Thổi tình yêu công tác hội đoàn cho lớp trẻ

'Cộng đồng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được biết đến là một điển hình về công tác hội đoàn. Nhờ có một cộng đồng vững mạnh như vậy cho nên người Việt tại Cộng hòa Séc đã làm được rất nhiều việc cho đất nước, cho nước sở tại, là cầu nối giữa hai nước Việt Nam-Séc. Tuy nhiên, điều cần làm lúc này là thế hệ đi trước sẽ thổi tình yêu công tác hội đoàn cho lớp trẻ, để họ tiếp tục đảm nhận sứ mệnh cầu nối, tiếp tục góp sức cho đất nước'. Đó là chia sẻ của Ủy viên Đoàn Chủ tịch, UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX Hoàng Đình Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu.

Ông Hoàng Đình Thắng.

Ông Hoàng Đình Thắng.

PV: 10 năm trở thành người của MTTQ Việt Nam ông đánh giá thế nào về công tác Mặt trận những nhiệm kỳ gần đây?

Ông Hoàng Đình Thắng: Tôi thấy càng ngày MTTQ Việt Nam hoạt động ngày một tốt hơn, ngày càng sâu sát, cụ thể hơn. Đặc biệt trong xu thế của xã hội phải đổi mới phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam có nhiều điểm tiến bộ hơn. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo MTTQ trong những nhiệm kỳ vừa qua cũng như nhiệm kỳ này.

Thưa ông, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc được biết đến là cộng đồng có tổ chức, có sự kết nối bền chặt và làm công tác đối ngoại nhân dân rất tốt, ông có thể chia sẻ bí quyết về những thành công này?

- Chúng tôi là những người xa xứ vì nhiều lý do đã định cư ở Séc. Trong số những người ấy có rất nhiều thành phần khác nhau, đó là những nghiên cứu sinh, sinh viên, người làm công việc kinh doanh… Dù chúng tôi ở nhiều thành phần khác nhau nhưng đại đa số đều muốn làm một điều gì đó cho đất nước. Và muốn làm một điều gì đó thì không một ai có thể tự mình làm được.

Với tôi, kinh doanh là nhiệm vụ số 1, nhưng bên cạnh đó cá nhân tôi muốn làm điều gì đó cho đất nước. Tôi rất thích các hoạt động cộng đồng mang tính phong trào. Sâu xa của các hoạt động này là để tăng cường mối quan hệ của hai nước Việt Nam và Séc và ngược lại. Đồng thời cũng mong muốn tăng sự hội nhập của cộng đồng người Việt vào nước sở tại, tăng sự hiểu biết của nước sở tại với Việt Nam với phong tục, tập quán, văn hóa Việt Nam để tạo sự thông cảm lẫn nhau. Qua đó quảng bá những nét tốt đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến bạn bè Séc.

Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng tôi, nét đặc biệt ở Séc chính là ngoài nhiệm vụ chính là kinh doanh, hầu hết các doanh nhân rất say sưa đến công tác cộng đồng. Trời cũng không phụ lòng người, sau rất nhiều năm cố gắng, chúng tôi đã xây dựng được cộng đồng có tổ chức. Và điều quan trọng nhất, ngoài làm công tác đối nội giữa cộng đồng với nhau, chúng tôi đã làm được công tác đối ngoại rất tốt. Đó là đối ngoại với chính quyền nhân dân sở tại. Một trong những thành công lớn của Cộng đồng người Việt Nam tại Séc chính là được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Séc. Điều đó chứng tỏ nước sở tại đã ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt sinh sống ở đây. Nhờ uy tín của cộng đồng người Việt được nâng lên qua đó quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Séc được nâng lên, kéo theo một loạt những quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học theo đó mà phát triển.

Trở thành “người Mặt trận”, điều này có giúp gì cho ông trong thực hiện công tác hội đoàn tại Séc hay không?

- Như chị đã biết, mô hình tổ chức của Hội người Việt Nam tại Séc “rất Mặt trận” gồm hội cựu chiến binh, phật tử, phụ nữ, thanh niên, sinh viên… Chúng tôi có 30 tổ chức nằm trong Hội người Việt Nam tại Séc.

Nhờ tham gia Mặt trận tôi tích lũy được những kinh nghiệm để áp dụng mở rộng các tổ chức thành viên tại Séc. Quá trình làm tạo cho tôi đam mê hơn và khi công việc kinh doanh của tôi tương đối thành đạt rồi thì cá nhân tôi muốn làm điều gì đó cho cộng đồng. Và nếu như nhiều người muốn cống hiến sức mình cho cộng đồng, chúng ta sẽ có một cộng đồng đoàn kết tạo nên sức mạnh.

Ông sẽ thổi niềm đam mê làm công tác Mặt trận, công tác hội đoàn thế nào vào thế hệ trẻ?

- Đó là một trăn trở nhưng điều này ở Séc cũng không đến nỗi quá khó khăn để thực hiện. Trong BCH Trung ương Hội rất nhiều khóa gần đây, chúng tôi chú trọng đến việc đưa nữ giới, người trẻ vào BCH. Chúng tôi đã tính đến chuyện giao cho thế hệ trẻ. Thế hệ thứ 2, 3 không nhiều nhưng cũng có nhiều cháu có tư duy thích làm công tác hội đoàn, các hoạt động phong trào, cũng gắn bó với cộng đồng, thích các hoạt động hướng về quê hương đất nước.

Làm công tác hội đoàn người ta vẫn ví đó là “vác tù và” làm sao để thuyết phục người trẻ, thưa ông?

- Tôi từng có nhiều cuộc nói chuyện, hội thảo với thanh niên, sinh viên. Tôi thường nói rằng, nếu ở bất kỳ tổ chức, hội đoàn nào các anh có tham vọng kiếm được tiền từ đó thì không bao giờ có. Liệu có hội đoàn nào để anh nhàn rỗi hơn không sẽ không có.

Như vậy, làm hội đoàn nó sẽ lấy đi thời gian, thậm chí là tiền bạc của anh, đó là cái mất. Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm, “vác tù và” hàng tổng không được gì, cái đó hoàn toàn sai. Tôi từng nói với các bạn thanh niên “nếu các cháu làm hội đoàn, sẽ va chạm với công tác phong trào, khi cần lời ăn tiếng nói, các cháu bạo dạn hơn hẳn những người không làm”. Tất nhiên, trong cuộc đời không phải lúc nào cũng sử dụng những điều đó nhưng chắc chắn có lúc sẽ cần đến. Điều đó sẽ cho ta kinh nghiệm, kiến thức.

Bạn biết đấy, Tổng thống Séc nhiều lần mời tôi lên dự đại tiệc của quốc gia, nếu không làm hội đoàn chắc chắn không bao giờ được mời. Phải làm, làm nhiều làm hết mình vì cộng đồng mới có được điều đó. Điều quan trọng nữa là nếu bạn làm thành công, uy tín của bạn với cộng đồng ấy sẽ lớn, mở ra nhiều cơ hội khác, đó là một giá trị không thể định giá được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kieu-bao/thoi-tinh-yeu-cong-tac-hoi-doan-cho-lop-tre-tintuc447870