ngộ với độc giả những năm gần đây trong tư cách vừa là nhà văn, nhà báo bằng liên tiếp những tác phẩm thuộc thể loại văn học tư liệu. Nếu như các cuốn sách trước đó như “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, “Lời tựa một tình yêu”… tác giả đã mang đến cho độc giả một góc nhìn về chiến tranh mà con người cá nhân của ông lùi sâu vào một góc khuất hay nói đúng hơn chỉ đóng vai “một người kể chuyện”, thì ở cuốn sách mới nhất “Thời tôi sống” một góc con người của ông gắn với những năm tháng chiến tranh chống Mỹ gian khổ mà oai hùng đã hiện lên, đã đem đến những hình dung cho độc giả về tác giả cũng như những người lính năm xưa.

“Thời tôi sống” vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành dầy hơn 300 trang gồm truyện ngắn, bút ký, nhật ký và ghi chép tại trận về chiến tranh được chia thành 16 phần, mỗi phần là một tác phẩm – như 16 mảnh ghép của thời gian, ký ức về người thật việc thật của chính tác giả cũng như những người đồng đội mà ông từng được gặp gỡ, được chiến đấu và trải qua thời khắc cam go, sinh tử của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Tác phẩm mới nhất của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh - Thời tôi sống do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành

Ở “Thời tôi sống” dường như tác giả không tái hiện và xây dựng một nhân vật điển hình xuyên suốt tác phẩm. Nếu như “Anh Đấu” dũng cảm mưu trí diệt kẻ thù đi đến đâu cũng trở thành hình mẫu đầy ngưỡng mộ để rồi phải ra đi đột ngột đầy day dứt, ám ảnh… thì trong suốt chiều dài và không gian của tác phẩm, tác giả đã cho thấy không chỉ có một “Anh Đấu” mà còn rất nhiều chiến sĩ kiên trung, gan dạ khác như anh Định, anh Hoạt, như người phụ nữ từng trúng đạn lòi ruột và mất đi đứa con mới vài tháng tuổi, là người đồng đội vừa nằm xuống bởi kẻ thù nhưng trên bàn thờ lại là mấy lon thịt hộp, kẹo cao su và bao thuốc lá Mỹ đồng đội nhặt được… Biết bao người con đã ngã xuống cho nền độc lập dân tộc, có thể nằm lại chiến trường, trở thành những tượng đài đi chăng nữa thì đó không phải là sự “hình tượng hóa” mà họ vẫn là những con người bằng xương bằng thịt, có tên có tuổi, cùng sát cánh bên đồng đội thời chiến đầy chân thực, giản dị. Họ khiến người đọc không thể cầm lòng, không thể chai sạn, không thể ngăn được những giọt nước mắt.

Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc luôn mặc định một sự “hư cấu”, nhào nặn của tác giả dù ít hay nhiều. Và nhân vật có “điển hình” đến đâu thì độc giả cũng rất dễ thắc mắc câu hỏi rằng trên đời này có con người và sự việc như thế không?. Để rồi sau đó họ có thể đi tìm nguyên mẫu của nhân vật để tin rằng chí ít đó là điểm tựa để nhà văn có cảm hứng xây dựng tác phẩm. Nhưng với “Thời tôi sống”, độc giả được “bảo hiểm” sự thật như một thứ lá chắn ngay từ đầu. Điều này đã trực tiếp mang đến rung cảm, xúc động cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ chưa từng trải qua chiến tranh và không sống cùng thời với tác giả, chưa từng hình dung đất nước có những giai đoạn, có những con người anh dũng, trung kiên, đau thương đến vậy. Tác phẩm như đã “trả lại” được nhiều mảnh ghép thời chiến còn thiếu vắng trong chiều dài lịch sử.

Nếu ai đó cho rằng, trí tưởng tượng và hư cấu là phẩm chất cần có của nhà văn. Và rằng nếu người cầm bút chỉ phụ thuộc vào chất liệu thực của đời sống để viết thì chỉ cần quan sát, ghi chép là có thể trở thành nhà văn. Rất may là giả thiết này chưa đúng. Vì đúng thì mỗi người lính trở về sau chiến tranh hay mỗi người sống với sự chứng kiến biết bao biến động đổi thay của lịch sử họ đã tự trở thành nhà văn. Lựa chọn cái gì để viết mà vẫn nhân vật ấy, sự kiện ấy không phải là một bài báo mà là một tác phẩm văn học được công chúng đón nhận thì không phải ai cũng làm được. Và đó là nét riêng biệt của ngòi bút Trần Mai Hạnh được đan quyện, xử lý khéo léo giữa hai chất liệu: báo chí của tư liệu và văn chương của sự ngẫm ngợi. Ông đã góp phần khẳng định đầy thuyết phục vị thế văn học tư liệu trong lòng độc giả.

Vượt xa cuốn sách của một thời

Chúng ta đã có không ít những cắt nghĩa, lý giải về cuộc chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ khi kết thúc bên thắng cuộc lại thuộc về dân tộc của một nước nhỏ, còn nghèo và lạc hậu. Tuy nhiên dường như cái kết của chiến tranh đó vẫn còn là một bí ẩn kỳ lạ mà nhiều người chưa hết đi tìm câu hỏi. Đọc cuốn sách “Thời tôi sống” có thể độc giả sẽ phần nào tìm thấy một phần lý giải đó đằng sau những câu chữ. Rằng bởi bất cứ nơi nào chiến tranh đi qua thì nơi ấy đều có những con người trở thành anh hùng, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Dù đau đớn, khổ cực, đói nghèo những họ luôn khao khát hòa bình, tin vào cuộc chiến mà dân tộc đang đấu tranh và đặc biệt “Những lúc sinh tử thế này, tự dưng cảm thấy bình tĩnh đến lạ lùng. Bất kể hoàn cảnh nào cũng không được tuyệt vọng, thoáng có ý nghĩ tuyệt vọng cũng không được.Phải giành bằng được quyền sống cho mình”.

Có cảm giác tác giả không quá dụng công đi tìm một thủ pháp nghệ thuật hữu hiệu nào “kể lại” những con người, cảnh ngộ, cuộc sống trong thời chiến mà chỉ cần “lục lại” trí nhớ, ghi chép của mình để “có gì viết đấy”, “nhớ gì kể đấy”. Nhưng kỳ thực những gì hiện lên cuốn sách bằng giọng văn đầy cảm xúc, có trình tự thời gian, không lên gân là tự thân câu chữ đã trở về với sự thật của lịch sử bằng sự chân thành, gần gũi. Tác giả đã dẫn dắt và tìm ra những điều phi thường trong cái bình thường.

Tác giả Trần Mai Hạnh

Tác giả Trần Mai Hạnh khi còn là phóng viên chiến tranh, sống và chiến đấu cùng người lính, vừa trải qua cuộc càn mấy chục ngày đêm săn lùng, vây ráp của kẻ thù , đã có những suy nghĩ thế này: “Tắm mình trong những thử thách quyết liệt, sự đau khổ và cả niềm vinh hạnh lớn lao của dân tộc, con người dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nào cũng không hề cảm thấy nhỏ bé và đơn độc. Trong chiến tranh, hơn lúc nào hết con người được giao phó đến cao độ vận mạng của chính mình, và xử lý ra sao, cái đó hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người. Trong cuộc thử thách đó, không thể chỉ trông đợi vào sự may rủi, không thể đòi hỏi sự dễ dàng như mua vé lên tàu là đến được bến bờ của hạnh phúc, mà phải chiến đấu, phải giành giật lấy chiến thắng, lấy sự sống. Tuổi trẻ chúng ta không bao giờ được quyền nghĩ đến cái chết, mà chỉ được quyền nghĩ đến sự sống”. Đây là suy nghĩ cá nhân tác giả nhưng phải chăng đó cũng là suy nghĩ của những người lính, của những thế hệ cùng thời với ông?.

Đúng như tên của cuốn sách “Thời tôi sống”, chắc rằng tác giả không có tham vọng gì to lớn ngoài việc “kể lại” một chặng đường mình đã đi qua và nếm trải trong cuộc chiến tranh như một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. Nhưng có lẽ cuốn sách đã vượt qua một cái “Thời tôi sống” của riêng tác giả và đồng đội của ông. Và đó là lý do để những độc giả trẻ hôm nay hiểu thêm về một thời cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từng hi sinh, gian khổ thế nào mà trân quý hòa bình cũng như cuộc sống ngày hôm nay.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/thoi-toi-song-nhung-trang-nhat-ky-chien-tranh-vuot-xa-cuon-sach-cua-mot-thoi-355447.html