'Hiệp sỹ bóng đêm' B-1B của Mỹ lần đầu hạ cánh tại Bắc Cực, gửi thông điệp ngầm tới Nga

Máy bay ném bom B-1B của Mỹ lần đầu tiên hạ cánh tại căn cứ không quân của Na Uy ở phía trên Vòng Bắc Cực – nơi có vai trò quan trọng về chiến lược.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Nga đang mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của nước này ở vùng cực bắc, trong đó có việc nâng cấp các căn cứ quân sự để hỗ trợ tốt hơn cho máy bay ném bom và các máy bay chiến đấu khác của nước này.

Máy bay ném bom B-1B tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Bodo. Ảnh: The Drive

Máy bay ném bom B-1B tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Bodo. Ảnh: The Drive

B-1B, có biệt danh “hiệp sỹ bóng đêm”, đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Bodo ở phía bắc Na Uy vào ngày 7/3/2021. Đây là một trong 4 máy bay ném bom của Không đoàn ném bom số 7, thuộc căn cứ không quân Dyess ở Texas.

Lực lượng Không quân Mỹ (USAF) ở châu Âu cho biết, B-1B đã dừng tại căn cứ Bodø để “tiếp nhiên liệu ấm” – công việc được tiến hành khi các thành viên trong phi hành đoàn vẫn ở trên máy bay và động cơ của máy bay đang bật nhờ nguồn điện do thiết bị phát điện hỗ trợ (APU) gắn ở phần đuôi cung cấp.

Nhiệm vụ của máy bay ném bom B-1B chủ yếu là hỗ trợ cho cuộc diễn tập phối hợp tấn công chung (JTAC) của Na Uy và Thụy Điển. Thời gian gần đây, máy bay ném bom B-11B của Mỹ đã bay cùng với 4 máy bay chiến đấu AS-39 Gripen của Không quân Thụy Điển. Dù không phải là một thành viên của NATO nhưng Thụy Điển lại là đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực.

Tướng Jeff Harrigian, tư lệnh không quân Mỹ tại châu Âu cho biết: “Rất hiếm khi máy bay ném bom Mỹ có cơ hội đảm nhiệm vai trò nổi bật trong các cuộc diễn tập JTAC của đồng minh và đối tác. Việc huấn luyện cùng với các đồng minh, đối tác sẽ giúp chúng tôi trở thành lực lượng phản ứng nhanh, kiên cường và luôn sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ”.

Sau khi triển khai các máy bay B-1B để hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2014, không quân Mỹ đang tái cơ cấu phi đội B-1B để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng hơn, chẳng hạn như huấn luyện tấn công tầm xa tại châu Âu và Thái Bình Dương.

Thông điệp "ngầm" gửi tới Nga

Theo The Dirve, các phi công của B-1B hiện giờ không còn thực hiện các bài huấn luyện bay tầm thấp, đồng thời cũng dừng triển khai máy bay này để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ trên không trong các cuộc xung đột tại Iraq, Syria và Afghanistan. Không quân Mỹ đang có kế hoạch duy trì và hiện đại hóa phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1B để giúp chúng tiếp tục phục vụ trong nhiều năm tới.

Tuy vậy, đối với bất cứ tình huống khẩn cấp nào trong tương lai, chẳng hạn như xảy ra cuộc xung đột với đối thủ ngang tầm là Nga, không quân Mỹ vẫn có khả năng điều B-1B thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ trên không, bên cạnh việc tấn công tầm xa.

Việc hạ cánh và tiếp nhiên liệu của B-1B tại căn cứ Bodo là một trong những nỗ lực của quân đội Mỹ nhằm mở rộng số lượng các địa điểm hoạt động tiềm năng mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận trên toàn thế giới. Trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột lớn, các căn cứ không quân của Mỹ có thể bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa, vì thế để giành được lợi thế, quân đội Mỹ cần phải triển khai một thế trận phân tán hơn.

Căn cứ không quân Bodo của Na Uy sẽ giúp các máy bay ném bom tiếp cận nhanh chóng vùng biển Na Uy, biển Barents và khu vực Bắc Cực rộng lớn. Từ đây, những chiếc B-1B của Mỹ có thể tạo ra thách thức lớn đối với các hoạt động của Nga ở những khu vực này.

Ngoài khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền, B-1B cũng được tăng cường khả năng chống hạm khi trang bị Tên lửa diệt hạm tàng hình AGM-158C LRASM. Năm 2020, không quân Mỹ cho biết, những máy bay này đã tham gia cuộc diễn tập chống hạm ở Biển Đen.

Trong nhiều thập niên trở lại đây, hiện tượng ấm lên trên toàn cầu đã tạo điều kiện cho quá trình tiếp cận và khám phá vùng Bắc Cực trở nên dễ dàng hơn. Băng tan nhanh không chỉ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học mà còn mà còn giúp mở ra các tuyến đường vận tải biển mới. Những lợi thế này đang khiến khu vực Bắc Cực trở thành điểm nóng của sự tranh giành ảnh hưởng về địa chính trị. Chuyến thăm của B-1B diễn ra trong bối cảnh hải quân Mỹ cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình ở phía bắc Na Uy.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho rằng Nga chắc chắn sẽ phản ứng trước việc Mỹ triển khai B-1B tới căn cứ không quân của Na Uy.

“B-1B là máy bay ném bom hạng nặng có khả năng tấn công và Nga sẽ coi đây là động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo The Drive

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/hiep-sy-bong-dem-b-1b-cua-my-lan-dau-ha-canh-tai-bac-cuc-gui-thong-diep-ngam-toi-nga-842252.vov