Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân nhập viện tăng đột biến

Mấy ngày qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc tiếp tục xuất hiện nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có nơi hơn 40 độ C, khiến tình trạng nhập viện tăng cao.

Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, những ngày nắng nóng này, số người đến khám và điều trị các bệnh về da tại bệnh viện tăng 15-20%. Bệnh nhân chủ yếu mắc các bệnh da đặc trưng của mùa hè như: Viêm da tiếp xúc do nắng, biểu hiện bằng các vùng ngứa, rát, đỏ; nhiễm trùng, nhiễm khuẩn da; bỏng nắng, cháy nắng, thậm chí có người bị bong da, lột da sau khi đi nắng…

Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân nam, 40 tuổi, trong tình trạng hôn mê, phù não, phải thở máy. Người nhà cho biết, anh đang làm việc trên cánh đồng thì cảm thấy mệt, thiếp đi. Theo các bác sĩ, nếu qua khỏi, người bệnh chắc chắn phải chịu di chứng nặng nề, như đi lại khó khăn, phản xạ chậm chạp, do não bị tổn thương.

Theo bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày gần đây, lượng bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện tăng cao. Đặc biệt, bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm phổi, rối loạn điện giải tăng gấp 150% so với những ngày bình thường. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng gay gắt, trong khi ở người cao tuổi khả năng chống chịu với sự thay đổi của thời tiết kém, nhất là khi nắng nóng kéo dài.

Tương tự, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu Nghị tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân/ngày. Số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, thanh quản, viêm xoang... tăng cao ở các đợt nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến người già có các bệnh lý tim mạch mãn tính dễ biến chứng nặng như suy tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ.

 Các phòng bệnh tại Bệnh viện K bật điều hòa 24/24 trong những ngày nắng nóng.

Các phòng bệnh tại Bệnh viện K bật điều hòa 24/24 trong những ngày nắng nóng.

Theo các bác sĩ, một trong những lý do thường gặp khiến người già đổ bệnh trong ngày nắng nóng là do người bệnh chăm sóc sức khỏe không đúng cách, thay đổi thân nhiệt đột ngột do để điều hòa nhiệt độ trong phòng với bên ngoài chênh lệch lớn, mất nước…

Bác sĩ Phạm Trung Kiên, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo, để tránh các bệnh đường hô hấp vào mùa hè do sử dụng điều hòa, mọi người nên thường xuyên súc miệng, sát trùng họng bằng nước muối vào buổi sáng, trưa và tối trước khi đi ngủ.

Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, Bệnh viện K đã triển khai nhiều giải pháp để “giảm nhiệt” nắng nóng cho người bệnh.

ThS, BS Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Phụ trách phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện K tiếp đón hơn 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người đã đến xếp hàng chờ từ sáng sớm. Nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, Bệnh viện K đã triển khai đón tiếp bệnh nhân từ 5 giờ sáng tại cơ sở Tân Triều, 6 giờ sáng tại cơ sở Phan Chu Trinh, Tam Hiệp và khám bệnh từ 6 giờ sáng. Đặc biệt Bệnh viện cũng đưa vào sử dụng công trình xử lý và cung cấp nước uống tinh khiết với hai nguồn nước nóng và lạnh để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết thực của người bệnh và người nhà người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi hay người bệnh mới phẫu thuật có nhiều nhu cầu như sử dụng nước ấm, pha sữa…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

THÁI SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/thoi-tiet-nang-nong-benh-nhan-nhap-vien-tang-dot-bien-624205