Thời tiết vào hè nhưng phụ huynh vẫn cần đề phòng với căn bệnh lây qua đường hô hấp này

Sởi là bệnh lây qua đường hô hấp, trong thời gian mắc bệnh người dân cần tránh đưa trẻ tiếp xúc nơi đông người, khi có biểu hiện bất thường nên đến cơ sở y tế.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 6 đến 12-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 88 trường hợp mắc sởi, 10 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 9 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 trường hợp mắc ho gà, 1 trường hợp mắc viêm não mô cầu và 1 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc sởi, 224 trường hợp sốt xuất huyết, 246 trường hợp mắc tay chân miệng, 66 trường hợp ho gà, 2 trường hợp viêm não mô cầu, 1 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận gần 300 ca sởi, hiện tại khoa đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhân. Năm nay số ca sởi tăng nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, đối tượng mắc chủ yếu tập trung vào những trẻ chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đầy đủ và chủ yếu là những trẻ có biến chứng suy hô hấp, biến chứng viêm phổi.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang điều trị cho 13 trẻ mắc sởi nhiều bệnh nhi mởi chỉ 7, 8 tháng tuổi, những độ tuổi chưa được tiêm phòng.

Tại huyện Đông Anh đã liên tiếp ghi nhận các bệnh nhân mắc bệnh sởi. Tính đến hết tháng 4/2019, trên địa bàn huyện Đông Anh đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi phân bố tại 14/24 xã, thị trấn.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn khám cho bệnh nhân

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn khám cho bệnh nhân

Cần tiêm chủng cho trẻ tránh các dịch bệnh mùa hè

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân cho biết, do bệnh lây qua đường hô hấp, trong thời gian mắc bệnh người dân cần tránh đưa trẻ tiếp xúc nơi đông người, đi ra đường nên đeo khẩu trang tránh lây lan ra cộng đồng. Khi mắc sởi thì cần phải cách ly nghiêm ngặt, người bệnh cần phải được vệ sinh cá nhân sạch sẽ và nâng cao sức đề kháng, tăng cường chất dinh dưỡng cho người bệnh như bổ sung thêm vitamin đặc biệt vitamin A vì khi người bệnh mắc sởi sẽ bị thiếu hụt Vitamin A dẫn đến tổn thương biểu mô dễ gây bội nhiễm, gây viêm phổi.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè đạt hiệu quả, cần thực hiện nghiêm việc rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, nhất là đối với các bệnh như: sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, phương tiện, hóa chất, thuốc nhằm ứng phó kịp.

Các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh. Các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, vắc xin cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn mình phụ trách; tăng cường giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả; tổ chức kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát thường kỳ chất lượng nước sinh hoạt tại các nhà máy, trạm cấp nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè; đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của ngành y tế

Phúc Linh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/thoi-tiet-vao-he-nhung-phu-huynh-van-can-de-phong-voi-can-benh-lay-qua-duong-ho-hap-nay-20190514091642632.htm